Tránh trở thành bãi rác thải điện tử thế nào?

ThienNhien.Net – Nếu châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ đang đau đầu vì khối lượng rác điện tử thải ra thì các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng đau đầu không kém khi chính họ lại trở thành điểm đến của phần lớn lượng rác thải này. Và thay vì chỉ tập trung hạn chế nhập khẩu rác điện tử để giải quyết bài toán trên các nước đang phát triển nên nghĩ tới việc thiết lập một hệ thống tái chế thực sự hiệu quả.

Công nghệ phát triển, rác thải điện tử phát sinh

Hàng năm, lượng rác điện tử thế giới thải ra lên tới 50 triệu tấn, nhiều nhất là ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Phần lớn lượng rác này cuối cùng lại dồn về các nước đang phát triển – nơi cũng đang thải ra một lượng rác đáng kể.

Một em bé Trung Quốc ngồi giữa hàng đống dây rợ và chất thải điện tử (Ảnh: Greenpeace.org)
Một em bé Trung Quốc ngồi giữa hàng đống dây rợ và chất thải điện tử (Ảnh: Greenpeace.org)

Theo lý giải của một báo cáo nghiên cứu thị trường công bố hồi tháng 10/2012 thì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh chính là nhân tố góp phần gia tăng việc thải loại các mẫu máy cũ ở khu vực châu Á, dẫn đến tình trạng rác điện tử tăng đột biến.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ thì Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar cũng đang trở thành điểm tập kết rác thải kỹ thuật số. Nếu Indonesia thường nhập khẩu các sản phẩm điện tử đã bị Mỹ thải loại, sau đó tái chế thành nguyên liệu thô xuất sang Trung Quốc thì Campuchia lại là bãi đáp của rác điện tử từ các nước đang phát triển khác trong khu vực.

Để tránh tình trạng hàng triệu máy tính, điện thoại di động và TV lỗi thời tự phân hủy, để lại trong môi trường nhiều chất thải độc hại như chì, catmi, thủy ngân…, rõ ràng là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương rất cần những hướng xử lý an toàn, thay thế cho các phương pháp xử lý vốn đang được áp dụng rộng rãi ở châu Á hiện nay.

Tái chế thay vì hạn chế

Trong quá trình tìm hướng xử lý rác điện tử, lệnh cấm mua bán rác điện tử đã được cân nhắc. Tuy nhiên, điều này trong thực tế chắc chắn sẽ vấp phải rào cản xuất khẩu bất hợp pháp và nạn buôn lậu.

Vì vậy, thay vì áp dụng một lệnh cấm không khả thi, có lẽ một hệ thống tái chế hiệu quả sẽ phù hợp hơn với các nước châu Á – Thái Bình Dương. Chẳng hạn, với Trung Quốc nên tăng nguồn cung tài chính để thúc đẩy hoạt động tái chế; trường hợp Nhật Bản, nước xuất khẩu rác điện tử chính ở châu Á, nên có hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất thải và phế liệu điện tử xuất khẩu từ Nhật sẽ được tái chế tại các cơ sở nước ngoài – theo quan điểm của hai nhà nghiên cứu về vấn đề xử lý rác điện tử ở châu Á Tahayoshi Shinkuma và Nguyễn Thị Minh Hương.

Riêng các nước Đông Nam Á nên triển khai toàn diện mô hình 3R: giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle). Khả năng thành công của mô hình trên đã từng được kiểm chứng khi áp dụng để xử lý vấn đề rác thải đô thị và hiện nó đang bước đầu được triển khai ở một số nước đang phát triển khu vực này.

Bên cạnh chính sách quốc gia, các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng cần nghĩ đến việc thực thi các giải pháp mang tính khu vực như đặt mã màu cho các loại rác khác nhau; tách nguồn nhằm giúp quá trình phân loại, xử lý rác trở nên dễ dàng hơn hoặc theo dõi “đường đi” của rác thải điện tử qua biên giới quốc gia.

Ngoài ra cần kêu gọi trách nhiệm xử lý an toàn các loại rác thải của ngành công nghiệp điện tử, đồng thời kêu gọi ý thức người dân trong việc tham gia các chiến dịch giảm thiểu và xử lý rác điện tử một cách an toàn.