EVFTA – Cơ hội càng lớn, càng nhiều gian nan (Bài 2)

Bài 2: Thách thức chiếm lĩnh thị trường

Trước khi EVFTA có hiệu lực, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhưng chỉ chiếm thị phần rất nhỏ do một số mặt hàng bị áp thuế cao, trong khi đó lại chịu sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn. Chính vì vậy, thời gian tới, dù có lợi thế về thuế từ EVFTA thì việc chiếm lĩnh thị trường châu Âu cũng không hề đơn giản vì các ngành hàng sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn, từ chất lượng, mẫu mã đến các vấn đề lao động, môi trường và phát triển bền vững theo yêu cầu của EU.

Nhiều quy tắc, tiêu chuẩn cao

Theo đánh giá của phần lớn các doanh nghiệp, EVFTA mở rộng cánh cửa về thuế nhưng lại dựng lên nhiều hàng rào về kỹ thuật trong thương mại và siết chặt các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan cũng không dễ dàng, nhất là đối với nông sản nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) Võ Văn Phục cho biết: EVFTA là một cơ hội lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam, nhưng trong điều kiện hiện nay thì việc tận dụng triệt để những cơ hội đó là vô cùng khó. Ðơn cử như với tôm xuất khẩu vào EU, để hưởng mức thuế ưu đãi thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có chứng nhận vùng nuôi ASC (chứng nhận xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm đến mức thấp nhất tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động) – đây là tiêu chuẩn rất ít doanh nghiệp đạt được và nếu có thì diện tích đạt chuẩn cũng không lớn.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (Lâm Ðồng) sơ chế trái cây xuất khẩu. Ảnh: QUANG HIẾU

Nguyên nhân là do điều kiện khắt khe từ hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản về nguồn đất, nguồn nước và luôn chịu sự thanh tra, kiểm tra đột xuất hằng năm của tổ chức này. Khó khăn nữa là đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, trong đó có yêu cầu không sử dụng lao động trẻ em. Ở khía cạnh nào đó, quy tắc này cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản phải thay đổi cơ cấu lao động, nhất là trong mùa vụ thu hoạch rộ hoặc trong những thời điểm cấp bách phục vụ quá nhiều đơn hàng đến hạn. Ðiều đó sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động và giá nhân công có thể bị đẩy lên cao khiến doanh nghiệp phải tốn thêm không ít chi phí. Bên cạnh đó, việc Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” với hải sản khai thác của Việt Nam đã gây khó khăn cho ngành hải sản trong thời gian qua, khiến nhiều lô hàng bị vướng thủ tục giấy tờ về chứng nhận đánh bắt nguyên liệu do không đáp ứng đầy đủ quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC.

Ðối với mặt hàng gạo thì khó khăn còn chồng chất hơn do từ nhiều năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống, không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn, chất lượng. Do đó, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm với thuế suất trong hạn ngạch là 0% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại không sử dụng hết số hạn ngạch được cấp do lượng gạo đáp ứng tiêu chuẩn không nhiều. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: Thị trường EU có ba yêu cầu chính cho gạo, là doanh nghiệp có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; gạo phải đạt các chỉ tiêu cơ lý, độ thuần chuẩn; bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên 486 hoạt chất theo quy định của EU – đây là một yêu cầu quá khó vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề như kiểm dịch, phương pháp lấy mẫu, thống kê…

Chưa kể, ở nước ta việc sản xuất lúa vẫn phần nhiều theo thói quen canh tác truyền thống như sử dụng lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật không ổn định, hoặc dựa vào những trải nghiệm canh tác cũ để xử lý sâu bệnh bằng những cách thức và loại thuốc độc hại, gây ảnh hưởng tới chất lượng gạo, kết quả là không thể vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Ðể thay đổi điều này là cả một quá trình cần nhiều thời gian, công sức và ý thức của tất cả các bên liên quan trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Cùng chung nỗi lo về quy trình thực hiện các điều kiện, quy tắc của EU về chất lượng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Ðình Tùng cho biết: Công ty hiện xuất khẩu trái cây đi nhiều quốc gia trên thế giới nhưng EU là khu vực thị trường khó tính và gắt gao nhất trong việc kiểm tra các tiêu chuẩn đầu vào. Ðể xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần có đầy đủ các chứng nhận như: Vùng trồng đạt chuẩn Global GAP; nhà máy đạt chuẩn ISO 9001:2015, HACCP; có chứng nhận xã hội SMETA; chứng nhận môi trường… thì mới xong bước đầu để đạt điều kiện đàm phán với các doanh nghiệp châu Âu. Sau đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm duy trì các chứng nhận và thực hiện đúng cam kết. Khi vào châu Âu, gần như 100% các đơn hàng sẽ phải kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, nếu vi phạm sẽ bị hủy hàng và cấm xuất khẩu qua thị trường này. Ðiều đáng nói là những điều kiện nêu trên đều đòi hỏi doanh nghiệp phải có một nền tảng tài chính tốt. Thí dụ để đạt được chứng nhận Global GAP cần chi phí là 200 triệu đồng trên một mã vùng trồng của một loại trái cây. Trong khi đó, các chứng nhận này không có giá trị vĩnh viễn mà chỉ có thời hạn, phải làm mới hằng năm.

Ðiều này có nghĩa là mỗi năm doanh nghiệp đều phải tốn cùng mức chi phí như ban đầu và vẫn phải bảo đảm được các yêu cầu xét duyệt. Hành trình này quả thực gian nan, dễ làm “chùn chân, mỏi gối” các doanh nghiệp cả về tài chính, công sức và tâm sức. Nếu không có quyết tâm và đam mê theo đuổi với nền tảng vốn, kỹ thuật tương đối tốt thì rất khó đi đến đích để tận dụng được lợi thế về thuế quan từ EVFTA.

Rào cản từ khả năng tiếp cận pháp luật

EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, tuy nhiên đây lại là thị trường khó tính với nhiều quy định về hàng hóa nhập khẩu mà không phải doanh nghiệp nào cũng am tường cũng như có ý thức chấp hành một cách rõ rệt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ðỗ Xuân Lập thì hiện nay các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nên khả năng tiếp cận thông tin về cam kết và cách thức thực hiện cam kết EVFTA còn nhiều hạn chế. Nếu không cải thiện được điều này thì doanh nghiệp Việt rất dễ đánh mất thị trường xuất khẩu từ các FTA đã ký kết. Thí dụ như về lao động, các FTA đều đặt ra cam kết thực thi hiệu quả tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), các hiệp định đa phương về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, gồm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển và ngành gỗ sử dụng rất nhiều lao động phổ thông, mùa vụ, năng suất thấp. Ngoài vấn đề lao động, còn có những vấn đề khác như môi trường, sở hữu trí tuệ,… cũng là những thách thức lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt để tiếp cận hiệu quả thị trường EU. Về quy định riêng ngành gỗ thì VPA/ FLEGT vừa là cơ hội, nhưng cũng chính là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ bảo đảm gỗ hợp pháp, trong đó có hệ thống phân loại doanh nghiệp, kiểm soát gỗ nhập khẩu và cấp phép FLEGT. Hiện nay, hằng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ðây là thời điểm các doanh nghiệp gỗ cần có những cam kết mạnh mẽ để xây dựng một ngành gỗ bền vững, phù hợp các tiêu chí của EU.

Không phải chỉ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, mà hạn chế trong tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng các cam kết về pháp lý khi tham gia EVFTA còn xảy ra ở hầu hết các ngành hàng khác. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên phân tích: Trong quá trình tham gia EVFTA, các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Cam kết này bao gồm các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người, vật nuôi, động thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm và/hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động thực vật.

Tuy nhiên, hình thức của các biện pháp SPS lại rất đa dạng, có thể là yêu cầu về chất lượng, bao bì, quy trình đóng gói, nhưng cũng có thể là phương tiện và cách thức vận chuyển động thực vật, hay là cách thức kiểm dịch, phương pháp lấy mẫu, thống kê… Chính vì vậy, doanh nghiệp trước tiên phải hiểu được yêu cầu tổng quát, sau đó tùy vào điều kiện riêng của từng đối tác nhập khẩu để tiến hành thực hiện đúng và đầy đủ. Trong điều kiện nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nước ta còn có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp lý thì việc triển khai các cam kết cũng trở thành một rào cản không dễ vượt qua. Chưa kể đến các cam kết thuộc nhóm biện pháp kỹ thuật trong thương mại liên quan đến lao động, môi trường, cạnh tranh lành mạnh với vô số những tiêu chí đi kèm, đều đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật và tuân thủ chi tiết.

Theo khảo sát cuối năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), yếu tố cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA là: bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước (81,48%); cam kết bất lợi (61,54%); quy tắc xuất xứ quá khó (73,13%); năng lực cạnh tranh thấp so với đối thủ (78,26%); thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện (84,09%). Bên cạnh đó, để thực hiện đầy đủ cam kết thì tất cả các chi phí của doanh nghiệp đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí sản xuất tăng khi thực hiện cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế…; chi phí tuân thủ tăng khi đáp ứng các quy tắc về lao động, môi trường…