Kinh tế VAC thời lương thực tăng giá

Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc đã cảnh báo, tình trạng khan hiếm lương thực và giá cả leo thang sẽ còn tiếp diễn; hiểm hoạ đói kém, bất ổn vì vật giá đắt đỏ, lương thực thiếu thốn đang rình rập nhân loại, nhất là người dân tại các quốc gia nghèo. Tổ chức này đưa ra danh sách 37 nước có nguy cơ thiếu ăn, trong đó có nước ta.

Trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà người dân lại có nguy cơ thiếu ăn, giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liêm (Đại học Giơnevơ – Thuỵ Sĩ) cho rằng: “Việt Nam bị xếp vào danh sách này không phải vì thiếu lương thực mà vì giá lương thực tăng cao do chi phí sản xuất tăng và tốc độ lạm phát cao, người dân thiếu tiền mua lương thực, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, địa bàn các xã đặc biệt khó khăn”.

Để đảm bảo an ninh lương thực, ngoài việc đảm bảo nguồn cung thuận tiện thì cần giúp mọi người có khả năng tiếp cận lương thực. Để mọi người, mọi nhà, nhất là người nghèo ở nông thôn, bà con dân tộc thiểu số ở trung du miền núi tiếp cận lương thực cần giúp họ có thu nhập thông qua đất đai, lao động tại chỗ.

Thực tế hơn 20 năm qua đã chứng minh mô hình kinh tế VAC do Hội Làm vườn Việt Nam khởi xướng, phát động và hướng dẫn là một giải pháp hiệu quả trong tận dụng đất đai, lao động để tăng thu nhập, xoá đói nghèo. Điển hình nhờ làm giỏi kinh tế VAC có của ăn của để, vươn lên khá – giàu địa phương nào cũng có, vùng nào cũng có, dân tộc nào cũng có bởi VAC dễ làm, ở đâu cũng có thể làm được và đã làm là có hiệu quả.

Nhờ làm VAC, các gia đình có thêm thực phẩm trong bữa ăn, giúp giảm lượng lương thực, xoá suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bà mẹ nuôi con nhỏ. Nhờ làm VAC, các gia đình có sản phẩm bán ra thị trường, tăng thu nhập, có tiền để tiếp cận lương thực và mua phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

VAC thực hiện được trên cả những địa bàn không thể canh tác lúa nước (đồi núi, vùng cát). Canh tác trong VAC là thâm canh và xen canh nên không xảy ra mất mùa toàn bộ như canh tác lúa và ngay trong vườn cũng có thể trồng cây lương thực. Phát triển VAC hàng hoá là hướng xoá độc canh trong sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai trung du miền núi và vùng cát ven biển…

Kinh tế VAC là bộ phận trọng yếu của ngành nông – lâm – ngư nghiệp, nguồn thu quan trọng của gia đình nông dân, góp phần rất lớn vào an toàn lương thực – thực phẩm gia đình. Trong giai đoạn giá cả tăng cao và khí hậu biến đổi hiện nay, tạo điều kiện và hỗ trợ để kinh tế VAC phát triển sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt. Vì vậy, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của các ngành.