Thừa Thiên Huế: Giao người dân "nuôi" rừng – bước đột phá giảm nghèo

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại toàn bộ đất đai tại 4 công ty lâm nghiệp, 6 ban quản lý rừng phòng hộ và sẽ thu hồi khoảng 50.000 ha rừng trong tổng số hơn 205.000 ha rừng hiện do các đơn vị này quản lý để giao cho địa phương, người dân quản lý, trồng và chăm sóc.

Hiện mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên- Huế trồng được 4.500 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng kinh tế và khoanh nuôi, tái sinh khoảng 6.500 ha rừng khác.

Tỉnh xác định lấy các giống cây thích hợp như keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, tràm hoa vàng, các loại phi lao, thông nhựa, sao, quế, dó bầu, và một số cây bản địa khác để phát triển và làm giàu vốn rừng thay cho cây bạch đàn trước đây.

Việc “nuôi rừng” đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục ngàn hộ dân sống ven rừng. Trung bình, cứ 1 ha rừng cây keo cho thu hoạch từ 20 – 40 triệu đồng.

Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế thu về 12 triệu USD từ xuất khẩu dăm gỗ. Hiện tại, mỗi năm, tỉnh đã thu mua và chế biến xuất khẩu khoảng 140.000 m³ gỗ dăm sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Chính sách giao rừng và đất rừng cho người dân trồng, quản lý, khai thác được đánh giá là một trong những biện pháp hiệu quả tạo bước đột phá về xóa đói nghèo của Thừa Thiên Huế.

Tại phiên họp Chính phủ giữa kỳ tháng 11/2008, chỉ đạo về các giải pháp xóa đói nghèo cho 61 huyện nghèo nhất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tiến hành giao khoán rừng cho người dân, gắn với cấp lương thực và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi. Đây là chính sách trực tiếp giữ rừng, tạo động lực để đồng bào nghèo vươn lên từng bước thoát nghèo.