Công nghệ thân thiện môi trường

Trong những năm gần đây, hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và CHLB Ðức ngày càng phát triển. Trong đó có lĩnh vực về nước và môi trường. Các chuyên gia của hai nước đã và đang tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu nhằm chuyển giao vào nước ta các công nghệ thân thiện với môi trường và thích ứng với điều kiện trong nước.

“Chợ công nghệ và thiết bị” IFAT-2008

Ðến Hội chợ lĩnh vực công nghệ môi trường và dịch vụ môi trường (IFAT- 2008) vừa tổ chức tại Munich, có cảm giác như đến chợ công nghệ và thiết bị thường được tổ chức trong nước, bởi ở đó cũng có các hoạt động tương tự như: giới thiệu công nghệ, hội thảo khoa học, ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế…

Tuy vậy, IFAT là hội chợ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghệ môi trường và dịch vụ môi trường. Hàng nghìn công nghệ, thiết bị của các tập đoàn lớn thuộc 36 quốc gia, đã được trưng bày tại hội chợ, trên tổng diện tích hơn 192 nghìn m2. Các sản phẩm được trưng bày tại IFAT bao gồm: công nghệ nước, công nghệ xử lý nước thải, rác thải và tái sử dụng chất thải. Ðó là những công nghệ thân thiện môi trường.

Trong số hơn 120 nghìn người từ 163 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến hội chợ để tìm hiểu các công nghệ và thiết bị, có gần 100 nhà khoa học, cán bộ quản lý của nước ta. Họ là thành viên các đoàn: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Xây dựng; doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam.

Tại IFAT, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam Ðặng Quang Trung đã ký biên bản ghi nhớ với GS, TS Pê-tơ Vê-nơ, đại diện Trường đại học kỹ thuật Dresden, Viện Môi trường (IAA), và Công ty IWP về việc hợp tác tư vấn và xử lý môi trường ngành cao-su; đào tạo về sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả năng lượng; chuyển giao công nghệ chế biến cao-su cao cấp.

Trong khuôn khổ hoạt động của IFAT, Bộ Hợp tác phát triển CHLB Ðức (BMZ), Tổ chức đào tạo và phát triển nhân lực (InWent), Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý nước và chất thải rắn. Tham dự có hơn 50 nhà khoa học và cán bộ quản lý của hai nước.

Tại hội thảo, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật Ngô Hồng Quang đã trình bày báo cáo đánh giá thực trạng việc cung cấp nước sạch, xử lý nước và rác thải ở nước ta cùng mục tiêu và các giải pháp trong thời gian tới, nhu cầu cần chuyển giao công nghệ. Ðại diện nhiều công ty của Ðức đã đưa ra câu hỏi về loại công nghệ cần chuyển giao, trả lương người lao động. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm trao đổi đó là sự hợp tác giữa bên nhận và bên chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xử lý nước và chất thải rắn.

Ðể cho các bạn đồng nghiệp hiểu rõ hơn công nghệ của Ðức trong việc xử lý và cung cấp nước sinh hoạt, Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Ðức (BMBF) đã mời đoàn tổ công tác trong lĩnh vực công nghệ nước và môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) đến thăm Viện nghiên cứu về nước Schweter tại thành phố Ðóc-mun cách Bon khoảng 150 km.

Ngài Frăng Rem-lơ, Viện trưởng đã dẫn khách đi thăm nhà máy xử lý nước sông Ruhr thành nước sinh hoạt (đạt tiêu chuẩn châu Âu) theo công nghệ gần gũi với thiên nhiên. Nước từ sông Ruhr được dẫn vào một hồ chứa lớn. Một phần nước được dẫn đến trạm thủy điện nhỏ (cung cấp điện cho quá trình hoạt động của cả nhà máy), phần còn lại cho chảy qua đập tràn vào hệ thống lọc bằng cát, sỏi ngầm dưới đất. Sau khi các thành phần kim loại nặng, hoặc a-sen (nếu có) trong nước được xử lý, nước sạch được bơm lên đồi cao. Từ đây nước được đưa về các khu dân cư.

Ngài Frăng Rem-lơ cho biết: “Viện đã nghiên cứu các công nghệ thích ứng lọc cho nhiều loại nước sông khác nhau. Thực tế đã chứng minh công nghệ xử lý nước của viện đã thu được kết quả tốt khi viện triển khai dự án xử lý, cung cấp nước sạch tại Ðà Lạt (Lâm Ðồng)”.

Tấm lòng của các nhà khoa học Ðức

Theo tổ công tác trong lĩnh vực nước và môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ do TS Bùi Văn Quyền làm trưởng đoàn sang CHLB Ðức làm việc, chúng tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ quản lý tại các trường đại học.
Làm việc đúng giờ, theo nội dung định trước, hỏi cặn kẽ, đưa ra giải pháp cụ thể từng vấn đề là một đặc điểm nổi bật trong các cuộc họp giữa hai bên bàn về xây dựng và triển khai các dự án về nước và môi trường ở nước ta. Trưởng cơ quan quản lý dự án trong lĩnh vực nước và môi trường của Bộ BMBF TS Cal-Pê-tơ Cờ-nô-bel, đánh giá cao kết quả hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai nước trong thời gian gần đây, nhất là sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong đầu tháng 4 vừa qua.

Dựa trên biên bản phiên họp lần thứ hai Ủy ban công tác liên bộ giữa MOST và BMBF, trong thời gian tới, hai bên sẽ triển khai các dự án liên quan lĩnh vực nước và môi trường, đó là: nghiên cứu hệ thống cấp thoát nước của các khu đô thị; phát triển và tối ưu hóa kỹ thuật lọc nước ngầm có nhiễm a-sen; xây dựng thử nghiệm bể sinh khối; tổ chức đoàn khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh. Cả hai bên nhất trí thành công của dự án không chỉ có sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư mà phải có sự tham gia của các doanh nghiệp Ðức và Việt Nam. Ðể xây dựng các dự án tiếp theo có tính khả thi cao, phía Việt Nam sẽ lập danh sách công nghệ cần đáp ứng nhằm mục đích khai thác được nước sạch, xử lý nước thải, rác thải phù hợp điều kiện từng vùng, từng tỉnh. Trên cơ sở đó phía Ðức sẽ nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp. Song song với việc triển khai dự án việc hoàn thiện cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng hợp tác công nghệ nước và môi trường ở Hà Nội cũng được cả hai phía quan tâm.

Từ năm 2002, giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Trường học, khoa học và nghiên cứu (nay là Bộ Cách tân khoa học, nghiên cứu và công nghệ) Bang Nordrhein- Westfalen đã ký văn bản ghi nhớ về “Tăng cường sự hợp tác trong khoa học giảng dạy và nghiên cứu”. Biết có đoàn công tác về nước và môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ sang Ðức làm việc, GS, TS H.Stô-pơ (Ðại học tổng hợp Bochum) đã chủ động thiết kế buổi gặp gỡ giữa đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Cách tân khoa học, nghiên cứu và công nghệ của bang.

Tại buổi làm việc, Trưởng ban hợp tác quốc tế và châu Âu Mô-ni-ca Kra-mi-ne đã nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện những nội dung mà hai bộ đã ký trong bản ghi nhớ từ năm 2002. Không những thế còn tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, viện nghiên cứu của bang hợp tác trực tiếp với các đơn vị tương ứng ở Việt Nam. Bà Mô-ni-ca Kra-mi-ne cho rằng người giúp bang có mối quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung, nước và môi trường nói riêng trong thời gian tới là GS, TS H.Stô-pơ.

Trong thời gian chúng tôi công tác ở Ðức, GS, TS H.Stô-pơ cùng với những người học trò của mình luôn giúp đỡ tận tình các thành viên trong đoàn, từ việc xây dựng chương trình gặp gỡ đối tác, đi thực địa… Nhiều khi chín giờ đêm, GS, TS H. Stô-pơ mới chia tay với đoàn để về nhà cách đó 150 km.

Vì sao giáo sư lại dành một tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam? GS, TS H.Stô-pơ trả lời: “Năm 2000, lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần đó đã làm tôi không sao quên được. Tôi yêu con người Việt Nam. Họ rất chăm chỉ, thân thiện và khiêm tốn. Họ hay cười và rất hay tổ chức liên hoan, điều đó làm tôi rất thích thú. Công việc của tôi là nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cung cấp nước và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Tôi hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”.