Đất rừng phương Nam: Người dân không "mặn" với rừng (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Dòng di dân đang đè nặng lên đất rừng phương Nam. Người dân hái lượm của rừng, của biển song vẫn không thoát khỏi cảnh cơ cực. Trong khi đó, đất rừng ngày một thu hẹp, rừng ngày một nghèo kiệt. Công việc quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng như con thuyền ngược nước. Kiểm lâm đập phá lò than trên mặt đất thì người hầm than xây dựng lò than dưới lòng đất, tranh thủ đào lén lúc giữa đêm để nuôi tôm…

Vào rừng ngập mặn với kiểm lâm

Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hiển cho tôi tháp tùng với chuyến tuần tra. Anh Dương Hoài Phương, Hạt trưởng, căn dặn: “Anh em đi rừng phải chú ý đội mũ bảo hiểm. Dân mình cũng “liều” lắm. Họ phang cây xuống là lãnh đủ đó!”

Chiếc vỏ lãi composite gắn máy Honda 11CV, nhấn gas vọt thẳng hướng rừng. Khu rừng già Giao Đu (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) bị triệt hạ để hầm than. Đây là điểm nóng nạn đào phá rừng hầm than và đào đất rừng nuôi tôm.

 Về đất Phương Nam
Phá đước nuôi tôm giữa rừng (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Trước đây, khu rừng đước cao chót vót đến vài chục mét, dày đặc, chen chúc, che khuất mặt trời. Những cây đước giao đầu vào nhau, phủ kín không gian con rạch nhỏ. Loài khỉ, vượn, sóc… đu theo cành cây đước từ bên này sang bên kia sông tìm bạn, kiếm mồi. Người dân địa phương đặt tên cho khu rừng là Giao Đu.

Nhìn khu rừng bị tàn phá, đào bới như vừa trải qua một trận bom cày đạn xới. Anh kiểm lâm cho biết: “Khu vực này có 8 hộ dân “tỉa thưa” cây đước để bán, để hầm than. Đến mức không còn tỉa thưa được nữa thì chặt sạch, đào đất rừng làm vuông tôm trên diện tích hơn 50 ha”.

Tương tự, 25 hộ dân Lâm ngư trường Kiến Vàng chiếm 4 ha đất để đào kinh xổ tôm. Không làm lén nữa, bà con còn phát đơn yêu cầu đòi lại đất. Tại khu vực rừng Cây Phước, xã Viên An Đông, thuộc Ban quản lý rừng Tắc Biển, các hộ dân di cư tự do tự bao chiếm 10 ha rừng được để đào kinh, xây cống, xổ tôm.

Khi lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng đến thì lập tức những người này lánh vào rừng, bỏ chòi vuông trống huơ. Lực lượng kiểm lâm dỡ lều, đập cống, cuốn lú. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau, lều mới, cống mới, đặt lú mới lại mọc lên.

Xử phạt chưa đủ răn đe

Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý những sai phạm lâm luật gần như chưa đủ sức răn đe. Người vi phạm lâm luật bị xử lý rồi lại tái phạm ở mức độ nặng hơn.

Ông Huỳnh Văn Khởi, 41 tuổi, ở ấp Nhưng Miên B, xã Viên An Đông đã từng bị phạt hành chánh 200.000 đồng về hành vi chiếm đất rừng trái phép. Đóng phạt xong, Huỳnh Văn Khởi lại tái phạm nhiều lần, thiệt hại rừng lớn hơn. Khoảng tháng 2/2001, Huỳnh Văn Khởi tự ý khoanh bao 6,2 ha rừng trồng năm 1992. Ngày 12/2/2002, Toà án nhân dân huyện Ngọc Hiển tuyên phạt Huỳnh Văn Khởi với mức án 9 tháng tù giam, buộc bồi thường 3.041.500đ nhưng khó thi hành vì quá nghèo.

Ông Huỳnh Văn Khởi chấp hành án tù xong lại vào rừng chặt cây rừng, đào phá đất rừng để nuôi tôm. Tôi vào một khu rừng ở ấp Nhưng Miên, xã Viên An Đông, gặp nhiều túp lều trống, cống xổ tôm vừa xây xong. Người thanh niên tên Hoàng ung dung ngồi đốt lò than, tỏ vẻ khó chịu. Cạnh đó, chiếc xuồng ba lá vương vãi cây đước còn tươi, một đống cây đước được kéo lên bờ.

Khi được hỏi chủ nhân của xuồng và cây ai chặt? Anh ta trả lời cộc lốc: “Không biết!” Khu vực gần đó, thuộc ấp Xẻo Lá thuộc Ban quản lý rừng Tắc Biển hầu như cây đước nào cũng bị triệt hạ, đào kinh, xổ tôm. Đây là khu rừng mà Trần Văn Hùng, 43 tuổi cùng người mẹ ngoài 60 tuổi đã chặt phá 135 m2 rừng, mật độ 600 cây/ha, bị Toà án nhân dân huyện Ngọc Hiển đã xử phạt Trần Văn Hùng với mức án 9 tháng tù giam, bồi thường 2.452.500đ.

Một vài người dân nhanh chóng chạy theo lực lượng kiểm lâm, đổ lỗi cho cán bộ lâm trường cho người nhà vô chặt cây. Khi chia tay với họ, anh em kiểm lâm cho biết những người chiếm đất rừng đước để nuôi tôm không ai khác chính là những người thân, bà con dòng họ của những người đang ở tù vì tội phá rừng, chiếm đất rừng trái phép đã nói ở trên.

Vương vương khói hầm than

 Về đất Phương Nam
Xóm lò than Vàm Ong Định, Ngọc Hiển (Ảnh Nguyễn Tiến Hưng)

Vàm Ông Định thuộc lâm phần Lâm ngư trường 13/12, cách thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) con sông Cái Lớn có dãy lò hầm than âm ỉ quanh năm. Những ngôi nhà lá liền kề xám xịt vì bụi khói, thách thức.

Anh em kiểm lâm đến dãy lò than Vàm Ong Định, người lớn, trẻ em đều gọi đúng tên họ. Những người dân ở đây năn nỉ lực lượng kiểm lâm bỏ qua để kiếm tiền mua gạo. Giải toả xóm lò than Vàm Ong Định rất nhiều lần. Lực lượng kiểm lâm dùng máy bơm chữa cháy rừng để phá huỷ lo than. Xóm lò than bị đập tắt lửa ngày trước thì ngày sau dựng lại nhà, xây lò mới, lửa vẫn âm ỉ, khói vẫn bốc lên.

Anh Dương Hoài Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ngọc Hiển tâm sự: “Nạn phá rừng ngập mặn do áp lực xã hội, di dân tự do. Người dân vào rừng mang theo cái nghèo đói. Hiệu quả kinh tế con tôm làm cho người dân tìm mọi cách triệt hạ cây rừng để mở rộng diện tích nuôi tôm. So với những năm trước, số vụ xâm phạm rừng, đất rừng lớn, phức tạp, căn thẳng”.

Chuyện thời sự nóng bỏng rừng đước là những người “chủ nhỏ” trực tiếp phá rừng. Họ tỉa thưa để hầm than kiếm tiền. Rừng thưa dần đến mức không thể tỉa thưa được nữa thì phá sạch để đào kinh nuôi tôm. Thời gian gần đây, người dân xây lò than dưới lòng đất giữa rừng, đào phá đất rừng vào ban đêm để qua mặt lực lượng kiểm tra.

Tôi theo chuyến ghe chở than đước từ HTX 19/5 ở xã Tam Giang (huyện Ngọc Hiển) về TP Cà Mau. Xuồng máy đi trong đêm, qua bao kinh rạch rừng đước Năm Căn, Ngọc Hiển. Khói đốt lò than nằng nặng, vương vương rừng đước bạt ngàn.