Khắc phục ô nhiễm: Đừng để “một tiền gà- ba tiền thóc”!

ThienNhien.Net – Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh phí bỏ ra khắc phục ô nhiễm thường gấp 3 lần so với số tiền thu được từ các hoạt động phát triển gây ô nhiễm.

Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là ngày Môi trường Thế giới. Năm nay, chủ đề của ngày Môi trường Thế giới là “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm- vì 1 trái đất bền vững” như một cách để mỗi công dân trên Trái đất thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình với môi sinh và cộng đồng.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, sau Hội nghị lần thứ 7 Công ước Rotterdam về các hóa chất độc hại được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hay nông nghiệp, TS Trần Tuấn, một chuyên gia nghiên cứu chính sách về y tế- môi trường đưa ra lời cảnh báo: “Nếu không nhanh chóng ban hành những quy định chặt chẽ về nhập khẩu thiết bị điện tử, thì trong tương lai không xa Việt Nam sẽ trở thành một trong những bãi rác điện tử của thế giới”.

Lời cảnh báo của vị chuyên gia này không phải không có cơ sở. Cho dù nước ta chưa có thống kê chính thức về lượng rác điện tử thải ra môi trường hàng năm, nhưng theo thống kê của 1 tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm, tổng lượng rác điện tử tại nước ta lên tới 90.000 tấn/năm, trong đó một phần là nhập khẩu sản phẩm cũ.

Lấy chì từ những bình ắc quy hỏng ở làng Đông Mai, thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên. (Ảnh: VOV.VN)
Lấy chì từ những bình ắc quy hỏng ở làng Đông Mai, thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên. (Ảnh: VOV.VN)

Cách đây gần chục năm, các chuyên gia đã từng lên tiếng cảnh báo với cơ quan chức năng về cơ chế kiểm soát rác điện tử, một kinh nghiệm đau đớn mà nhiều nước kém phát triển ở Châu Phi hay thậm chí như Ấn Độ đã phải trải qua trong thập kỷ 90. Và 20 năm sau, những ngôi làng đầu tiên ở Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả.

Cách đây mươi hôm, thông tin về 33 đứa trẻ nhiễm độc chì nặng ở làng tái chế ắc quy Đông Mai, thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên khiến dư luận một phen rúng động. Từ hơn 30 năm nay, các hộ gia đình ở Đông Mai tái chế ắc quy hoàn toàn theo cách thủ công. Hóa chất trong pin, ắc quy (chủ yếu là chì) được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng, khiến nhiều diện tích của làng không cấy trồng được.

Nguy hiểm hơn là có đến 65% số trẻ trong làng bị nhiễm độc chì cần phải điều trị thải bỏ. Ước tính sơ bộ, trong số 33 trẻ nhiễm độc chì nặng, chậm phát triển trí tuệ đó, chi phí thải độc chì cho mỗi em lên tới 240 triệu đồng.

Trong khi chúng ta chưa hề có hệ thống pháp lý về quản lý, nhập khẩu rác điện tử thì những làng nghề tái chế “đồng nát” vẫn đỏ lửa ngày đêm. Chính tại đây, rác điện tử trở thành thảm họa với môi trường. Rác điện tử về nguyên tắc không thể tiêu hủy theo cách vẫn làm với rác thải sinh hoạt thông thường. Nếu tiến hành tiêu hủy theo phương thức đốt thì 6 chất cực độc có thể gây ung thư và đần độn (nhất là chì, thủy ngân hay amiăng,..);  còn nếu chôn thì những chất này sẽ nhanh chóng ngấm vào nguồn nước ngầm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng.

Không khó hiểu khi Việt Nam có tới 37 “làng ung thư” như ghi nhận của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, Bộ TN&MT. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện, 70.000 người bị chết vì căn bệnh này, tăng hơn nhiều so với trước đây. Không thể không có căn nguyên từ ô nhiễm đất, không khí, nước và từ chính thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hủy hoại môi trường.

Chuyện những gia đình nông dân trồng rau, nuôi lợn sạch cho nhà ăn, rồi thả sức phun thuốc trừ sâu, chất tạo nạc cho sản phẩm đem bán giờ đã không còn là chuyện lạ. Nhiều người dân vẫn quen với việc hất rác trong nhà ra cửa, chỉ cốt sạch nhà mình… Đó không chỉ là cách sản xuất- tiêu dùng vô trách nhiệm mà còn là hành động hủy hoại môi sinh, hủy hoại sức khỏe cộng đồng.

Thử hình dung, một gia đình không ăn rau còn nguyên thuốc trừ sâu do mình trồng hoàn toàn có thể trở thành bệnh nhân ung thư khi ăn phải lợn siêu nạc của một gia đình khác và ngược lại. Những công nhân của một doanh nghiệp xả thải xuống sông hoàn toàn có thể uống phải nước từ chính con sông bị đầu độc đó.

“Một tiền gà, ba tiền thóc”- câu nói dân dã, quen thuộc tưởng không liên quan nhưng lại rất đúng trong trường hợp này. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh phí bỏ ra khắc phục ô nhiễm thường gấp 3 lần so với số tiền thu được từ các hoạt động phát triển gây ô nhiễm, trong đó có chi phí tẩy độc môi trường và chi phí y tế khổng lồ. Nhưng, cái quan trọng hơn là sức khỏe, là sinh mạng con người thì không thể dễ dàng mua lại được, dù với giá gấp 3 lần. Đừng để “một tiền gà, ba tiền thóc” là thế!.