Nhà sáng chế “chân đất” ở Kon Tum

Niềm say mê nghiên cứu khoa học ở anh đã xuất hiện từ nhỏ. Từ lúc còn học cấp 2, anh đã có những ý tưởng táo bạo như nghiên cứu ra súng từ trường, chế tạo kim cương nhân tạo, làm ra động cơ vĩnh cửu… Anh là Trần Đình Thuy – giáo viên dạy môn Sử của Trường THCS Vinh Quang, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum

Trần Đình Thuy sinh năm 1972, quê gốc ở Thái Bình, theo bố mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp từ sau 1975. Năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh theo học khoa Sử tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và nhận công tác tại Trường THCS Vinh Quang (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Mặc dù là một giáo viên thuộc khoa học xã hội, song Trần Đình Thuy lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học tự nhiên.

Người nghiện nghiên cứu

Gặp bất kỳ một hiện tượng lạ hay một cuốn sách giới thiệu về một thiết bị cơ-điện mới nào…, Trần Đình Thuy lại đọc ngấu nghiến không kể ngày đêm. Thuy bảo, vì là dân “ngoại đạo” nên có nhiều tài liệu phải đọc lui tới trên chục lần anh mới hiểu được nguyên lý cơ bản của máy. Nhiều lúc xuống phố mua hàng cùng vợ, Thuy đã đứng hàng giờ trước một chiếc máy bơm nước chỉ để làm mỗi một việc là… ngắm.

Vợ anh, chị Trần Thị Phương, cũng là giáo viên dạy Sử Trường Trung học Chuyên Kon Tum, cho biết: “Anh ấy nghiện khoa học nhiều lúc bỏ cả cơm nước!”. Chị kể, năm 2001 khi mới cưới nhau, để mừng sinh nhật vợ nhưng nhà lại không có tiền, Thuy đã tự mày mò chế tạo ra một cái “bình đun nước nóng” bằng năng lượng mặt trời. Đây là sản phẩm đầu tiên trong nhiều sản phẩm sáng tạo sau này của Thuy hiện đang được gia đình anh sử dụng với hiệu quả tốt.

Từ thành công ban đầu, được sự động viên giúp đỡ của bạn bè cả về vật chất lẫn tinh thần, Trần Đình Thuy đã ngày đêm miệt mài với việc nghiên cứu khoa học của mình. Với 3 công trình lớn mà anh đã theo đuổi từ lúc còn học cấp 2 ở quê, đến nay đã có 2 công trình đành phải ngừng, vì trên thế giới đã trở thành hiện thực là ra súng từ trường và kim cương nhân tạo; còn công trình chế tạo ra động cơ vĩnh cửu hiện anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, trên cơ sở đã viết xong phần lý thuyết. Điểm đặc biệt ở động cơ vĩnh cửu của anh Thuy là chọn quá trình tuần hoàn nhiệt làm “điểm”, quyết định sự thành bại của động cơ này.

Ngoài ra, Trần Đình Thuy đã viết xong phần lý thuyết của trên 10 sản phẩm khoa học như: máy chưng cất nước tuần hoàn nhiệt; tua bin thủy lực (các chủng loại), bình nước đa chức năng, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đun nước…

Chế tạo thành công nhiều sản phẩm

Hiện tại, có 3 sản phẩm lý thuyết đã được Trần Đình Thuy thử nghiệm thành công là tua-bin thủy lực; ấm nước mặt trời (đã được đăng ký bản quyền của Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ); bình nước nóng năng lượng mặt trời (đã được đưa vào dùng thử nghiệm ở 20 hộ gia đình thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai cho hiệu quả cao, giá thành hạ chỉ bằng chưa đầy 1/2 giá thị trường).

Ưu điểm lớn nhất của bình nước nóng năng lượng mặt trời của anh Thuy là máy đặt cao hơn bồn chứa nước, rất phù hợp với những ngôi nhà có mái yếu, không đủ sức nâng bồn chứa nước, giảm chi phí cho người sử dụng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng do phải làm giá đỡ bồn nước riêng biệt.

Tìm đến số nhà 198 đường Hùng Vương, phường Quang Trung, thị xã Kon Tum gặp chủ nhà Võ Trung Hòa. anh cho biết: “Tổng chi phí lắp đặt máy của anh Thuy hết 3 triệu đồng. Nước để qua đêm đến sáng vẫn còn nóng và từ lúc lắp đặt đến nay vận hành tốt”. Điều anh Hòa “ưng bụng” nhất là do mái nhà anh yếu, nên bồn nước đặt thấp hơn máy để trên mái nhà vẫn có thể dùng được!

Tương tự, tại nhà số 45B Trần Hưng Đạo, phường Thống Nhất, thị xã Kon Tum, chị Minh chủ nhà cho biết, máy lắp đặt từ tháng 06/2007 đến nay vẫn chạy tốt, không có trục trặc gì. “Điều đáng nói là, trong khi máy nước nóng đặt trên nóc nhà cao mười mấy mét thì bồn nước của tôi lại đặt ngay trong nhà, thật là tiện lợi” – chị Minh nhận xét.

Sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời của anh Thuy đã qua 4 thế hệ, với thế hệ sau được cải tiến theo hướng mẫu mã đẹp hơn, bảo đảm công năng như nhau nhưng giá thành hạ hơn, đơn giản hơn, bền hơn. Bình nước nóng năng lượng mặt trời thế hệ 1 được làm bằng thủy tinh hiện gia đình anh Thuy đang sử dụng. Thế hệ 2 được cải tiến làm bằng nhôm. Thế hệ 3 làm bằng inox. Thế hệ 4 làm bằng sắt và đã được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh Kon Tum lần thứ I vừa qua trao tặng giải 3 (không có giải nhất và nhì); đã được giới thiệu tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Tây Nguyên năm 2008 tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) trong tháng 4 vừa qua.

Ước mơ

Trong căn nhà nhỏ cấp 4 tại số 09 Đinh Tiên Hoàng, phường Trường Chinh, thị xã Kon Tum, chị Phương buồn buồn: “Bao nhiêu tiền bạc dành dụm được, kể cả tiền hỗ trợ, cho mượn, thậm chí cho vay của bạn bè đều dồn hết cho các công trình nghiên cứu của anh Thuy. Nhiều tháng nhà tôi thiếu gạo ăn phải chạy vay hàng xóm”.

Phía sau nhà anh Thuy như một công xưởng nhỏ. Để có ngày hôm nay, anh phải mất không dưới 5 năm thất bại liên tục, nguyên vật liệu thử nghiệm chất ngổn ngang khắp nơi trong vườn tự nó đã minh chứng điều đó. “Tuy thế, tôi trân trọng niềm đam mê của anh ấy, đói khổ gì cũng chịu tất, chỉ sợ do khổ quá nhiều lúc nghĩ quẩn ảnh lại bỏ nửa chừng thì phải tội” – chị Phương bộc bạch.

Còn anh Thuy tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là có kinh phí để biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực”. Những sản phẩm “ngắn hạn” sẽ tạo cơ sở để Thuy tiếp tục công trình mà anh ấp ủ cả đời, đó là chế tạo động cơ vĩnh cửu mà anh hằng ấp ủ.