Quảng Ninh: Khởi tố hai vụ án đối với tàu chở than lậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố hai vụ án về việc làm, tàng trữ, lưu hành giấy tờ giả liên quan đến hàng chục tàu chở than đang bị tạm giữ trong vịnh Hạ Long. Trước đó, biên phòng tỉnh đã chuyển hồ sơ 94 tàu chở gần 80.000 tấn than cho công an điều tra, xử lý. 10 tàu còn lại lực lượng biên phòng vẫn đang tiếp tục xác minh nguồn gốc. Kết quả xác minh ban đầu của công an và biên phòng cho thấy số tàu trên trọng tải đăng ký từ 500 đến 1.200 tấn chở đầy than. Nhiều tàu xuất trình hóa đơn của doanh nghiệp “ma” ở Hải Phòng và Hà Nội.

Hàng trăm triệu USD “chảy máu”

Cho đến nay chưa ai thống kê được chính xác bao nhiêu than “lậu” đã được xuất sang Trung Quốc. Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh hôm 20/04, ước tính là 10 triệu tấn. Con số của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) lại ghi là 31 triệu tấn, nhập khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu trừ đi hơn 17 triệu tấn xuất khẩu chính ngạch thì con số chênh lệch phải tới hơn 13 triệu tấn than “lậu”.

Một cách tính ước lệ khác cũng có thể tính được khối lượng than tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc. Báo cáo của tỉnh Quảng Ninh cho thấy hơn 1.000 xà lan tự hành đang hoạt động ở các cảng than dọc tuyến bờ biển hàng trăm km của tỉnh duyên hải này. Đợt cao điểm truy quét ngày 8 và 09/04, tỉnh đã huy động lực lượng lớn chưa từng thấy bí mật xuất kích rà hết vùng biển từ phía nam tỉnh tới cửa khẩu Vạn Gia ở vị trí yết hầu phía bắc, phát hiện 103 tàu chở than, một tàu chở quặng sắt nêu trên.

Đó là chưa kể hơn 100 tàu than neo đậu, giấu mình sau hàng ngàn hòn đảo của vịnh Hạ Long, khi thấy động đã rút về Hải Phòng và Hải Dương. Chỉ trong hai ngày thôi mà ngần đấy con tàu, tổng trọng tải không ít hơn 20 vạn tấn lên đường trực chỉ hướng bắc. Mỗi chuyến đi về chỉ mất 10 ngày thì một năm 10 hay 13 triệu tấn vàng đen bị “chảy máu” là hoàn toàn có thể. Số than bị tạm giữ đều là than cám loại khá tốt, giá trên thị trường thế giới chừng 30 USD/tấn. Nếu năm ngoái 13 triệu tấn bị xuất tiểu ngạch tương ứng với 390 triệu USD tài nguyên thoát khỏi sự quản lý của nhà nước. Trong khi dự báo của ngành than vào năm 2012, Việt Nam có thể phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Nguồn gốc đáng ngờ

Trong cơ chế hiện nay, toàn bộ tài nguyên than thuộc sự quản lý của Tập đoàn Than khoáng sản (TKV). TKV gần như trở thành một địa hạt riêng, bên ngoài khó kiểm soát được. Theo báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, TKV giao hết quyền khai thác tận thu từ Đông Triều đến Mông Dương cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TKV thực hiện.

Công ty này đã ký hợp đồng cho 52 tổ chức, cá nhân vào khai trường bốc xúc, vận chuyển đất đá và than ra các bến bãi. Có thời kỳ các hợp đồng này được tính toán ăn chia theo tỷ lệ phần trăm, bên bán quyền hưởng 30%, bên đầu tư thiết bị, máy móc hưởng 70%. Sản lượng tận thu mà TKV thống kê ở các hợp đồng này là 13 triệu m3 đất đá, vận chuyển sáu triệu tấn than.

Ngoài nguồn than từ thương quyền của TKV, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng thừa nhận một số dự án mà UBND tỉnh phê duyệt với danh nghĩa khoanh nuôi bảo vệ rừng, đầu tư hạ tầng đô thị, lấy đất san mặt bằng, làm đường giao thông… nhưng thực chất là để khai thác than. Khối lượng than tuồn ra theo đường này được đánh giá cũng khá nhiều. Cùng với khối lượng than không nhiều từ các lò than “thổ phỉ” trong vườn rừng các hộ gia đình, số than trên đang bị nghi ngờ là nguồn cung cấp than xuất tiểu ngạch không quản lý được.

Xử lý cán bộ hùn vốn làm than trái phép

Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có văn bản kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định than là mặt hàng quan trọng như dầu mỏ, khí đốt, tránh thả nổi như hiện nay. Cần ngừng xuất khẩu than tiểu ngạch từ tháng 06/2008 trở đi, điều chỉnh quy hoạch ngành than theo hướng giảm dần sản lượng khai thác, chỉ đủ dùng trong nước, tiến tới dừng toàn bộ việc xuất khẩu than.

Tỉnh đề nghị xem xét lại ranh giới quản lý vùng mỏ, tạo quyền chủ động cho địa phương quản lý về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Nghiên cứu xóa bỏ độc quyền khai thác, tiêu thụ than của TKV, cho phép doanh nghiệp khác cùng khai thác để cạnh tranh, giảm chi phí, nâng hiệu quả khai thác tài nguyên. Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị trung ương kiên quyết điều tra, xử lý các cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hùn vốn đầu tư phương tiện vận chuyển, tham gia kinh doanh than trái phép. Song song đó cần bảo vệ các cán bộ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đối với than “lậu”.