Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo động đỏ (Kỳ 1)

Có một nghịch lý tồn tại đã lâu là mặc dù công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) những năm qua được đầu tư, tăng cường nhưng số cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm, số người bị ngộ độc lại cứ năm sau cao hơn năm trước.

Thực phẩm không an toàn, đâu cũng gặp

Trong khi Ban chỉ đạo VSATTP TP.Hà Nội liên tục tuyên truyền, kêu gọi ý thức chấp hành VSATTP của người dân; tổ chức thanh, kiểm tra VSATTP định kỳ hàng tuần, thì tại nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn, công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ cần kiểm tra đột xuất thì có thể bắt gặp vi phạm ở bất kỳ đâu.

Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), hàng loạt cửa hàng kinh doanh thực phẩm, từ nem chả, xôi sáng, đến bún, phở đều không có tủ kính che đậy. Ngày 10/03/2008, đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện tại chợ này 2 hộ kinh doanh trứng gia cầm sống không có dấu kiểm dịch và giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ…

Tại chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cửa hàng kinh doanh gia cầm mổ sẵn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, không có giấy tờ chứng minh xuất xứ của gia cầm. Đáng nói là, cửa hàng này nằm đối diện Ban quản lý chợ, thế nhưng, kẻ bán, người mua tấp nập mà không hề bị nhắc nhở. Hỏi ra mới biết, người phụ trách Ban quản lý vừa đi về!? còn nhân viên thì không để ý.

Thậm chí, bà Đỗ Thị Hồng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Trọng Nghĩa, Phó ban Quản lý chợ còn biện hộ: “Do các anh đi kiểm tra đột xuất quá….”. Bà này còn lý giải việc người bán gia cầm mổ sẵn ngay trước Ban quản lý chợ chỉ là một số hộ kinh doanh vãng lai, mua lại chỗ của hộ kinh doanh thịt lợn nên Ban quản lý chợ không để ý.

Tuyên truyền nhiều nhưng…

Con số tổng kết được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về VSATTP lần II đã khiến nhiều người hoài nghi mức độ “nhiệt tình” của các nhà quản lý, đặc biệt là kết quả đánh giá việc thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách bảo đảm VSATTP theo Chỉ thị 06/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm giải pháp được ưu tiên hàng đầu là thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP. Hàng nghìn tin, bài, phóng sự đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần 75.000 băng rôn, khẩu hiệu; hơn 400.000 panô, áp phích được treo, dán trên các tuyến đường… Nhờ tích cực tuyên truyền nên nhận thức của người dân về VSATTP đã có chuyển biến đáng kể. Người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về VSATTP tăng từ 47,8% (năm 2005) lên 53,8% (năm 2007); người kinh doanh nhận thức đúng tăng từ 38,6% lên 45,9% và người tiêu dùng tăng từ 38,3% lên 46,2%. Có thể thấy những tín hiệu vui qua con số chuyển biến trên.

Tuy nhiên con số vẫn chỉ là con số bởi từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Kết quả thanh, kiểm tra của các bộ, ngành liên quan cho thấy, số cơ sở vi phạm VSATTP chiếm 14,48% trong tổng số 363.541 cơ sở được kiểm tra (khoảng gần 92% cơ sở trên cả nước); 75% số lợn ở Hà Nội chưa được kiểm dịch trước khi đưa vào lò mổ; 22% mẫu rau trong tổng số 442 mẫu rau tại 9 chợ đầu mối của 5 tỉnh, thành phố xét nghiệm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép; hơn 90.000 chai bia, rượu, nước giải khát các loại không bảo đảm VSATTP bị thu giữ…

Hậu quả tất yếu là số vụ ngộ độc thực phẩm năm qua vẫn gia tăng với 248 vụ (tăng 50,3% so với năm 2006), làm 7.329 người mắc, 55 người tử vong. Đây chưa phải là những con số cuối cùng, thực tế còn nhiều vụ việc chưa được báo cáo, thống kê.

Ngành nào cũng… kêu khó!

Nguyên nhân của những tồn tại trên vẫn được viện dẫn từ những điều… “xưa như trái đất”, đó là: thiếu nguồn lực cơ bản để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giám sát, quản lý chất lượng VSATTP. Cụ thể, lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. Ước tính chỉ có 0,5 người làm công tác quản lý ATTP ở một tỉnh trung bình từ 1 đến 5 triệu dân với 1.000 – 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do đó, một xã chỉ có 0, 2 lượt đoàn đi thanh kiểm tra ATTP/năm (năm 2007, con số này tăng lên 0,73 lượt đoàn). Hệ thống phòng thí nghiệm kiểm nghiệm thực phẩm chưa đáp ứng kịp với yêu cầu thực tế. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý quá ít…

Năm 2008, Quốc hội đã phê chuẩn ngân sách cho 6 dự án hoạt động vì chất lượng VSATTP là 110 tỷ đồng, bình quân chỉ có 1.117,2 đồng/người/năm, không đủ chi phí cho hoạt động. Các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP đã cũ chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung…

Để bảo đảm VSATTP, rất cần trách nhiệm liên đới của nhiều ngành nhưng điều dễ nhận thấy là, ngành nào cũng… kêu khó! Theo đó, Bộ Y tế cho rằng tiến trình ban hành Nghị định của Chính phủ về Quy định hệ thống tổ chức quản lý VSATTP quá chậm, những tồn tại về tổ chức, biên chế về quản lý thanh tra VSATTP vẫn chưa được cải thiện, dẫn tới việc triển khai các hoạt động ở địa phương còn chậm trễ, không kịp thời và không đầy đủ.

Cũng theo Bộ Y tế, các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây nhiễm qua thực phẩm chưa làm được nhiều do thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra của chính quyền; việc xử lý các vi phạm chưa thỏa đáng; thiếu điều kiện để chính quyền điều hành hoạt động, trong đó quan trọng nhất là tổ chức chuyên trách và biên chế con người, trang thiết bị để thực thi nhiệm vụ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT lại cho rằng, hiện diện tích sản xuất rau an toàn chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu đề ra, xây dựng lò giết mổ tập trung còn hạn chế, hầu hết các lò giết mổ tại tuyến huyện chưa được xây dựng… gây nhiều khó khăn cho quản lý. Theo bộ này, việc quản lý, kiểm soát còn khó khăn cũng do nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác VSATTP chưa cao, kể cả người sản xuất, tiêu dùng. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong sản xuất và nuôi trồng còn phổ biến; việc quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nông sản, thủy sản an toàn còn chậm, chưa có cơ chế chính sách về đầu tư, quy hoạch, xây dựng hạ tầng, sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn để khuyến khích các tổ chức, cá nhân…

Bộ Công Thương thì kêu khó trong việc kiểm tra, kiểm soát. Kinh phí và trang bị của các lực lượng còn thiếu, không bảo đảm hoạt động. Chi phí kiểm nghiệm, kiểm định các mẫu hàng hóa cao so với khả năng kinh phí của lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Hầu hết các loại thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ đều phải tiêu hủy, trong khi đó kinh phí cho công tác kiểm soát chủ yếu từ tiền bán tang vật nên không động viên, khuyến khích các lực lượng tham gia bắt giữ…

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, vi phạm trong vấn đề VSATTP ở nước ta rất nghiêm trọng, do chúng ta chưa thực sự quyết tâm thực hiện. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vì vậy còn nặng nề. Muốn cải thiện được những tồn tại, bất cập, điều quan trọng là xây dựng ý thức cho các tầng lớp nhân dân, tạo thói quen ăn uống vệ sinh bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh VSATTP; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời cụ thể hóa các chế tài xử lý vi phạm; xử phạt thật nghiêm lực lượng, địa phương nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm cũng như gây ra dịch bệnh, kể cả phải xử lý hình sự.