Đánh bắt mực bằng vỏ ốc

Trong những năm gần đây, khách tham quan đến Hòn Nghệ, Hòn Tre, hòn Lại Sơn thuộc vùng biển đảo Kiên Giang đều không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng tạo tài tình của các ngư dân trong việc đánh bắt hải sản, đặc biệt là nghề bắt mực bằng vỏ ốc.

Đối với nghề đánh bắt mực truyền thống xưa nay, đa số ngư dân đều dùng lưới hoặc câu. Mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước mới ra đời cách câu mực xa bờ bằng đèn cao áp và hiện nay thì lại có thêm một sáng kiến độc đáo: Dùng vỏ ốc để nhử cho mực vào.

Khác hơn các loài mực ống, mực lá, mực bầu, mực tuộc nhỏ con hơn, râu nhiều, bình quân khoảng 18 – 20 con/kg. Ông Lê Hoàng Bá, một lão ngư ở Hòn Nghệ, cũng là một trong những người đầu tiên đánh bắt mực bằng vỏ ốc cho biết cách nay khoảng 6 năm, nhiều dân chài đã phát hiện các vỏ ốc nằm dưới đáy biển thường có mực tuộc chui vào ẩn trú. Tại Phú Quốc và ngư trường bên Campuchia trước đây cũng có người dùng vỏ ốc buộc thành chùm thả xuống biển để dụ cho mực vào.

Từ kinh nghiệm đó, nhiều ngư dân ở các huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải – Kiên Giang đã mày mò thử nghiệm cách đánh bắt mực bằng cách buộc vỏ ốc thả xuống biển nhử cho mực chui vào và ngày càng thấy có hiệu quả. Thế là nhiều ngư dân đã làm theo và ngày càng phát triển rầm rộ, đông nhất là ở Hòn Tre và Bãi Nam – Hòn Nghệ, hiện đã có trên 100 hộ chuyên đánh bắt mực bằng vỏ ốc.

Anh Ba Hải ở Hòn Tre cho biết trước đây anh đi lưới cào, nay thấy anh em đánh mực tuộc hiệu quả cao hơn nên mới chuyển qua nghề này. Theo anh, nghề đánh mực tuộc bằng vỏ ốc đầu tư ít vốn hơn. Mỗi ghe chỉ cần mua sắm từ một thiên đến vài thiên vỏ ốc (loại ốc biển, con to bằng miệng chén nhỏ được mài giũa gọn và nhẵn. Giá bình quân mỗi thiên ốc khoảng 3 triệu đồng). Tiền dây không đáng kể.

Thuyền đánh mực tuộc thường ra khơi từ lúc 4 – 5 giờ sáng cho tới 4 – 5 giờ chiều. Sau khi tìm được luồng lạch và địa điểm thích hợp, cách bờ khoảng vài chục cây số, các ngư dân mới bắt đầu thả từng con ốc xuống biển có độ sâu khoảng 7-10 m. Mỗi con ốc đều dính liền với một đầu dây, đầu kia buộc vào sợi dây dài căng ngang trên mặt nước, mỗi luồng dây có thể buộc từ 500 đến 1.000 con ốc, xa xa có cắm cờ, ngù và phao để tàu ghe qua lại biết né tránh. Sau khi thả được một hai tiếng đồng hồ, anh em bắt đầu cầm dây kéo lên từng vỏ ốc cho vào ghe, vỏ nào có mực chúng sẽ tự động chui ra, người trên ghe chỉ cần tóm gọn cho vào thùng nước ngọt, sau đó mới ướp lạnh trước khi quay vào bờ. Bình quân một ghe với 3 thiên ốc, hai lao động, mỗi ngày có thể kiếm từ 15 – 25 kg mực, thời giá hiện nay là 25.000đ/kg.

Một cán bộ khuyến nông khuyến ngư ở đảo Hòn Nghệ cho biết, cách đánh mực bằng vỏ ốc tuy năng suất không cao nhưng bền vững và không cần nhiều lao động, đặc biệt là tránh được sự hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển như cào mé, đánh lú, lưới cào.