Giảm rác thải nhựa đại dương vì sự sống và sinh kế

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam phối hợp với nhiều đơn vị cùng hành động giảm rác thải nhựa đại dương vì sự sống và sinh kế.

Ô nhiễm nhựa đã đạt đến quy mô khổng lồ trên toàn thế giới và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển và đời sống xã hội. Khoảng 12 triệu tấn nhựa đang bị thải ra đại dương mỗi năm, trong đó phần thất thoát lớn nhất là ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi có nhiều vùng đất và quốc gia ven biển. Và Việt Nam không nằm ngoài những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa đại dương mang lại.

Do có một nền kinh tế năng động, mức sống được tăng cao và hình thức tiêu dùng thay đổi, cho nên lượng tiêu thụ nhựa của Việt Nam đang tăng lên hàng năm ở mức 16% – 18% mỗi năm từ năm 2010 đến năm 2015, ước tính mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ tới 41kg nhựa trong năm 2019.

Tỷ lệ nhựa trong chất thải đô thị của Việt Nam cũng có xu hướng ngày càng tăng. Mặc dù đã có cải thiện, tuy nhiên một khối lượng lớn nhựa vẫn không được thu gom và được đốt lộ thiên hoặc xả thải ra môi trường, gây nguy hại đến môi trường trên cạn và dưới biển.

Cùng hành động để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Sự cần thiết phải chuyển đổi sang bao bì bền vững hơn và quản lý chất thải nhựa hiệu quả hơn đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tổng Cục thủy sản và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) đặc biệt quan tâm và đã có những chương trình hành động nhằm kêu gọi cộng đồng xã hội, đặc biệt là ngư dân có trách nhiệm cao nhất trong việc sử dụng, bảo quản thiết bị có nguồn gốc từ nhựa; khi loại thải thì thu gom, đưa vào bờ để xử lý, giúp cho biển sạch hơn.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) phối hợp với nhiều đơn vị cùng hành động giảm rác thải nhựa đại dương vì sự sống và sinh kế. (Ảnh: Hải Nam)

Giảm rác thải nhựa đại dương vì sự sống và sinh kế của người dân

Môi trường biển sạch là cuộc sống tươi đẹp, nguồn thủy sản an toàn và dồi dào, giúp cho ngư dân có những vụ mùa đánh bắt bội thu. Hiểu biết về các loại rác thải nhựa đại dương, tác hại của nó tới môi trường, sức khỏe và đặc biệt là sinh kế của chính những ngư dân và người nuôi trồng thủy hải sản là hết sức cần thiết.Các hoạt động hướng dẫn bà con cách giảm rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, hướng đến xây dựng một vùng biển trong sạch cho cá tôm, du lịch phát triển và an lành cho con người.

Muốn vậy cần hành động của cộng đồng xã hội mà quan trọng chính là ý thức của mỗi người, trong đó ngư dân chiếm số đông.

WWF- Việt Nam kêu gọi ngư dân:

* Ngư dân nên áp dụng các phương pháp tốt nhất và phù hợp trong hoạt động đánh bắt có trách nhiệm, bao gồm việc tuân thủ các hạn chế về không gian/ thời gian và sử dụng chung các khu vực đặt ngư cụ tĩnh/cố định nhằm tránh các xung đột về sử dụng khu vực mặt nước giữa ngư cụ và tàu thuyền; đánh dấu ngư cụ với đầy đủ chi tiết quyền sở hữu và để các nội dung đánh dấu ở vị trí dễ nhận biết trên ngư cụ; loại bỏ các ngư cụ hết tuổi thọ và hư hỏng đúng nơi quy định và phù hợp với quy định của từng công trình/bến cảng.

* Báo cho cơ quan chức năng khi mất ngư cụ và nhận lại nếu ngư cụ còn sử dụng được. Ngư dân nên mang theo ngư cụ vớt được lên tàu và huấn luyện các thuyền viên về các phương pháp vớt an toàn; báo cáo ngay về ngư cụ bị mất cho các cơ quan quản lý nghề cá liên quan, thu gom các loại ngư cụ thất lạc trên biển; và tham gia vào các chương trình Thu gom rác thải nhựa đại dương trong khu vực vì lợi ích của môi trường biển và ngư trường đánh bắt của chính mình.

* Chia sẻ kiến thức chuyên môn để cùng ngăn chặn và giảm thiểu ngư cụ bỏ lại đại dương. Ngư dân nên tham gia vào quá trình thử nghiệm cải tiến ngư cụ và chia sẻ kiến thức thực tiễn để cùng ngăn ngừa tác động từ ngư cụ bỏ lại đại dương; tham gia đào tạo ngư dân mới vào nghề về cách phòng tránh mất ngư cụ, giải thích lý do và lợi ích của việc đó đối với ngành nghề của họ; phối hợp cộng tác trong việc thực hiện các chương trình truy xuất ngư cụ bỏ lại đại dương và góp phần nâng cao nhận thức về tác động của ngư cụ bỏ lại đại dương.