Cuộc tổng tấn công lâm tặc: Rào chắn cuối cùng

Những vụ án phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở Nam Giang, Đông Giang, Quế Sơn (Quảng Nam) vừa được phát hiện đều có bàn tay hậu thuẫn tích cực của các quan chức lâm tặc hàng huyện, hàng tỉnh. Chính vì vậy, trong cuộc tổng tấn công lớn nhất này, có cả việc tấn công những lâm tặc đội lốt nằm ngay trong lực lượng bảo vệ rừng.

“Công nghệ phá rừng”

Tại chợ gỗ huyện Đại Lộc, chúng tôi phát hiện vô số địa chỉ tiêu thụ gỗ lậu núp bóng các xưởng cưa xẻ gỗ, các Công ty TNHH chế biến gỗ. Nơi đây cũng tập trung “đầu ra” của gỗ lậu với đến 56 xưởng cưa vòng – loại cưa xẻ gỗ kích thước lớn – chủ yếu nằm dọc bờ sông Vu Gia để dễ bề “làm ăn”.

Thôn Hoà Hữu, xã Đại Hồng ven sông có đến 8 xưởng cưa vòng nằm “xếp hàng” dọc 1km bờ sông. Ông Quang ngẩn người trước những máng kéo gỗ dốc đứng dài hàng trăm mét cùng hệ thống ròng rọc kéo gỗ từ sông lên bờ ở các xưởng cưa tại Hoà Hữu, hỏi ông Lê Văn Đi – cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm (KL) huyện: Gỗ lậu đóng bè về xuôi bị bắt giữ trên sông Thu Bồn.
“Tại sao công nghệ phá rừng này lại hoạt động ngang nhiên như vậy? Ai cấp phép? KL có mắt không mà chẳng thấy?”. Ông Đi: “Chính quyền xã, huyện cấp phép, giám sát hoạt động, KL không tham gia”. Chỉ với 8 xưởng cưa Hoà Hữu, nếu chặt hết cây cối kể cả chuối, xoài, ổi, mít của toàn xã Đại Hồng, cũng chỉ đủ để cưa trong vòng 1 ngày.

Dọc đường Hồ Chí Minh qua địa phận Quảng Nam, cảnh xe máy, xe tải ngang nhiên chở gỗ lậu đi từ huyện này qua huyện khác giữa rừng vắng vẫn chưa giảm bớt giữa ban ngày. Vừa qua cầu Nam Giang, đến khu vực khe Hà Ra thuộc thị trấn Thạnh Mỹ giáp ranh huyện Đông Giang, tổ tuần tra gồm đại uý Công an – Bờ Nước Nở và KL viên huyện – Đỗ Văn Minh bắt giữ được 1 xe môtô cùng 3 lóng gỗ bị lâm tặc ém sơ sài bên đường ngay cạnh bìa rừng để tẩu thoát.

Các cán bộ tổ tuần tra bảo, khi chúng tôi vừa qua cầu, thì lâm tặc đang “tác nghiệp” ở khu vực này đã biết trước nên phần lớn đều đã quay ngược xe tuỳ nghi di tản vào rừng sâu núi khuất.

Theo Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Nam Giang – Nguyễn Ngọc Xin, tuyến đường Hồ Chí Minh nối các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn cũng khiến con đường gỗ lậu thuận tiện hơn. Dọc sông Bung, sông A Vương, các công trình thuỷ điện lớn đang thi công cũng tận thu gỗ, tạo điều kiện cho lâm tặc tàn sát rừng già. Hai tháng qua, mỗi tháng bắt được hơn 100m3 gỗ khai thác trái phép ở đó.

Đến Trạm QLBV rừng phòng hộ A Vương đúng lúc vừa có 2 “lâm tặc” đang triệt hạ gỗ rừng vừa bị bắt về cùng đầy đủ tang vật. Tại vùng rừng giáp ranh Nam Giang – Phước Sơn, có hẳn một làng lâm tặc ở km 26 đường Hồ Chí Minh. Bên chân cầu Thạnh Mỹ, chúng tôi chứng kiến cả một khu vực trồng cỏ để nuôi trâu kéo gỗ. Thị trấn Thạnh Mỹ có 300 con “trâu tặc”, xã Cà Dy hơn 400 con.

Và sự “thoả hiệp” với lâm tặc

Khi đột kích xưởng gỗ lậu núp bóng Công ty TNHH Hoàng Ty, mọi người đều “choáng” khi phát hiện lượng gỗ lậu được ém giấu bên trong xưởng, sau đồi, dưới mương. Khi được hỏi có phải gỗ lậu không thì KL viên Trương Phú Thi trong đội liên ngành giải thích rằng có thể đây là gỗ từ năm 2007 được chủ gỗ cất lại nên không có dấu búa KL(!?). Ông Quang đã yêu cầu tạm thu giữ toàn bộ số gỗ để làm rõ.

Do lường trước tính phức tạp của “cuộc chiến” ở chợ gỗ Đại Lộc, ngay trước khi triển khai cuộc tổng tấn công, ngành NN&PTNT đã điều cả hạt trưởng, hạt phó Hạt KL huyện, trạm trưởng, trạm phó Trạm Kiểm soát Đại Hồng đi nhận công tác nơi khác và đưa một phó chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh về kiêm nhiệm chỉ huy cuộc chiến ở đây.

Tại Dốc Kiền, trung tá CA huyện Đông Giang – Đội trưởng đội liên ngành, ông Nguyễn Quang Cảng từ chối việc vây bắt gỗ ở Máng Lao – nói: “Thực tế là lực lượng chức năng bất lực ở Máng Lao. Nếu muốn bắt gỗ lậu ở đó, thì phải thoả hiệp với lâm tặc, bắt rồi, chỉ thu giữ một nửa số gỗ, còn thả bớt một nửa, thì lâm tặc mới vận chuyển gỗ lậu tịch thu về trạm. Nếu không, bắt rồi thì để gỗ nằm đó mà ôm giữ, vì chẳng có ai dám vận chuyển do sợ bị trả thù”. Nếu không thoả hiệp 50 – 50 thì phải đành chịu bất lực ư?

Trung tá Cảng: “Đúng. Nếu không thoả hiệp thì chỉ có đi chơi rồi về không. Mình bắt được 1 khối gỗ lậu thì chúng đã đi lọt được 10 khối”. Vậy đối với số gỗ đã bắt được ở trên cũng là từ thoả hiệp và lâm tặc đã đi lọt được gấp 10 như vậy sao? Trung tá Cảng xác nhận chắc nịch điều này. Có thể do ông quá phẫn nộ và một mình ông trong đội liên ngành cũng khó làm nên chuyện nên mới nói điều ấy chăng?