Thị trấn Vaexjoe (Thụy Điển) – Hình mẫu về bảo vệ môi trường

“Vaexjoe sẽ “xanh” hoặc sẽ chẳng “xanh” chút nào”. Đó là khẩu hiệu ở thị trấn Vaexjoe, nơi đang đi đầu thế giới về công tác bảo vệ môi trường và đang nhắm tới những mục tiêu cao hơn nữa.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đặt chỉ tiêu nâng mức tiêu thụ năng lượng tái sinh lên 20% vào năm 2020 thì thị trấn Vaexjoe với 80.000 dân sống giữa các khu rừng và bờ hồ ở miền Nam Thụy Điển có thể tự hào vì đã vượt ngưỡng 50% và thậm chí tới 90% nếu chỉ tính việc sử dụng năng lượng tái sinh để sưởi.

“Lượng khí thải CO2 trên đầu người từ năm 1993 đến nay đã giảm 30%. Tuy mức giảm đáng kể nhưng chúng tôi chưa hài lòng và muốn giảm nhiều hơn nữa”, Henrik Johansson – chuyên gia môi trường ở địa phương nói.

Thật ra, Vaexjoe – vào năm 1996 đã đặt mục tiêu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (dầu hỏa, than đá, ga) xuống bằng 0 – muốn cắt giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2010 và tiến đến 70% vào năm 2050. Các mục tiêu này vượt xa chỉ tiêu của EU – kêu gọi các nước trong khối đến năm 2020 giảm 20% lượng khí thải CO2 so với mức năm 1990. Nỗ lực của Vaexjoe đã được Ủy ban châu Âu khen ngợi bằng giải thưởng Năng lượng tái sinh vì châu Âu 2007. Từ khi đoạt giải đến nay, Vaexjoe đón tiếp rất nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

“Chúng tôi cố gắng tác động đến hành vi của người dân dù biết rằng điều đó không dễ”, Johansson nói. Những nỗ lực của Vaexjoe đang mang lại kết quả, với việc người dân đang thích ứng dần với cách sống mới nhờ có các làn đường dành cho xe đạp, chính sách miễn thuế và bãi đậu xe miễn phí cho các loại xe thân thiện môi trường, và những chỉ dẫn về cách thức bảo vệ môi trường được in trên lịch phát đến từng hộ gia đình.

Cuộc Cách mạng Xanh ở Vaexjoe bắt đầu vào đầu thập niên 1970 khi chính quyền và dân chúng ở thị trấn tán thành việc làm sạch các hồ nước ô nhiễm nặng. “Hiện nay, chúng tôi có thể bơi lội, câu và ăn cá bắt từ những hồ nước này”, Johansson hào hứng nói. Sau đó, năm 1980, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần 2, nhà máy sưởi chạy bằng dầu ở địa phương đưa vào sử dụng một loại nhiên liệu mới có nguồn gốc từ gỗ tạp – nguồn nguyên liệu phong phú ở Vaexjoe và có thể cung cấp cho thị trấn nguồn năng lượng độc lập. Hiện nay, nhiên liệu sinh học chế biến từ gỗ tạp chiếm 98,7% năng lượng dùng cho nhà máy, cung cấp nhiệt sưởi cho 50.000 dân ở Vaexjoe.

Ngoài việc sử dụng nhiên liệu sinh học, để góp phần đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu, Vaexjoe còn áp dụng một số sáng kiến như:

Dựng chung cư toàn gỗ

Trên bờ hồ Vaexjoe, khu chung cư Vaelle Broar cao 8 tầng, toàn bộ được làm bằng gỗ từ sàn, tường, trần cho đến thang máy, đang mọc lên. Nhằm đề phòng hỏa hoạn, 1.200 căn hộ ở đây sẽ được trang bị hệ thống phun chống cháy.
Các nhà quản lý Vaelle Broar dự báo gỗ sẽ là vật liệu xây dựng của tương lai và tốt cho môi trường bởi quá trình sản xuất gỗ không tốn nhiên liệu như bê-tông và thép.

Nghiên cứu nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai

Tại Đại học Vaexjoe, cao ốc bằng gỗ lớn nhất ở Bắc Âu, các nhà khoa học đang nghiên cứu chế tạo DME (viết tắt của dimethyl ether), được xem là thế hệ thứ hai của nhiên liệu sinh học. Sử dụng nguyên liệu là chất thải lâm nghiệp như cành, ngọn và gốc cây tạp thừa thãi trong rừng, hợp chất khí không mùi này được đánh giá là “nhiên liệu thay thế hiệu quả nhất”.
Dự kiến trong 10 năm nữa, DME sẽ được đưa vào sản xuất trên diện rộng ở Vaexjoe với công suất 400.000 tấn/năm. Và khi đó, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở đây sẽ vận hành bằng DME trong khi chính quyền Vaexjoe đặt mục tiêu cùng thời điểm đó, tất cả ô tô cá nhân sẽ chạy bằng điện.