Rác “tập kích” lễ hội đền Hùng

Chưa đến ngày chính hội nhưng khách thập phương đã chen kín đền Hùng. Khách về mang theo cơn “bão rác” xả ra từ đồ ăn, thức uống và thói quen sinh hoạt. Cứ thế, rác theo chân khách phủ kín con đường dẫn lên đỉnh Nghĩa Lĩnh…

Dù ai đi ngược, về xuôi…

Hội đền Hùng năm nào cũng mưa, tục truyền đó là mưa rửa đền. Năm nay mưa rửa đền bắt đầu vào mùng 8 tháng 3 âm lịch (tức ngày 13/04), trước lễ chính hội hai ngày. Tuy vậy, những cơn mưa rửa đền chỉ càng khiến con đường vắt qua núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) dẫn lên khu đền chính thêm ẩm ướt, trơn lầy, đầy bùn đất.

Song, mưa và con đường trơn lầy không ngăn được những bước chân đổ về từ khắp nơi của khách thập phương. Lễ chính hội đền Hùng diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhưng kể từ mùng 1, hội đã đông kín người. Người dân từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đổ về đền Hùng. Con đường từ Việt Trì rẽ vào đền Hùng, còn cách khu đền chính 3-4km đã tắc nghẽn bởi những dòng người chen kín.

Độ “nghẽn” còn tăng cao hơn trên những bậc thang dẫn lên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Người hăng hái nhất lại chính là các cụ cao tuổi. Trước cửa đền Hạ, bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi, ở Trung Yên, Tuyên Quang) ngồi nghỉ cùng cả gia đình cho biết, không năm nào bỏ lỡ hội đền Hùng.

Cả gia đình 7 người đã thuê một chuyến xe xuống Việt Trì chiều tối mùng 7 tháng 3 âm lịch (12/04) và dự kiến “trụ” cho đến ngày tan hội. Năm nay, bà Hồng còn muốn chờ đợi để được nếm miếng bánh trưng, bánh dày lộc sẽ được chuyển từ TP.HCM ra Phú Thọ vào đúng ngày quốc giỗ.

Người con trai lớn của bà Hồng nháy mắt vui vẻ: “Cụ leo còn hăng, khỏe hơn thanh niên. Năm nay, không chỉ cầu lộc, cầu an cho gia đình, bà còn tâm niệm xin may mắn, vững lòng cho cậu cháu đích tôn mới ra nước ngoài du học”.

Ít điều kiện hơn, cụ bà Vũ Thị Hiệp (72 tuổi) cùng nhóm gần 30 bà bạn đồng niên ở Thái Bình cũng làm một chuyến hành hương về đất tổ. Tuy nhiên, nhà nông, cố lắm cũng chỉ “cáng” được chuyến đi vỏn vẹn 1 ngày, chi phí tính ra cũng đã bằng cả tấn thóc. Leo núi từ sáng sớm nhưng cụ nào cũng tỏ ra phấn chấn và thỏa nguyện với chuyến đi về nguồn lần đầu tiên. 4h30 chiều, nhóm các cụ lại vội vã ra xe về Thái Bình khi cơn mưa nặng hạt lại bắt đầu.

Trong khi đó, dòng người đổ lên các khu đền vẫn mỗi lúc một đông, mặc cho trời sập tối bởi mưa giông. Trong gian nhà ngang sắp lễ bên hông đền Thượng, các bà các chị bày la liệt cau trầu, hoa quả, xôi gà… Một nhóm khách Sài Gòn cầu kỳ gắn những chùm nho, xoài cuối cùng cho mâm lễ quả sắp hình song long. Hương nhang nghi ngút, những mâm lễ chất đầy, có ngọn, ai cũng cố tỏ ra mình thành tâm nhất trước bàn thờ tổ tiên…

 
Rác về theo… chân khách.

“Bão rác”

Kéo theo lượng khách thập phương đông đảo là những… “cơn bão rác”. Khách đi đến đâu thải rác tới đó. Rác phủ kín trên những con đường dẫn qua các khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Túi nilon, giấy báo, lá bánh, áo mưa rách, vỏ hoa quả… hàng trăm chủng loại rác khác nhau nhưng đều có chung một nguồn gốc- đến từ Người! Cứ nhìn sức người náo nức vượt qua hàng mấy trăm bậc thang của con đường núi dốc, là có thể nhìn thấy sức xả rác “hào phóng” của họ.

Đền Hạ, người người ngồi gọt táo, gọt lê, đến đền Trung, nhà nhà ngồi bóc cam, bóc bưởi, ăn bánh, lên được đến đền Thượng, người ta thi nhau vứt áo mưa, vỏ chai, thi nhau cắt xoài, cắt chuối, thi nhau “thanh toán” chỗ thực phẩm còn lại để kết thúc cuộc hành trình lên đỉnh Nghĩa Lĩnh xin lộc tổ tiên. Rác cứ thế xả ra vô tội vạ. Rác tràn ngập trên các lối đi, rác chất đống hai bên đường, rác vung vãi trong rừng, rác bừa bãi trong các thùng công cộng… Rác khiến cho con đường vắt qua núi càng trở nên trơn lầy, nhầy nhụa.

Ban tổ chức lễ hội lắc đầu ngán ngẩm cho biết “Chúng tôi không thể kiểm soát hết được hành vi xả rác của khách thập phương. Xe rác, thùng rác và công nhân vệ sinh chúng tôi làm việc 24/24h nhưng vẫn không thể làm sạch! Điều này còn phải phụ thuộc rất lớn vào ý thức của từng người dân tham gia lễ hội”.

Đoàn khách đến sau ngồi lên đống rác thải của đoàn khách đến trước, vô tư ăn uống và lại hồn nhiên xả rác. Ngay khu trung tâm lễ hội, la liệt những gánh bánh cuốn, trứng vịt, hoa quả dầm bày bán trước đống rác ngồn ngộn. Cạnh rãnh nước lềnh bềnh chất thải, khách thập phương khoan khoái đưa tay trần bóc bánh, trong khi vẫn nghển cổ xem hát xoan, hát ghẹo. Họ hoàn toàn “vô can” với các loại dịch bệnh đang lan tràn, khó kiểm soát hiện nay.

Cách “tự bảo vệ duy nhất” của một số người kỹ tính là mang theo đồ ăn từ nhà! Gia đình anh Trung lặn lội từ Nghệ An ra đã phải chuẩn bị đồ ăn khô cho bốn ngày trên đất Tổ, dù mức giá cả ở đây không đáng lo ngại.

Năm nay, mọi giá cả, dịch vụ ở hội đền Hùng đã được nằm dưới tầm kiểm soát, không có những mặt hàng “vượt mặt” chặt chém như nhiều năm trước.