Huế: Gian nan cư dân vạn đò (Kỳ 1)

Đến thời điểm này, riêng thành phố Huế đã có hơn 1.000 hộ dân vạn đò với khoảng 7.000 khẩu đang sống lênh đênh trên sông Hương và các nhánh sông. Cùng với tiến trình lịch sử, vạn đò và cư dân vạn đò là một phần của lịch sử, làm nên nét đẹp cho sông Hương và văn hóa Huế. Tuy nhiên đằng sau nét đẹp đó là có rất nhiều chuyện xã hội nhức nhối, cần giải phẫu triệt để.

Một phần của văn hóa Huế

Vạn đò trên sông Hương có một lịch sử rất lâu đời nhưng lâu như thế nào, nguồn gốc ra sao thì chắc là không nhiều người tường tận. Sử sách cũng chưa thấy ghi cụ thể chuyện này. Trong luận văn tiến sĩ về đề tài vạn đò trên sông Hương, xuất bản trước năm 1975, tác giả Phan Hoàng Quý đã lý giả theo kiểu giải định có lý hơn cả.

Theo ông Quý thì có thể việc thành lập các vạn đò trên sông Hương được manh nha từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức. Thời đó có thể các trục lộ trên cạn chưa khai thông, việc di chuyển từ vùng này sang vùng khác, cũng như việc vận chuyển quân lương, khí giới của triều đình nhà Nguyễn phải nhờ vào thủy lộ, cho nên triều đình mới cho lập các vạn đò ở hai bên sông Đông Ba và sông Hương để trưng dụng khi cần. Tiếp đó là những năm tháng chiến tranh triền miên, khiến sự yên bình ở các xóm làng ở ven sông, phá bị đe dọa. Nên họ góp của, đưa nhau xuống những chiếc đò nghề để ngược về thành phố, tụ tập hai bên bờ sông để buôn bán, làm thuê kiếm sống, và ở luôn cho tới bây giờ…

Dân vạn đò sống theo vạn (cụm dân cư), mỗi vạn làm một nghề khác nhau như đánh cá, khai thác cát sạn, lặn cổ vật, làm mướn, đạp xích lô, lượm chai bao, buôn bán…Đặc biệt, họ có một đời sống cộng đồng, đời sống văn hóa, tín ngưỡng, nghi lễ riêng, mang đậm dấu ấn của đời sống sông nước so với các cư dân sống trên cạn.

Nhắc đến Huế là ngay lập tức người ta nghĩ đến sông Hương, và hình ảnh những con đò với những làn điệu dân ca, với câu hò Huế dài như lịch sử. Trước khi trở thành một sản phẩm du lịch, những đêm trăng nghe ca Huế bằng thuyền trên sông Hương là một thú chơi tao nhã đặc quyền của giới quý tộc triều Nguyễn. Trước khi hai chữ “ngủ đò” trên sông Hương trở nên dung tục, một thời nó là một trong những sinh hoạt văn hóa lý thú kiểu như hát ả đào của người Hà Thành mấy chục năm trước…

 
Hình ảnh người dân vạn đò Huế tương phản đến đau lòng với sự hào nhoáng, sung túc của những cư dân thành phố sống trên bờ. (Ảnh: Việt Yên).

Nghèo đói, đông con… thất học

Hiện dân vạn đò sống tập trung ở 7 phường thuộc thành phố Huế, trong đó đông nhất là các phường Phú Hiệp, Phú Bình, Vĩ Dạ. Phần lớn các hộ dân bây giờ không còn sống trên thuyền như ngày xưa mà sống trên những chiếc bè, được kết bằng những tấm phao mục nát và tạm bợ, kéo dài dọc các bờ sông. Các phao này tuy có rộng hơn thuyền một chút (khoảng 5 -7m2), tuy nhiên, do phần lớn các hộ dân vạn đò đều sinh từ 5 -7 con, thậm chí 10- 12 con, nên chừng đó diện tích vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu về không gian, dẫn đến cảnh các gia đình sống lúc nhúc, chen chúc nhau rất khổ sở.

Hình ảnh đầu tiên của vạn đòi Huế đập vào mắt du khách sự xác xơ, nhếch nhác, và môi trường sống, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do sống tập trung đông người, nhưng rác và chất thải sinh hoạt lại được “xử lý” ngay tại chỗ! Đáng sợ hơn, một số vạn, vì không tiếp cận được với nguồn nước sạch trên bờ nên người dân đã dùng chính nguồn nước bị ô nhiễm đó để uống, tắm giặt, vệ sinh… Hình ảnh của người dân vạn đò có sự tương phản đến đau lòng với sự hào nhoáng, sung túc của những cư dân thành phố sống trên bờ.

Lang thang ở vạn đò phường Phú Bình, nhiều lần suýt nôn vì mùi xú uế bốc ra từ dưới dòng nước ngòm đen, từ những đống nilon mà bà con đi nhặt về từ những đống rác, sau đó phân loại, giặt rửa rồi đi bán lại. Tuy nhiên, người dân ở đây lại coi như không có chuyện gì lạ. Chị Hồ Thu, một cư dân vạn đò nói: “Thời gian đầu mới làm nghề ni cũng thấy hôi, nhưng làm miết năm ni sang năm khác, chừ mũi cũng quen, không còn nghe hôi nữa”. Anh Lê Mãi, người dân khác bổ sung: “Mà chừ có nghe hôi cũng cắn răng mà làm để ngày kiếm mươi, mười lăm ngàn nuôi con, chứ chừ bầy tui đây không làm nghề nhặt rác như ri thì biết làm nghề chi?”

Không chỉ môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, hầu hết các vạn đò đều sống trong tình trạng rất khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu và tương lai mù mịt. Bao đời nay, tất cả họ đều xoay trong vòng quay không lối thoát: Nghèo đói, sinh nhiều con, nghèo đói, thất học, thất nghiệp, tệ nạn xã hội. Người lớn thì đã đành, nhưng gần như tất cả trẻ em, những mầm non của tương lai đều trong cảnh thất học và bỏ học giữa chừng để kiếm sống, thậm chí nhiều trẻ đã lớn nhưng chưa được bố mẹ làm cho giấy khai sinh; cũng như được hưởng thụ những nhu cầu, sinh hoạt…tối thiểu như bao đứa trẻ khác.

Lên bờ là nhu cầu rất bức xúc, là ước mơ bao đời với không chỉ các hộ dân vạn đò, mà còn của người dân trên cạn và chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay. “Không bàn đến chuyện nghèo đói, thất học, mà hàng năm, chỉ riêng mùa mưa bão, mỗi khi nghe tin lũ về, bão vô là dân tui đây trắng đêm thấp thỏm sợ chết vì lụt bão càng ngày càng hung dữ, mà thuyền, bè thì càng ngày càng rệu rã”, anh Nguyễn La, một người dân vạn đò ở phường Vĩ Dạ tâm sự. Ngược lại, chính quyền địa phương cũng thấp thỏm lo sợ và khổ không kém khi để bảo đảm an toàn tính mạng cho dân, thành phố Huế thường xuyên phải huy động gần như toàn bộ hệ thống chính quyền để di dời một lúc hàng ngàn người dân đến những nơi an toàn.

Thực tế thì trong thời gian qua, các vạn đò trên sông Hương đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ địa phương và các tổ chức phi chính phủ thông qua các chương trình tạo việc làm, xóa mù, nước sạch, sinh đẻ kế hoạch hóa…Tuy nhiên đó mới chỉ là những dự án nhỏ lẻ, được thực hiện theo kiểu gió bên nào che bên đó, nên hiệu quả thì có, nhưng cũng chỉ ở những phạm vi nhỏ và không thể nào giải quyết được những vấn đề mang tính căn bản. Cả người dân và chính quyền địa phương đều bất lực trong việc giúp vạn đò Huế thoát khỏi vòng xoay: Nghèo đói, sinh nhiều con, thất học, thất nghiệp, tệ nạn xã hội… không lối thoát.