Mật gấu nuôi có thể gây hại

Các chuyên gia cho biết mật gấu nuôi được chứng minh có chất lượng rất thấp, thậm chí có thể chứa hoạt chất gây hại cho người dùng. Chính vì vậy, hơn 4.000 con gấu nuôi có gắn chíp đang trở thành gánh nặng của chủ nuôi.

Theo BS Trần Thị Linh Đan (Trung tâm Y khoa Hoà Hảo, TP.HCM), Ursodeoxycholic Acid có trong mật gấu có khả năng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân xơ gan ứ mật nguyên phát khi bà nghiên cứu sâu một bệnh nhân nữ ở quận 4, TP.HCM, mặc dù cuối cùng bệnh nhân vẫn phải ghép gan.

BS Tôn Thất Quỳnh Trung cũng cho rằng, trong số mấy loại thuốc có khả năng cải thiện triệu chứng và có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân xơ gan như Colchicine,Ursodeoxycholic Acid , Methotrexate, v.v…, Ursodeoxycholic Acid hay còn gọi là acid mật được ưa chuộng hơn cả vì ít tác dụng phụ. Bệnh nhân được dùng acid mật bước đầu cho thấy vàng da giảm, kèm theo các triệu chứng đau cũng giảm.

Theo nghiên cứu mới nhất, acid mật làm tăng hấp thu calcium ở bệnh nhân xơ gan nguyên phát. Bệnh nhân xơ gan mật nguyên phát thường có mật độ khoáng xương thấp rõ rệt, nhất là phần đốt sống lưng và cổ xương đùi. Tuy nhiên acid mật cũng chỉ làm tăng tỷ lệ hấp thu calcium cho bệnh nhân lên 36% so với mức 33% khi không dùng acid mật (Nguồn: Viện Thông tin Y học Trung ương).

Điều đáng nói, theo Th.S Nguyễn Huy Văn – Công ty Cổ phần Dược Traphaco, là acid mật hay UDCA đã được điều chế thành công trong phòng thí nghiệm và sản phẩm này đã có mặt ở thị trường dược Việt Nam mặc dù chưa nhiều. Nhưng đáng lưu ý hơn cả là mật gấu nuôi được chứng minh có chất lượng rất thấp, thậm chí, có thể chứa đựng các hoạt chất có hại cho người dùng.

“Do chọc hút nhiều lần, gan và mật của con gấu bị viêm nhiễm, không ít con bị ung thư gan hoặc ung thư mật. Dịch hút từ mật gấu mắc bệnh chứa nhiều tạp chất có hại”, một bác sỹ thú y nói.

Gánh nặng

Chính vì tác dụng ngược của mật gấu nuôi, hơn 4.000 con gấu nuôi và có gắn chip ở Việt Nam đang trở thành gánh nặng của các chủ nuôi gấu. Giá trung bình của mỗi mililit mật gấu trên thị trường hiện nay chỉ 40.000 đồng, bằng một nửa so với cách đây 10 năm, trong khi giá cả thực phẩm làm thức ăn cho gấu tăng vọt.

Dọc Quốc lộ 32, đoạn qua huyện Phúc Thọ, gần thành phố Sơn Tây (Hà Tây), cảnh mang gấu ra ven đường giết để bán thịt không còn hiếm.

Trong khi mật gấu nuôi ngày càng chứng tỏ ít có tác dụng bồi bổ sức khoẻ người, tình trạng săn bắt gấu hoang dã vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Tất cả các bên đều thừa nhận: 80 con gấu nuôi không gắn chip ở Quảng Ninh là nguồn bất hợp pháp.
Nhưng đến nay vi phạm này vẫn chưa được xử lý. Không biết có phải vì luật không nghiêm mà gần đây người ta lại phát hiện thêm 20 con không gắn chip khác cũng ở Quảng Ninh mà chủ nuôi không hề hấn gì.

Câu hỏi nhiều người quan tâm là 80 con gấu kia liệu có bị tịch thu và được đưa ngay về một địa điểm mà một tổ chức bảo tồn quốc tế tình nguyện bỏ kinh phí làm chuồng trại và sẵn sàng nuôi chúng cho đến chết; Hay là chúng sẽ được gắn chip, một loại thiết bị điện tử nhỏ dùng để theo dõi từ xa, để trở thành sản phẩm hợp pháp, mở đường cho cái mà các nhà bảo tồn gọi là “tiền lệ nguy hiểm”?

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện của Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam, cho biết, tổ chức của ông đã chuẩn bị sẵn sàng chuồng trại để tiếp nhận 80 con gấu nuôi bất hợp pháp ở Quảng Ninh và cam kết nuôi chúng suốt đời nếu chúng được xử lý theo luật pháp hiện hành của Việt Nam. Còn các nhà bảo tồn đang sốt ruột chờ đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.