Rác: Chuyện không nhỏ!

Mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có thêm 6.000 tấn rác sinh hoạt, việc xử lý rác đã khó, việc thu gom rác lại càng khó hơn. Có thể thấy rác hiện hữu ở nhiều nơi, từ quán ăn, chợ, trên đường đến các kênh rạch…

Rác hiện hữu mọi lúc, mọi nơi…

Trên khắp các tuyến đường của TP.HCM hiện treo rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung vận động, khuyến khích người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó có việc đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác xuống đường và các kênh rạch…

Phần lớn người dân đã nghiêm túc chấp hành, tuy nhiên, thực tế vẫn còn đâu đó những đống rác ngổn ngang. Nhiều nơi trên đường phố còn là điểm trung chuyển rác nên hàng ngày nơi đây vẫn thường trực những thùng rác khá lớn từ sáng đến khoảng 6g chiều mới có xe đến vận chuyển đi.

Một phụ nữ đang ngồi phân loại rác tại một “trạm” rác cho biết, hai vợ chồng chị ở bên quận 8 và đều sống bằng nghề nhặt rác, tuy vất vả, bẩn một chút nhưng cũng đủ sống, đủ nuôi con ăn học.

Chị thường mua những bao rác từ nhà dân, đem về đây phân loại và nhặt nhạnh những thứ có thể bán được. “Điểm đỗ” tiếp theo của rác là trước cửa quán cơm bình dân (số 406 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3). Nào rác, nào bịch ni lông, rau cải… tràn cả xuống đường phố.

Thêm một cảnh tượng tương tự là trước cửa tiệm phở gà trống thiến Cát Tường, gần cầu Văn Thánh. Khoảng 8g đã thấy đống rác “hiện diện”, cho tới đầu giờ chiều… rác bốc mùi. Rồi đoạn bùng binh Cây Gõ cũng tồn tại một đống rác to, dài. Hàng ngàn con mắt của người qua, người lại nhòm vào mà nó vẫn “nằm yên” rất lâu tại đó.

Tại chợ Văn Thánh, một đống rác nằm ngay giữa chợ, chị Hạnh bán dưa cho biết đống rác đó ngày nào cũng có, ban quản lý cũng cấm nhưng mọi người vẫn đổ. “Sáng thì ít thôi nhưng gần trưa là đầy ngập, bốc mùi ghê lắm!”, chị nói.

Ai đã từng đi qua khúc giao giữa đường Trang Tử và Lê Quang Sung (bên hông của Bến xe Chợ Lớn) cũng sẽ phải thốt lên vì “quy mô” và “hương vị” của đống rác nằm đó.

Anh Hải (quận 6), chạy xe ôm tại khu vực này, bức xúc: “Tụi tui cứ phải kiếm sống chung với rác từ lâu nay”. Theo anh Hải, do đống rác nằm ở khu vực giáp ranh của hai phường nên “cha chung không ai khóc”.

Không chỉ có thế, tại các kênh rạch bên bờ sông Văn Thánh, người dân sinh sống tại đây đang dần hủy hoại môi trường xung quanh họ. Nhà vệ sinh được thiết kế theo kiểu “tự do” xuống sông, rác thải thì cứ “vèo vèo” bay xuống lòng kênh.

Anh Thanh, sinh viên Trường Đại học Văn Hiến, nói “hồn nhiên”: “Việc gì phải nộp tiền rác, cứ ném xuống sông là được rồi. Người dân xung quanh, ai mà chả làm thế!”. Anh Thanh cũng đã từng bị đội kiểm tra bắt gặp vài lần ném rác xuống kênh nhưng họ chỉ nhắc nhở chứ chưa có biện pháp mạnh đối với các trường hợp vi phạm.

Đường đi của rác

Theo quy trình, rác được thu gom từ nhà dân đến trạm trung chuyển rồi được đưa lên xe và chuyển ra bãi rác. Tuy nhiên trên thực tế thì đường đi của rác đôi khi cũng trắc trở.

Anh Trần Văn Dàng, một người thu gom rác khu vực siêu thị điện máy Tự Do cho biết, gia đình anh làm công việc thu gom rác cho một công ty tư nhân. Nghĩa là mỗi người chủ thầu nhận thầu ở một con đường nào đó.

Họ thu tiền rác từ các nhà dân với giá từ 10.000 – 15.000đ/hộ, sau đó thuê mướn nhân công với giá 500.000đ/xe/tháng để chở tới bãi rác tại hẻm 348 đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh.

Thêm một con đường thu gom rác khác là của công ty công trình công cộng các quận – huyện. Đây là xe rác có tải trọng lớn, chuyên thu gom rác của các đường phố chính rồi chở đến các bãi rác trung chuyển tại quận Gò Vấp. Sau đó rác được các container tới chở lên bãi chôn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) hoặc bãi Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Tài xế xe 57K-4922 cho biết: “Mùi bốc ra khó chịu lắm, che bạt cũng chả ăn thua gì vì rác chưa hề được xử lý”. Anh còn cho biết thêm, khi chở tới bãi rác trung chuyển ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp rác cũng chỉ được xử lý bằng thuốc vi sinh mà thôi!

Việc thu gom rác dù do đơn vị nhà nước hay tư nhân thực hiện thì đều cùng mục đích là làm sạch thành phố, đem không khí trong lành cho môi trường sống.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do – từ việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thu gom rác, xử lý vi phạm đến việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân – nên rác vẫn đang hàng ngày làm giảm vẻ đẹp của thành phố.

Người dân thành phố mong rằng, với những biện pháp nhằm xây dựng trật tự văn minh đô thị trong năm 2008, câu chuyện về rác sẽ được thực hiện nghiêm túc hơn.