Mô hình chăn nuôi heo thâm canh – Một cách làm mới

ThienNhien.Net – Năm 2007, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tiên phước- Quảng Nam, phối hợp với Tổ chức Phát triển Quốc tế (IDE) triển khai thực hiện Dự án chăn nuôi heo thâm canh tại 5 xã là Tiên Sơn, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Mỹ và Tiên Phong. Ban đầu chỉ có 49 hộ tham gia nuôi thử nghiệm. Nhưng sau một năm, thấy rõ hiệu quả kinh tế, nên mô hình này đã thu hút trên 1.200 hộ tham gia, trong đó có 410 hộ nghèo.

Điểm đặc biệt của mô hình này là các hộ chăn nuôi không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn hay con giống, mà còn được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi heo có đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Áp dụng vào thực tiễn phương pháp chăn nuôi heo mới, người dân có nhiều cái lợi. Thời gian heo đạt trọng lượng xuất chuồng giảm hơn một nửa so với cách chăn nuôi thông thường. Công sức chăm sóc ít và ai cũng đều làm được. Tiết kiệm một số lượng lớn gỗ củi làm chất đốt vốn đã khan hiếm đối với các hộ dân ở vùng bán sơn địa. Bởi thức ăn cho heo không cần nấu chín mà cho ăn sống hoàn toàn, dùng thức ăn giàu đạm như bã đậu phụng ép dầu, bột cá, bột ngô, rau xanh… Các loại thức ăn này đều sẵn có tại địa phương, người dân tự chế biến, pha trộn theo công thức được hướng dẫn.

Chị Lê Thị Lan ở thôn 6 xã Tiên Thọ là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình chăn nuôi heo thâm canh theo phương pháp mới. Sau khi nuôi thử nghiệm có hiệu quả chị tiếp tục đầu tư mua con giống và nâng số đàn heo hiện có lên 16 con. Chị cho biết: “Với đàn heo này, nếu cho ăn theo kiểu cũ thì mỗi ngày phải tốn ít nhất vài chục bó rau xanh và đun nấu mất cả gánh củi to. Còn bây giờ áp dụng phương pháp mới, chỉ cần 5-7 bó rau là đủ cho cả đàn”.

 
Chị em phụ nữ xã Tiên Phong – Tiên Phước tập trung nghe cán bộ dự án phổ biến phương thức chăn nuôi heo mới.

Theo tính toán của các hộ dân tham gia mô hình này, nếu như trước đây nuôi một lứa heo phải mất hơn một năm mới xuất chuồng được thì với phương pháp chăn nuôi mới, chỉ sau sáu tháng là xuất bán với trọng lượng mỗi con từ 75-90kg.

Tại hội thảo do Hội LHPN huyện Tiên Phước phối hợp với Ban quản lý Dự án mô hình chăn nuôi heo thâm canh tổ chức ở xã Tiên Phong, cho thấy, trong tổng số 7 hộ nuôi thử nghiệm heo theo công thức mới mà IDE giới thiệu thì trọng lượng heo con bắt đầu nuôi khoảng 10 kg và thời gian nuôi 109 ngày, hộ có mức lãi thấp nhất 600.000 đồng/con, hộ có mức lãi cao nhất 1.213.000 đồng/con.

“Chăn nuôi heo bây giờ không còn là “chuyện của đàn bà” nữa, vì việc chăm sóc rất đơn giản, chỉ cho ăn mỗi ngày ba bữa và không cần phải nấu chín. Người phụ nữ có việc đi đâu vài tuần, chồng con ở nhà cũng dễ dàng chăn nuôi được heo”- chị Mai Thị Lý ở thôn 2 xã Tiên Lộc, nói.

Chị còn cho biết, cách nuôi này rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay của hộ gia đình, dễ thực hiện và có nhiều lợi ích so với phương pháp chăn nuôi heo truyền thống. Chuồng trại cũng không cần xây dựng kiên cố, chỉ cần đảm bảo các yêu cầu như nền bằng xi măng, gỗ, hoặc gạch, có hố chứa phân hợp vệ sinh, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Trao đổi với những hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo thâm canh, một số hộ phải mua thức ăn chăn nuôi vì không sẵn có, cho rằng việc đầu tư đúng theo quy trình kỹ thuật mà dự án hướng dẫn thì trong vòng ba tháng vẫn có lãi trung bình 400.000 đồng/con. Chính vì thế mà hiện nay ở huyện Tiên Phước mô hình chăn nuôi heo thâm canh được các gia đình ở các xã Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà… tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau để phát triển kinh tế gia đình bằng cách chăn nuôi heo.

 
Chăn nuôi heo theo phương thức mới ngày càng được nhiều hộ dân ở Tiên Phước tham gia nên các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cũng ngày càng nhiều thêm.

“Thực tế cho thấy, mô hình chăn nuôi heo thâm canh không những giúp các gia đình nghèo sớm thoát cảnh nghèo, mà còn giúp chị em phụ nữ bớt nhọc nhằn vất vả. Và điều quan trọng nữa là, không cần đun nấu thức ăn cho heo nên việc lén lút phá rừng lấy gỗ củi làm chất đốt ở các địa phương giảm hẳn. Rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn”, chị Võ Kim Long- cán bộ Dự án chăn nuôi heo thâm canh huyện Tiên Phước cho biết.

Thiết nghĩ, mô hình này sớm được nhân rộng ra các huyện trong tỉnh Quảng Nam thì sẽ góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Bởi mô hình này phù hợp với vùng đồng bằng cũng như miền núi của tỉnh.