Sự thật đẫm máu đằng sau nạn săn cá heo ở Nhật Bản

Mùa săn cá heo mới bắt đầu vào ngày 1 tháng 9. Toàn bộ gia đình cá heo sẽ bị thảm sát chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí cho đám đông ở các thủy cung.

Chỉ sau 6 giờ sáng, 11 chiếc tàu đánh cá rời bến cảng Taiji ở bờ biển phía nam Thái Bình Dương của Nhật Bản. Trong vòng một giờ, các con tàu dàn thành một đội hình, bao vây đàn cá heo Risso gồm 18 cá thể và ép chúng vào một vịnh nhỏ. Lưới đã được đặt sẵn để bẫy cá heo và ngay sau đó, bảy người huấn luyện cá heo từ Bảo tàng Cá voi Taiji đã đến.

Các thợ lặn bắt từng con cá heo và đặt chúng ở dưới những tấm bạt màu xám nhằm giấu diếm khỏi sự soi mói từ bên ngoài. Dưới tấm bạt, những người huấn luyện cá heo kiểm tra giới tính, kích thước của cá heo, ước tính tuổi của chúng và chọn hai con để bán cho các thủy cung. Ngoại hình và sự phù hợp để huấn luyện thường là những yếu tố then chốt. Hai chú cá heo sau đó bị cáng đi và đưa đến khu vực nuôi nhốt đặt ở một vịnh gần đó.

Số phận của 16 chú cá heo không được chọn còn nghiệt ngã hơn. Các thợ săn dùng một mũi kim loại nhọn đâm vào cổ chúng ngay sau lỗ thở, khiến chúng ngạt thở vì sặc máu, nhuốm màu nước biển xung quanh thành màu đỏ. Xác cá heo bị kéo vào cảng cá Taiji, chẳng mấy chốc mà trở thành sản phẩm làm thịt.

Cuộc thảm sát cá heo này xảy ra vào ngày 2 tháng 12 năm 2021. Chỉ trong vài giờ, toàn bộ gia đình cá heo đã bị tiêu diệt như “truyền thống” mà một số ngư dân địa phương và các chính trị gia Nhật Bản quan niệm.

Đàn cá heo bị thuyền ngư dân quây xung quanh. Ảnh: AFP

Sự thật tàn khốc

Vào ngày 1 tháng 9, một mùa thảm sát cá heo mới sẽ bắt đầu. Thị trấn nhỏ Taiji đã trở thành tiêu đề toàn cầu sau khi bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar 2010, The Cove, nêu bật hoạt động săn bắt cá heo ít được biết đến của Nhật Bản. Trong khi bộ phim được đánh giá cao trên toàn thế giới, nó bị phản ứng dữ dội ở Nhật Bản khi những người bảo thủ gọi nó là một cuộc tấn công vào văn hóa của đất nước.

Ngày nay, biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất của nhân loại. Các chính phủ và tập đoàn trên khắp thế giới đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu bền vững, bao gồm bảo tồn động vật hoang dã. Đáng buồn thay, ở Nhật Bản, các cuộc săn bắt cá heo vẫn tiếp diễn như trước, trong khi thế giới đã không còn tập trung vào các hoạt động này.

Cứ mỗi mùa săn 6 tháng hàng năm, biển xanh nhuốm máu cá heo chỉ để phục vụ cho các thủy cung. Cá heo hình thành mối liên kết gia đình bền chặt, bơi thành đàn để bảo vệ những chú cá bơi không đủ nhanh như cá heo già và cá heo non – những con mồi béo bở của thợ săn. Cá heo nhìn chung cũng hiền lành và không tấn công con người ngay cả để tự vệ. Nhưng đây cũng là điểm yếu thợ săn lợi dụng để bắt được cả đàn cá heo trong một chuyến đi săn.

Một điều tra cho thấy chỉ tiêng ở Taji, đã có ít nhất 563 con cá heo bị đánh bắt trong suốt mùa săn 2021-22. Trong số đó, 498 con đã bị giết thịt và 65 con bị nuôi nhốt trong các thủy cung. Các cuộc săn bắt cá heo diễn ra ở khắp Nhật Bản với phương pháp đánh bắt bằng giáo phổ biến. Taiji đặc biệt nổi danh là điểm tận diệt cá heo bởi thợ săn vùng này thường bắt toàn bộ cả đàn, không để lại cơ hội cho các gia đình cá heo phục hồi, dẫn đến tác động tàn khốc tới quần thể cá heo.

Hiện tại, số lượng cá heo mà các thợ săn bẫy đang ít dần – giảm gần một phần tư so với 2.077 con cá heo bị bắt vào năm 2000. Ngày nay, các thợ săn không thể đáp ứng hạn ngạch đánh bắt hàng năm của chính phủ là 1849 con cá heo.

Ngành xuất khẩu động vật hoang dã

Một thực tế ít người biết là hoạt động săn bắt chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1969 với việc thành lập Bảo tàng cá voi Taiji để trưng bày cá heo sống. Đây là khoảng thời gian các trại nuôi cá heo đang bùng nổ tại Mỹ, ăn theo bộ phim truyền hình nổi tiếng Flipper, trong đó nhân vật chính là một con cá heo.

Một con cá heo sống được bán với giá 5 triệu JPY (36.000 USD) ở nước ngoài, trong khi nó chỉ trị giá 50.000 JPY (360 USD) để bán lấy thịt ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã bảo vệ việc săn bắt như một phần của truyền thống ẩm thực địa phương, mặc dù hầu như không ai ở Nhật ăn thịt cá heo. Trên thực tế, ẩn sau danh nghĩa “truyền thống” là đường dây buôn bán cá heo đến các thủy cung để giải trí trên khắp thế giới. Về bản chất, đó là một ngành xuất khẩu động vật.

Trên thực tế, một nghiên cứu tiết lộ rằng kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2022, 269 con cá heo và cá voi nhỏ đang được giữ trong một bộ chuồng biển khổng lồ ở Vịnh Taiji’s Moriura để chờ được bán cho các thủy cung trên khắp Nhật Bản và thế giới. Cuộc săn lùng cá heo vẫn tiếp diễn vì nhu cầu giải trí của con người.

Máu từ xác cá heo nhuộm đỏ nước biển. Ảnh: AFP

Thay đổi đang đến

Dù vậy, vẫn có hy vọng để chấm dứt cuộc tàn sát cá heo này. Vào tháng 3 năm nay, vườn thú Kolmården của Thụy Điển thông báo họ sẽ kết thúc các chương trình biểu diễn cá heo. Quyết định của vườn thú là biểu tượng của một thái độ mới đối với động vật trên toàn thế giới. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật cấm biểu diễn cá heo cũng như động vật hoang dã được sử dụng trong các rạp xiếc. Một lệnh cấm tương tự đã được áp dụng ở Canada kể từ năm 2019.

Các quốc gia ven biển như Ấn Độ, Chile, Costa Rica và Brazil cũng cấm hoặc hạn chế việc nuôi nhốt cá heo. Expedia là hãng du lịch mới nhất ngừng bán vé bao gồm các buổi biểu diễn cá heo.

Ở Nhật Bản cũng có những dấu hiệu cho thấy thái độ đang bắt đầu thay đổi. Vào tháng 5, một thủy cung có trụ sở tại Tokyo đã trở thành cơ sở đầu tiên trong nước kết thúc chương trình biểu diễn cá heo. Gánh nặng tài chính được cho là lý do chính, nhưng đây cũng là xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây. Và tháng sau, một thủy cung khác thông báo rằng họ sẽ ngừng các buổi biểu diễn sư tử biển.

Thay đổi đang đến, chậm nhưng chắc. Chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai cá heo được tự do bơi lội ngoài biển khơi mà không cần lo sợ bị con người săn bắt.

Nguồn: