Những người sống biệt lập giữa rừng (Kỳ 1)

Khi thành lập Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, người ta phát hiện một nhóm người sống trong vùng lõi, trên bãi đất khá bằng phẳng, bốn bề núi non hiểm trở, gọi là bản Đoòng. Đã có những lời đồn thổi, những câu chuyện kỳ lạ từ bản này.

Trời mưa thì không thể đi được vì đường rừng rất trơn, đó là chưa kể đến lượng vắt khổng lồ luôn chực chờ; lỡ hẹn mấy lần song đoàn cũng khởi hành chuyến đi vào cuối tháng 03/2008. Từ bến thuyền vào động Phong Nha, đi theo đường 20 khoảng 20 cây số đến Trạm kiểm lâm 37, chạy xe thêm gần 20 cây số theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây nữa là đến vị trí có đường xuống bản. “Cứ đi, vài quăng dao sẽ tới…”.

Bản Đoòng không xa

Các anh kiểm lâm tại Trạm 37 chống mạnh cùi tay lên mặt bàn, hướng bàn tay thẳng đứng lên trên rồi bảo: “Đường dốc thẳng đứng như thế này đây, nếu đi nhanh thì mất tiếng rưỡi”. Xoong, bát, gạo, mắm muối… được buộc cẩn thận, dĩ nhiên không thể thiếu cái võng cho mỗi người. Đoàn xuống bản theo đường số 35 – nghĩa là con đường này nối với đường Hồ Chí Minh tại Km 35.

Gọi đường nhưng là lối mòn nhỏ chỉ một người đi lọt. Khi đi xuống, chủ yếu đổ dốc nhưng không vì thế mà dễ đi. Đường đi lên thì toàn leo dốc đứng, leo đến lúc không thể nhấc chân lên được, hơi thở ra lỗ tai đánh thình thịch như tiếng trống. Nhiều đoạn đá lởm chởm, nhiều đoạn đất lại trơn trượt bên vực thẳm, phải bám vào rễ cây mà bò.

 
Chưa bao giờ trẻ con trong bản được chơi bóng thỏa thích như thế.

Gần hai tiếng cho hơn 8 cây số, đã đến bản lúc trời xế trưa. Không như nhiều bản làng khác, bản Đoòng xuất hiện với những ngôi nhà xập xệ, cũ nát nằm rải rác ít ỏi. Thấy có người lạ, dân bản tập trung đông ở nhà của già làng nghe ngóng. Vui nhất là đám thanh niên và trẻ con của bản khi được tặng quả bóng đá bằng da, các em tỏ ra rất thích thú, tranh nhau ôm lấy bóng mà chạy quanh bản. Dù lần đầu tiên biết quả bóng nhưng các em tập chơi khá nhanh, hết đá bằng chân lại đánh bằng tay. Ngày thường trời chập choạng tối là chúng đã ăn cơm và đi ngủ nhưng hôm ấy chơi bóng say sưa, bố mẹ gọi về cũng chẳng nghe.

“Luật” của già bản

Điều khác biệt so với gần một năm về trước là bây giờ bản Đoòng không còn tên gọi “bản lậu” nữa. Bản đã trực thuộc đơn vị hành chính của xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), có một người được ăn lương công an viên.

Già làng Nguyễn Sĩ Trắc (mọi người hay gọi là bố Tòa) năm nay 59 tuổi, sinh ra tại xã Kim Thủy của huyện Lệ Thủy. Theo lời kể của già, nguyên gốc từ đời cố ông ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), có lẽ thế mà già mang họ Nguyễn. Sau nhiều lần dời chuyển chỗ ở khi còn chiến tranh rồi lập gia đình, già trở thành người dân tộc Vân Kiều. Trước khi ra rừng Phong Nha, già định cư tại rừng Ba Rền. Năm 1991, theo tập tục du canh du cư, 4 gia đình của các ông Bình, Hoàn, Thằng, Xay đến lập rẫy bản Đoòng. Chọn được vị trí tốt, các ông trở về bản cũ thông báo. Một năm sau, bố Tòa dẫn vợ cùng tám người con đến bản Đoòng sinh sống với mấy người anh em. Lúc ấy bản hoang vắng rùng rợn, đêm đêm thú dữ về vây quanh nhà nên ai cũng luôn chuẩn bị trước các dụng cụ chống chọi như dao, rựa, lửa.

Bố Tòa bảo làm việc với nhà báo phải có sổ sách đàng hoàng, rồi ông đi lục lấy một gói bao bóng đựng giấy tờ và liệt kê: “Bản có 11 hộ, 49 khẩu, 11 con bò của Nhà nước cho đã đẻ thêm 4 con, trâu 5 con, ruộng gần 5 mẫu nhưng không có nước, trường học không có”. Toàn bộ diện tích của bản khoảng 20 ha, đấy là một khoảnh đất khá bằng phẳng, hai bên có 2 con suối là Hạ Đoòng và Thượng Đoòng. Phần đất cao hơi dốc được dựng nhà ở, còn phần thấp bằng, màu mỡ sát bờ suối dùng trồng bắp, đậu, mấy năm trước còn trồng lúa.

Điều lạ ở đây là không thấy một triền đồi núi nào bị đốt để làm rẫy. Vì dân bản đã thực hiện cam kết không đốt phá rừng với ngành kiểm lâm. Đấy không chỉ là cam kết suông mà đã trở thành ý thức của bà con.

 
Bố Tòa (người ngồi mặc áo trắng) cùng con cháu.

Bố Tòa nói: “Miềng không đốt rẫy, không cho bà con đốt. Miềng đã hứa với cán bộ rồi, miềng phải giữ rừng chứ. Mùa khô miềng còn phải phòng cháy chữa cháy nữa. Ai vi phạm bị phạt nặng”.

Giữa bản, ngay sát nhà bố Tòa có một cái kẻng làm bằng miếng sắt buộc vào sợi dây treo lên cây. Khi trong bản có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra hay già làng cần triệu tập dân bản đến bàn chuyện thì sẽ đánh vào kẻng, cho nên không ai được đánh kẻng ngoài bố Tòa.

Bản có 2 quy định rất hay: Thứ nhất là không ai được bán rượu ngoài già làng với lý do nếu người khác bán sẽ không biết điểm dừng, lỡ lúc người uống đã say nhưng họ muốn mua vẫn được, còn già bán thì không có chuyện đó. Thứ hai là được đánh bài chơi còn đánh hội hay ăn tiền thì không, gây gổ đánh đập nhau càng không thể được. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt, nhẹ phạt sản vật, nặng phạt tiền.

Nói về thực phẩm thì khu vực này không thiếu bởi xung quanh có rất nhiều chuối rừng, bắp chuối rừng ăn ngon không kém bắp chuối nhà; rồi còn có các loại rau rừng như tàu bay, măng… Cá dưới suối Hạ Đoòng cũng rất nhiều, dân bản dùng lưới thả và vợt để bắt. Ngày trước muốn mua các thứ khác như dầu, mắm muối… bà con phải vượt rừng ra chợ Phà ở trung tâm xã Sơn Trạch nhưng bây giờ có chị Lài, chị Bông thường xuyên mua đồ mang vào bán tận bản. Họ vào ở trong bản cả tuần lễ, ai cần gì thì dặn rồi lần sau họ đưa vào. Dĩ nhiên họ không thể gùi hàng trèo đèo lội suối được mà phải hẹn với dân bản khi nào vào thì ra đường Hồ Chí Minh đón.