“Sóng” trên bờ Krông Pô Kô

Hơn 2 năm nay, ruộng vườn của mấy trăm nông hộ ở Đăk Hà đã chìm sâu dưới lòng hồ mênh mông nước trắng, họ vẫn đang loay hoay với bài toán sinh kế chưa ra đáp số.

Phía Sa Thầy, bờ tây sông Pô Kô, đã mọc lên một khu tái định cư đẹp như thành phố, nhưng hơn 5 nghìn “thị dân” cũng chưa biết sinh sống ra sao với “thành phố” này. Krông Pô Kô vẫn chảy miệt mài, nhưng trên bờ như có sóng.

Đi qua những làng không đất

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar Nguyễn Văn Mạnh ơi hỡi khá lâu, A Rum mới uể oải vén tấm màn vải bước ra. Người đàn ông trông già hơn cái tuổi 40 của mình, nói giọng run run: “Mình lo quá nên ốm mà!”.

A Rum lo là bởi 3 đứa con lớn học trên thị xã Kon Tum, 6 đứa con nhỏ học tại xã nhà chỉ biết trông vào 3ha đất rẫy, bây giờ rẫy ngập dưới lòng hồ, hơn 40 triệu đồng đền bù cũng đã tiêu tán hết. “Mấy tháng trước mình liều mạng lên Pô Kô phát rẫy nhưng bị công ty đuổi miết, đất chỗ nào cũng có chủ hết rồi, bây giờ chỉ biết ở nhà thôi”. A Rum “chỉ biết ở nhà thôi” nghĩa là sinh kế, chuyện học hành của đàn con 9 đứa sẽ gay to.

Phó Chủ tịch Mạnh giải thích: “Công ty mà A Rum nói là Công ty cổ phần Trường Nam, được tỉnh cho thuê đất trên xã Pô Kô, huyện Đăk Tô. Chỗ đất chưa trồng cao su thì họ cho dân trồng cây ngắn ngày, A Rum đòi trồng cà phê nên mới bị đuổi”. Đâu chỉ A Rum, gần một nửa trong số 245 hộ không đất và thiếu đất các làng Kon Gung, Đăk Mut cũng canh tác nhờ trên đất Trường Nam, nay mai họ thu hồi rồi chẳng biết sống bằng gì. Số còn lại đang làm thuê đắp đổi, kiếm cá lòng hồ và… ở nhà chơi. Cơ bản, họ vẫn sống được là nhờ tiền đền bù rẫy cũ.

Chính ông Mạnh cả năm trời bạc tóc với Plei Krông, mỗi tuần họp dân 3 đêm, bây giờ rất khó ăn nói với dân vì chủ đầu tư còn nợ tiền đền bù, không cấp đất tái định canh, không đền bù thiệt hại do ngừng sản xuất. Riêng nỗi khổ của nông dân mất đất thì rõ nhất, vì thế xã Đăk Mar mới quyết tâm “giành bằng được” khu đất 282ha bên bờ tây Pô Kô cho dân Kon Gung và Đăk Mut, dù nó đã có quyết định thu hồi của tỉnh Kon Tum. Đây là đất các làng Kon Gung, Đăk Mut xâm canh trong bối cảnh lộn xộn buổi khởi động dự án, từng được nhắc đến trong nhiều văn bản với động từ “lấn chiếm”. Nay tỉnh thu hồi cũng để cấp đất sản xuất cho dân tái định cư Plei Krông bên Sa Thầy.

 
Một góc khu tái định cư Hơ Moong.

Ông Mạnh vẫn quyết tâm: “Ban QLDA thuỷ điện 4 muốn lấy phần đất này cấp cho dân Sa Thầy thì phải chuẩn bị sẵn 200ha bên này cho xã tôi, chứ trong tình hình đất đai này, dân tôi sẽ bám trụ tới cùng”.

Cũng như Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar Nguyễn Văn Mạnh, lãnh đạo thị trấn Đăk Hà từng thẳng thắn bảo vệ quan điểm “không nhận tiền đền bù, chỉ nhận đất tái định canh”. Ban QLDA thuỷ điện 4 chỉ trích: “Chính quyền thị trấn và thôn Long Loi không thống nhất để dân nhận tiền mà yêu cầu phải bồi thường bằng đất, ban đã chi trả tiền nhưng chính quyền địa phương vẫn không thông báo cho dân đến nhận”.

Trưởng thôn Long Loi Nguyễn Minh Giám giải thích: “Mỗi hécta đất rẫy được đền bù 15 triệu đồng, chưa bằng nửa hécta theo giá thị trường, dân tiêu hết rồi sống bằng gì mà nhận?”. Nhưng đó là chuyện cũ, nhắc lại để thấy rõ quan điểm của cán bộ địa phương.

Hiện chỉ còn 33 hộ kiên quyết không nhận tiền, dù đất của họ đã ngập sâu dưới lòng hồ Plei Krông từ lâu. Làng Long Loi có 98/132 hộ bị thu hồi đất và tất cả không được tái định canh, tiền đền bù cũng chẳng ai còn. Bởi vậy sáng sáng, chiều chiều họ chỉ biết bồng bế nhau ra ngõ đứng chơi, trông vui mắt nhưng là chuyện không ai muốn. Tết rồi, huyện phải cứu đói khẩn cấp cho 91 hộ Long Loi, với mức 15kg gạo mỗi khẩu. Ông Giám cho biết thêm: “2 năm nay, đám thanh niên thất nghiệp sinh ra rượu chè, trộm cắp, đánh nhau, tình hình trật tự rất phức tạp. Trước đây, thôn tôi không có những chuyện như thế đâu”.

Sau 2 năm thu hồi đất khu vực lòng hồ thuỷ điện Plei Krông, huyện Đăk Hà hiện còn 363 hộ ở Đăk Mar, Hà Mòn và thị trấn thiếu đất sản xuất – gồm 140 hộ hoàn toàn không có đất, 138 hộ có dưới 0,5ha, 85 hộ có từ 0,5 đến 1ha đất rẫy.

Theo phương án được duyệt, số nông dân này phải nhận tiền đền bù chứ không được bố trí đất tái sản xuất. Song, diễn biến thực tế cho thấy, gần 400 nông hộ không thể sống được nếu tiếp tục không có đất sản xuất. Cũng không dưới 2 lần, nỗ lực tìm đất của chính quyền địa phương không đem lại kết quả. Khai hoang ruộng nước khu trường bắn thì các chủ cũ không chịu, mua lại vườn cà phê thì Ban QLDA thuỷ điện 4 “kêu” đắt.

Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà – cho biết, hiện Đăk Hà đang trình Chính phủ phương án giãn dân nội vùng ở Đăk Hring. Không phải là tất cả, song những nông hộ như A Rum vẫn có thể hy vọng ở phương án này, dự kiến triển khai vào đầu năm 2009. Đây cũng là nỗ lực cuối cùng của địa phương nhằm giải quyết các tồn tại dai dẳng của chương trình tái định cư do chủ đầu tư để lại.

“Thiên đường”… không mơ ước

“Đẹp như thiên đường” là đánh giá của ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy – về khu tái định cư Hơ Moong bên bờ tây sông Pô Kô. Ở đó có 5 “thành phố”, mỗi “phố” cách nhau 1 – 2km, với tổng cộng khoảng 5.000 “thị dân”. Những “phố” này nằm dọc trục bắc – nam, lưng tựa dãy Sacly hùng vĩ, mặt ngoảnh ra lòng hồ Plei Krông nên thơ.

Có điều, 749 hộ dân đều không ai mong muốn được tái định cư ở “thiên đường” này. Bởi lên đây, cái gì cũng bất tiện, từ cái nhà vệ sinh trở đi. Chủ đầu tư xây cho mỗi hộ một nhà vệ sinh, nhưng là “bán tự hoại” nên hôi hám không chịu nổi. Về sau, hàng trăm người trong mỗi dãy “phố” phải lũ lượt xếp hàng ở các nhà vệ sinh công cộng. Được một thời gian, nhà vệ sinh công cộng cũng tan hoang, bây giờ “thị dân” đi vệ sinh theo kiểu “tuỳ cơ ứng biến”.

Đó là chuyện nhỏ, sinh kế mới là điều đáng lo ngại nhất. Ơ khu tái định cư, mỗi hộ được cấp 400m2, căn nhà choán hết 70m2, phần còn lại làm sân, giếng, công trình phụ là vừa hết. Đến chỗ nuôi con gà cũng không có, chứ không ai trồng được cây gì cho ra thu nhập.

 
Ruộng nước… không có nước.

Vợ chồng A Thút ngồi trong căn nhà sạch sẽ, thoáng mát giữa làng Kơ Tol, nhưng trong lòng như có sóng. “Về nhà mới 2 năm nay, vợ chồng mình cùng 10 đứa con chủ yếu ăn dần tiền đền bù chứ có mảnh rẫy nào đâu. Là hộ đông con, mình được chia 1.100m2 lúa nước 2 vụ, hộ bình thường chỉ 700m2 thôi. Khốn nỗi, chưa có vụ nào mình thu được hột lúa, bởi ruộng nước này không có nước mà” – A Thút nói. A Thút không là trường hợp cá biệt. Ban QLDA thuỷ điện 4 khai hoang 68ha lúa nước 2 vụ, nhưng xã Hơ Moong co kéo giỏi lắm cũng chỉ gieo cấy được 22ha.

Nguyên nhân là cả 2 đập Đăk San, Đăk Nui đều không tích được một nửa lượng nước như ông tư vấn thiết kế đã vẽ ra lúc đầu. Còn đất rẫy, toàn xã có 184 hộ chưa được cấp mảnh nào. Số này chưa giải quyết xong thì mới đây, lại thêm gần 50 hộ thiếu đất phát sinh. Các hộ này được chia đất từ năm 2006, nhưng vừa rồi dân các làng Kon Gung, Đăk Mut bên Đăk Hà “nhảy” sang lấn chiếm. Do vậy, tình trạng thiếu đất sản xuất ở Hơ Moong vốn đã rất phức tạp càng thêm căng thẳng.

Chủ tịch UBND xã Hơ Moong Nguyễn Văn Niệm cho biết: “Hiện chủ đầu tư đã đền bù được khu 135ha, nếu không có gì trục trặc, chủ cũ sẽ bàn giao sau khi thu hoạch vụ sắn này. Ngoài ra còn có 36ha thu hồi của Nông trường càp hê Đắk Uy III. Cộng lại là… vẫn thiếu. Mà nếu cấp đủ thì mỗi hộ cũng chỉ được 1 – 1,2ha, với tập quán canh tác của đồng bào thì vẫn quá ít. Cho nên phải tính đến phương án chuyển đổi trồng cây công nghiệp hoặc trồng rừng, chứ để dân trồng mì 2 – 3 vụ là bạc màu rồi cũng bỏ hoang. Ngoài ra, chúng tôi đang kiến nghị chủ đầu tư chi trả dứt điểm tiền đền bù còn nợ của dân, đền bù thiệt hại do ngừng sản xuất, chi trả phần chênh lệch do đền bù 16 triệu đồng/ha nhưng bán đất tái định canh tới 26 triệu đồng/ha…

Tóm lại, ở khu tái định cư còn hàng núi việc đang chờ Ban QLDA thuỷ điện 4 xuống đối thoại, giải quyết trực tiếp với nhân dân”. Có vẻ như công cuộc tái định cư thuỷ điện Plei Krông càng vào giai đoạn cuối, chính quyền địa phương càng quyết liệt hơn. “Nếu chúng tôi không tích cực “kêu”, nay mai chủ đầu tư rút đi, địa phương lại phải đối mặt với một hậu Ya Ly khác cho mà xem” – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Nguyễn Văn Lộc kết luận.