Hiểm hoạ túi nylon tái chế

Đến làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm – Hưng Yên), thật kinh hoàng khi được “mục sở thị” cảnh tái chế túi nylon từ rác thải ở đây. Các công đoạn tái chế được xử lý rất thủ công, tiềm ẩn nhiều hoá chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Tái chế nylon, xây nhà lầu

Đến nhà chị Ngà, được chiêm ngưỡng một xưởng sản xuất cỡ trung bình ở làng Khoai. Nhà xưởng tăm tối và sực mùi nhựa cháy, 5 công nhân đang miệt mài làm việc: người xay nhựa, kẻ đứng tạo hạt, người thổi màng…

Chị Ngà cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 3 tạ nylon. Mỗi kilôgam loại túi to, dày làm được 300 chiếc, loại nhỏ, mỏng thì từ 600 – 800 chiếc”.

Tính ra, một gia đình ở làng Khoai có thể tái chế và cung cấp cho thị trường khoảng 150 nghìn chiếc túi nylon mỗi ngày, tương đương 60 triệu chiếc mỗi năm. Để đạt được công suất như vậy, chị Ngà đã đầu tư gần 150 triệu đồng mua máy tạo hạt, máy thổi màng, lò nấu… Mỗi ngày gia đình chị phải thuê từ 5 đến 7 công nhân, chia làm 2 ca sản xuất, tiền công mỗi lao động từ 40.000 – 50.000 đồng/người.

Đến nhà trưởng thôn Đinh Văn Hoát, cũng nghe tiếng máy chạy xì xạch. Anh Hoát hồ hởi: “Gia đình vừa nhập thêm 5 tấn nylon để tái chế. Cả làng có trên 3.000 dân với trên 700 hộ gia đình thì hầu hết đều làm nghề đồng nát. Sản lượng tái chế rác thải của làng mỗi ngày lên đến trên 30 tấn nylon các loại. Sản lượng lớn và thị trường tiêu thụ rộng khắp giúp người dân làng Khoai giàu lên nhanh chóng. Hàng trăm hộ đã xây được nhà cao tầng. Người dân làng Khoai bây giờ không phải đi thu gom phế liệu từ các nơi mà hàng đổ về qua những đội quân hành nghề đồng nát và bới rác ở khắp các tỉnh”.

Theo lời tâm sự của anh Hoát thì cái xưởng “con con” của nhà anh mỗi tháng cũng đem lại thu nhập không dưới 5 triệu đồng. Làng cũng có ruộng, đất nhưng người dân chẳng có thời gian mà cày cuốc, cứ đến ngày mùa lại thuê dân làng khác đến cấy cày.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Nghề tái chế nhựa đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhưng còn nhiều vấn đề kéo theo rất đáng được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ vẫn là bài toán chưa có lời giải. Bên cạnh việc nghiên cứu tìm ra giải pháp để hạn chế mức độ ô nhiễm, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương cần kiểm tra, xét nghiệm độ an toàn vệ sinh từ sản phẩm túi nylon của làng nghề.

Qua tìm hiểu, khâu xử lý nylon thành phẩm ở làng Khoai hầu hết bằng cách thủ công, không qua xử lý hoá học. Sau khi tái chế ra túi nylon thành phẩm, người làm nghề chỉ rửa qua bằng nước vôi trong rồi sấy khô và bán ra thị trường.

Dọc theo thị trấn Như Quỳnh, hàng trăm bao tải nylon, vỏ chai nhựa… chất thành những đống cao lút đầu người, mùi ô nhiễm nồng nặc. Trong hiên nhà, bên bờ đê, dọc các con mương… chỗ nào có khoảng trống thì chỗ đó có rác nylon.

Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học công nghệ và môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), môi trường ở làng Khoai có các dạng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm dầu. Hàm lượng Amoniắc, nitrit… xuất hiện hầu hết tại giếng khoan của các gia đình làm nghề. Các yếu tố chỉ mức độ ô nhiễm hữu cơ gồm BOD và COD đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam ( TCVN) cho phép. Mật độ vi khuẩn coliform ở các ao hồ, kênh mương trong làng gấp hàng chục lần TCVN. Lượng bụi ô nhiễm trong không khí cũng vượt gấp 6 lần so với TCVN. Tại các cơ sở sản xuất, nhiệt độ luôn cao hơn bên ngoài từ 4 – 6 độ C, nồng độ khí CO cao gấp 6 lần.

Theo thống kê của Trạm Y tế thị trấn Như Quỳnh, các bệnh liên quan đến nghề tái chế túi nylon như hô hấp, tai mũi họng, mắt, da, thần kinh ngày càng gia tăng. Trong đó, có tới 40% dân làm nghề thường xuyên bị các bệnh nghẹt mũi, khó thở; 35% bị ho; 32% đau vòm họm; 30% giảm thính lực; 48% mắc bệnh về đường hô hấp…

Cũng theo lời cảnh báo của ngành y tế địa phương, túi nylon đựng thực phẩm được tái chế từ làng Khoai có nguy cơ ngộ độc cao do chứa các kim loại như cađini, chì… Khi túi nylon bị đốt, các khí độc thải ra có thành phần cacbon có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, phá vỡ hocmon, gây rối loạn các chức năng tiêu hoá và gây ung thư…