Trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu container sử dụng trong vận chuyển quốc tế đã khiến ngành thực phẩm của châu Á phải đối mặt với tình trạng trì hoãn thậm chí ngừng bán hàng.
Hôm 9/2, Mos Burger, thuộc Mos Food Services, trở thành cửa hàng mới nhất bị ảnh hưởng cho biết, họ sẽ tạm ngừng bán khoai tây chiên từ ngày 10/2. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong các chuyến hàng khoai tây do tình trạng khan hiếm nguồn cung do đại dịch gây ra cộng với thời tiết trái mùa. Công ty dự kiến tình trạng thiếu khoai tây sẽ ảnh hưởng đến 1.256 cửa hàng cho đến giữa tháng 3.
Mới đây, McDonald’s Nhật Bản tiếp tục bán các gói khoai tây chiên cỡ vừa và lớn vào ngày 7/2 sau khi tạm ngừng vài tuần. McDonald’s cho biết nguồn cung của họ đã bị cắt giảm do điều kiện thời tiết xấu, lũ lụt ở Canada và tình trạng thiếu container khiến hoạt động tại cảng quan trọng của Vancouver bị tê liệt.
“Chúng tôi đã có thể đảm bảo lượng hàng dự trữ để có thể tiếp tục bán hàng bình thường trong thời điểm hiện tại”, nhưng nói thêm, “sự chậm trễ nhập khẩu vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn và tình trạng tắc nghẽn cảng sẽ tiếp tục là vấn đề khó lường”, một đại diện của công ty nói với Nikkei.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của McDonald’s Nhật Bản ông Tamotsu Hiiro, trong cuộc họp báo hôm 9/2 cho biết, hoạt động thu mua khoai tây sẽ tiếp tục “không lạc quan”.
Nhưng Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn về nguồn cung khoai tây.
Indonesia và McDonald’s Malaysia đều đang gặp khó khăn trong việc bán khoai tây chiên. Trong một tuyên bố ngày 24/1, McDonald’s Malaysia cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung khoai tây cho dịch vụ đồ ăn nhanh (khoai tây chiên)”. Hãng đã tạm dừng việc bán khoai tây chiên cỡ lớn. McDonald’s Indonesia cũng thực hiện hành động tương tự, nhưng đã đăng một dòng tweet vào ngày 31/1 rằng họ sẽ tiếp tục bán khoai tây chiên cỡ vừa.
Nobuko Kobayashi, đối tác tại EY Japan, nói rằng cuộc khủng hoảng container cần phải được giải quyết trước khi sự mất cân bằng cung cầu có thể lắng xuống, nhưng thật khó để dự đoán khi nào điều đó sẽ chấm dứt.
“Tình hình hiện nay phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh của chuneg Omicron và bất kỳ làn sóng hậu Omicron nào. Sự biến động này có thể kéo dài đến nửa cuối năm 2022”.
Những doanh nghiệp rượu cũng đồng tình với Kobayashi.
Michio Nagabayashi, Chủ tịch Mercian, chi nhánh sản xuất rượu của Kirin nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 2/2: “Chúng tôi không biết khi nào việc trì hoãn nhập khẩu sẽ xảy ra một lần nữa”.
Mặc dù mới đây công ty đã bắt đầu bán rượu vang nhập khẩu trở lại sau khi tạm ngừng bán hàng trong gần 5 tháng qua do thiếu container. Nagabayashi cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn là một điều đáng lo ngại.
Việc ngừng bán 10 loại rượu vang của California đã ảnh hưởng đến doanh thu của công ty. Rượu vang nhập khẩu, chiếm 40,9% tổng sản lượng bán ra của Mercian, đã giảm 20% trong năm 2021 so với một năm trước đó.
Công ty đối thủ là Suntory, cũng ngừng bán rượu vang Australia từ cuối tháng 1. Ngoài tình trạng thiếu container toàn cầu, công ty còn phải đối mặt với tình trạng chậm trễ sản xuất tại nhà máy rượu của mình ở Australia.
Nhu cầu trong tháng 12/2021 đã tăng 40%, gấp đôi so với dự kiến. Tuy nhiên, công ty này không thể theo kịp nhu cầu đã tăng đột biến sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối năm ngoái. Hiện tại Suntory đang có kế hoạch khởi động lại việc bán rượu vang Australia của mình sau tháng 4, nhưng nguồn cung hạn chế về container vẫn có thể cản trở kế hoạch hoạt động, người phát ngôn của Suntory cho biết.
Ngành công nghiệp thực phẩm đông lạnh cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Nhà sản xuất Nichirei đã phải vật lộn để tuyển dụng thêm công nhân cho công ty con ở Thái Lan. Hiệu suất sử dụng nhà máy đã giảm, buộc công ty phải bán một dòng gà rán đông lạnh mới cho một số thị trường nhỏ hơn vào năm ngoái.
Nobuko Kobayashi nói rằng các hãng thực phẩm châu Á phải làm quen với sự gián đoạn cung ứng do đại dịch và căng thẳng địa chính trị gây ra, đồng thời chuẩn bị cho những thách thức sắp tới.
“Các công ty phải đánh giá lại hoạt động mua sắm của mình để giảm thiểu rủi ro về sự gián đoạn như vậy. Một hướng là rút ngắn chuỗi cung ứng để củng cố kinh doanh trong khu vực. Hướng khác là tái liên kết theo chiều dọc để các công ty không dựa vào các nguồn bên ngoài cho các đầu vào quan trọng”, Nobuko Kobayashi cho hay.