Xây đô thị mới phải trả nợ môi trường

Nhìn vào khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH), ai mà không choáng ngợp vì đây là khu đô thị tốt nhất, đẹp nhất ở nước ta. Có dịp đi ngang qua khu đô thị PMH, mọi người đều thấy bắt mắt… Nhìn từ con đường Nguyễn Văn Linh vững chãi, lung linh ánh đèn, vượt qua “bãi đầm lầy” cho tới nhìn những dãy phố cao ngất ngưởng, sang trọng, sáng trưng, phòng ốc đủ tiện nghi, rộng rãi thoáng mát; ai mà không ước ao được sống trong các căn hộ ở khu đô thị mới này. Thế nhưng có 4 nguyên nhân khiến ta phải đòi Công ty Phú Mỹ Hưng trả nợ môi trường.

Nhiều người có nhận định đây là khu đô thị, khu chung cư tốt nhất ở nước ta, ít nhất cho đến thời điểm này.Thật vậy, Công ty PMH đã có đóng góp trong việc xây dựng một khu đô thị mới, hoàn chỉnh về kiến trúc. Thế nhưng, cái mà họ đóng góp thì ta ghi nhận. Còn cái mà họ gây thiệt hại ta phải đòi nợ họ. Tại sao chúng ta phải đòi Công ty PMH) trả nợ môi trường? Lý do đơn giản không chỉ nhà môi trường nào cũng hiểu mà người dân cũng nên hiểu và đồng tình. Đó là nguyên tắc PPP – ” Polluter pays principle” (người gây ô nhiễm phải trả) và đặc biệt là nguyên tắc: “Người hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phải đền bù thiệt hại cho người bị hại và cho tài nguyên bị xâm hại”. Có 4 nguyên nhân khiến ta phải đòi Công ty PMH trả nợ môi trường.

Xây đô thị mới: Phá đầm lầy, gây ngập đô thị cũ

Thứ nhất, nhìn những bưng, những trấp, những cỏ ống, cỏ lác, dứa dại, cỏ nămg, cảnh nước ngập, bùn lầy, chúng ta chớ vội đánh giá thấp vai trò vùng bưng biền phía Nam của Thành phố, vùng nằm giữa các quận huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 7, Quận 8. Đó là vùng “đất ngập nước ảnh hưởng triều, quý giá, với tiềm năng lớn. Với sự phong phú đa dạng sinh học vốn có của nó. Nếu để cho nó tự phục hồi, mà con người chưa cần tác động vào, đã là một vùng du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, nơi nghỉ dưỡng, một vùng cảnh quan bưng biền kế cận nội thành, không cần phải đi xa xuống Đồng Tháp Mười, người ta đã có cái nhìn lý thú.

Điều đáng tiếc, Công ty PMH đã xóa sổ nó bằng những nền nhà nền đường. Công ty PMH đã tác động ghê gớm lên hệ sinh thái đất ngập nước nhạy cảm và qua đó, tác động cả lên vai trò hệ đệm Nam Sài Gòn. Với những người làm sinh thái đất ngập nước như chúng tôi, đó là điều thật sự xót xa… Mặc dù nhìn vào khu đô thị PMH mới xây dựng này thì ai cũng thích cũng trầm trồ thán phục nhưng người ta phải hiểu rằng, hê sinh thái đô thị là hê sinh thái nhân tác, rất mẫn cảm. Các mắt xích trong hệ dễ bị bẻ gãy, dễ bị biến đổi khi chỉ cần một nguyên nhân nhỏ của môi trường thay đổi. Hơn nữa, TP HCM là đô thị bán ngập triều, muốn giữ cho một đô thị trên vùng đất ướt như vậy tồn tại thì phải có một khoảng trống làm hệ sinh thái đệm.

 
San lấp Rạch Ông Kích (Ảnh: VietNamNet).

Vai trò này đã đã được giao cho cái vùng bưng biền xấu xí ấy. Đó là vùng lý tưởng để điều hòa khí hậu, điều hòa sinh thái, điều hòa mặt thoáng, điều hòa sinh cảnh và nhất là điều hòa độ ngập của nước cho nội đô TP HCM. Hy vọng, Luật Đa dạng sinh học, Tài nguyên sinh vật sắp được Quốc hội thông qua và Chương trinh Hành động Bảo tồn đất ngập nước cho ta cơ sở pháp lý để tính đủ, tính đúng thiệt hại này!

Thứ hai, Khi xây dựng khu đô thị, động tác trước tiên Công ty PMH phải san lấp, tôn cao mặt đầm lầy cũ Khu Nam Sài gòn (NSG) này. Như ta đã biết đây là vùng trũng, thực chất là bồn trũng, mang sứ mệnh của một “hồ điều hòa tự nhiên”. Vì sao lại là hồ điều hòa? Vì rằng, vùng trũng này có dung tích hàng ngàn mét khối nước ấy, sẽ chứa nước mưa chưa kịp chảy ra sông lớn Nhà Bè, để khi triều xuống, thì theo sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu ra biển. Như vậy, vai trò chống ngập mùa mưa cho cả thành phố chính là chỗ này đây!

Một lý giải giản đơn là theo nguyên lý “vật chiếm chỗ”: cứ một thể tích Am3 vật cứng nhấn chìm vào một bể nước đang vừa đầy, thì ngay lập tức, ta có đúng Am3 nước của bể đó tràn ra ngoài. Có nghĩa là, nếu như Công ty PMH đã đổ 10 vạn m3 lấp nền, thì họ cũng làm cho đúng 10 vạn m3 nước mưa, nước thải tràn vào TP, và tất nhiên, gây ngập cho nội đô.

Mặt khác, quá trình san lấp này, họ lấp cả những con rạch, kênh và cả đoạn sông nhỏ nữa. Điều này cắt nghĩa một cách dễ dàng cho bất cứ ai cũng hiểu ra, tại sao TP HCM, mà trước hết là Quận 8, Quận 4, và một phần Quận 7, lại cứ ngập hoài, càng chống càng ngập. Còn hai nguyên nhân tiếp theo nữa mà trong một tương lai không xa, mọi người sẽ thấy rõ…

Một tương lai khó lường!

 
Một cảnh ngập nước ở TPHCM (Ảnh: VietNamNet).

Nguyên nhân thứ ba, Phía Nam TP.HCM là vùng “Đô thị bán ngập triều”. Công ty PMH đã quên hay cố ý quên rằng, việc thoát nước triều khi lên và xuống ngày 2 lần là hết sức quan trọng. Đã có khu đô thị hoành tráng PMH lại thêm con đường vững chãi Nguyễn Văn Linh, thực chất con đường là con đê, sẽ ngăn không cho triều lên. Tuy nhiên, ngăn làm sao được triều, nó sẽ đi vào các cửa lạch, sông, rạch và miệng cống . Hai tính huống sẽ diễn ra:

1- Khi nước triều lên. Vốn dĩ, xưa, khi chưa có khu đô thị PMH thì các con triều lên xuống điều hòa, mà ta quen gọi là “triều hiền”. Nay, chúng đã đang trở nên triều dữ. Lý giải rất giản đơn: Ta biết rằng, tổng lượng nước triều không đổi (còn tăng hơn do hiệu ứng nhà kính, khi nước biển dâng lên sau vài chục năm nữa) mà mặt cắt dòng truyền triều giảm bao nhiêu thì vận tốc “v” của dòng triều sẽ tăng lên bấy nhiêu, tuân theo công thức: m1. v1= m2.v2. (Vì sao? vì mặt cắt mênh mông của hồ điều hòa tự nhiên xưa, nay do đắp chắn, chỉ chừa lại một diện tích vô cùng nhỏ hẹp, nơi, dưới chân các cây cầu, cửa rạch mà thôi!).

Khi v tăng, làm cho động năng dòng chảy W lại tăng theo bình phương của v, qua công thức: W=mv2 /2. Nghĩa là, công trình PMH đã biến bãi triều hiền thành ra “dòng triều ác” . Và vì vậy, ta có thể lý giải dễ dàng vì sao càng ngày ta càng thấy hiện tượng lở bờ kênh, sập nhà xuống sông, rạch, thậm chí, mất cả một khoảng đất rộng xảy ra nhiều hơn!

2 – Khi triều lên là như vậy, nhưng khi triều xuống, khu đô thị PMH và con đường Nguyễn Văn Linh lại ngăn chặn, làm giảm tối đa khả năng thoát triều. Nếu như đúng vào lúc này có mưa lớn, nước mưa, nước thải TP sẽ cộng hưởng tác động, làm cho nội thị TP.HCM chìm trong bể nước vừa mặn có khả năng ăn mòn điện hóa cao, vừa bẩn, vừa ngập sâu, và mãi không thoát ra được. Khi nước thoát ra, nó sẽ tạo nhiều dòng chảy rối, tai hại khó lường. Ở điểm thứ hai này, liệu Công ty PMH đã trả nợ môi trường là bao nhiêu? Cũng cần có bài toán Kinh tế môi trường tính đủ, tính đúng.

Thứ tư, không hiểu Công ty PMH có tính đến khả năng nước biển dâng trong vòng 20 năm nữa, đô thi nổi tiếng, được ca ngợi hết lời này sẽ ra sao, khi nước triều mặn, phèn ngập thêm 30-50cm so với hiện nay? Dấu hiệu của sụt lún, ăn mòn điện hóa nay đã bắt đầu xuất hiện… Khi ngập thêm 30-50cm nữa thì khu đô thị PMH sẽ là vật cản trong dòng triều mới, nó tạo ra những dòng chảy triều rối mới trên vùng này, rất nguy hiểm: Thiệt hại này sẽ phải được tính ra bằng tiền qua bài toán kinh tế sinh thái.

Trước hết và dễ nhất là Công ty PMH phải tính toán, họ đã lấp, (đắp) bao nhiêu khối đất xuống vùng bưng này thì họ phải đào bấy nhiêu mét khối đất để làm hồ điều hòa nhân tạo dạng mở. Sau đó, hồ này sẽ tôn tạo thành hồ sinh thái. Kế đến, họ phải tính thiệt hai và đền bù cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng, số thiệt hại sau khi có PMH so với trước khi chưa có PMH, về tác hại ngập thêm, cùng với các thiệt hại dòng xoáy, độ mặn, phèn lên nhà, vườn, bờ kè sông, về lở đất và các sự thiệt hại khác.