Bạc Liêu: Chuyển dịch cở cấu để phát triển nông thôn

Cơ cấu nông nghiệp của Bạc Liêu đã có những chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa và nhu cầu của thị trường. Mức bình quân lương thực đầu người đạt 817 kg/năm, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho thị trường 200 nghìn tấn lúa hàng hóa.

Kết quả và những mặt hạn chế

Ở Bạc Liêu, đối với các cây trồng từng bước được chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa và phù hợp nhu cầu thị trường và lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng. Mặc dù thường xuyên phải đối mặt những thách thức về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, song ngành chăn nuôi vẫn phát triển khá cả về quy mô đàn, năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.

Tổng đàn lợn 254.200 con, với thời gian nuôi bốn, năm tháng có trọng lượng xuất chuồng từ 90 – 100 kg/con. Chăn nuôi động vật hoang dã phát triển khá mạnh, nhất là nuôi cá sấu đạt quy mô 95.000 con. Ðây là những vật nuôi mới được đưa vào nuôi trong những năm gần đây, đã góp phần đa dạng hóa giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc và gia cầm.

Thâm canh trở thành xu hướng chủ đạo trong nền nông nghiệp với việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới về giống, quy trình canh tác và chế biến sản phẩm. Việc thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình như Chương trình ba giảm, ba tăng, Chương trình lúa chất lượng cao (đạt hơn 71% diện tích gieo trồng).

Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất tổng hợp, sản xuất đa canh trên nền đất lúa như : Mô hình tôm – lúa (20.300 ha), lúa + cá (1.300 ha), lúa – màu (1.300 ha) cho doanh thu từ 40 – 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 20 – 30 triệu đồng/ha… Nghề muối Bạc Liêu cũng có sự chuyển biến tích cực trong việc thay đổi tập quán sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng chất lượng cao (chiếm hơn 20% tổng sản lượng muối), đã tạo nên thương hiệu muối Bạc Liêu nổi tiếng trong và ngoài nước và cung cấp cho thị trường trên 60 nghìn tấn muối hàng hóa.

Diện tích sản xuất kết hợp (muối – cá kèo; muối – tôm, cua cá) luôn giữ ở mức 80% diện tích muối và phát triển ổn định, lợi nhuận thu được từ 20 – 30 triệu đồng/ha, đã làm giảm áp lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất muối sang nuôi tôm sú…

Tuy nhiên, hiện nay, ở Bạc Liêu vẫn còn không ít thách thức đối với sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Nền kinh tế còn phát triển ở trình độ thấp và đang trong quá trình chuyển đổi, sản xuất nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, với một nền sản xuất nhỏ, manh mún, không phù hợp yêu cầu đẩy mạnh thực hiện CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.

Việc chuyển dịch cơ cấu còn chậm và chưa đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả nhưng khó triển khai nhân rộng do còn có những bất cập giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tình trạng giảm sút tính chống chịu dịch bệnh ở một số giống cây trồng, vật nuôi đang làm cho việc phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi còn nhiều bất cập, khó kiểm soát…

Những giải pháp phát triển bền vững

Năm 2008, tỉnh phấn đấu giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp tăng hơn 3% so với năm 2007, với cơ cấu kinh tế hợp lý, trên cơ sở không ngừng nâng cao tính hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường sinh thái, đáp ứng được yêu cầu về chế độ dinh dưỡng cho mọi người dân ở Bạc Liêu.

Sản lượng lúa đạt 690.000 tấn, sản lượng cây thực phẩm 81.650 tấn, sản lượng trái cây các loại 35.600 tấn, đàn heo 264.500 con, đàn cá sấu 95.000 con, đàn gia cầm 1,39 triệu con, đàn trâu, bò 3.800 con, sản lượng muối 100.000 tấn, duy trì độ che phủ của rừng tập trung và cây lâu năm ở mức 10% diện tích tự nhiên…

Ðẩy mạnh quá trình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX và kinh tế trang trại để tạo điều kiện thích hợp cho việc đẩy mạnh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện các chương trình nâng cao năng suất đất đai, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các mô hình sản xuất kết hợp nông, lâm, ngư nghiệp phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư và lao động như: chương trình an ninh lương thực, thực phẩm, chương trình lúa chất lượng cao, chương trình ba giảm, ba tăng, chương trình khuyến nông…

Mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào mức độ vệ sinh, an toàn của nông sản, thực phẩm khi sử dụng. Phối hợp, đề xuất với các ngành chức năng trong việc thúc đẩy công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm rau quả để thúc đẩy ngành chăn nuôi và ngành sản xuất rau quả phát triển nhanh, bền vững.

Ða dạng hóa cơ cấu sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động nông thôn và tạo điều kiện cho việc định canh ổn định, giảm bớt sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị. Nghiên cứu để hình thành mạng lưới làm công tác tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển ngành nghề và các làng nghề truyền thống ở nông thôn, hạn chế khả năng gây ô nhiễm.

Hỗ trợ nhân dân trồng và bảo vệ rừng, sử dụng có hiệu quả đất rừng được giao khoán. Khuyến khích cải thiện đời sống thông qua sử dụng bền vững rừng và quản lý theo các nhóm cộng đồng dân cư. Trao các hợp đồng bảo vệ rừng cho các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm cộng đồng dân cư để bảo đảm công tác bảo vệ và quản lý phù hợp các khu rừng phòng hộ ven biển; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng do Nhà nước quản lý và các vườn chim tư nhân để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp (nông học, hóa học, cơ học…) và đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu. Phổ cập các mô hình canh tác hợp lý (lúa – màu; lúa – cá, tôm; rừng – tôm; tôm – rừng…) để thực hiện tuần hoàn hữu cơ trong đất; thực hiện quản lý tốt lưu vực để bảo vệ đất và nước, phát triển hệ thống thủy lợi, giữ cân bằng sinh thái và điều hòa các tác động lẫn nhau giữa ba tiểu vùng sinh thái trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực bán đảo Cà Mau.

Nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học về giống mới có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao, không bị thoái hóa, không làm tổn hại đến tính đa dạng sinh học. Mở rộng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái… và quy trình ba giảm, ba tăng trong sản xuất lúa.

Khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, phân bón phân giải chậm phục vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái. Bảo tồn nguồn gien giống cây trồng, vật nuôi của địa phương. Ðẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng và chống cháy rừng và các thảm họa môi trường liên quan việc mất rừng (xói lở bờ biển, triều cường, xâm nhập mặn…); khuyến khích việc nghiên cứu và áp dụng các tri thức bản địa trong việc sử dụng và bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông thôn.