Khát vọng từ… rác

Nhìn dáng tất tưởi xách chiếc cặp to tướng (trong đựng toàn tài liệu khoa học) đi như con thoi từ TP.HCM ra Đà Nẵng, Huế, bay ra Hà Nội, lên Cao Bằng, về Đồng bằng sông Cửu Long…, ít ai nghĩ Ngô Xuân Tiệc là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần đầu tư – phát triển Tâm Sinh Nghĩa – một Công ty chuyên “làm việc” với rác.

Triết lý về rác

Một lần, vô tình được nghe Ngô Xuân Tiệc nói chuyện về rác một cách say sưa, lập luận chặt chẽ như một nhà triết học. Rằng: Khi nền kinh tế phát triển thì kéo theo nó là rác thải. Cuộc sống tinh thần còn có rác, nói gì cuộc sống sinh học. Ô nhiễm môi trường – trong đó rác thải là nguy cơ thấy rõ hàng ngày – đang là vấn đề toàn cầu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của con người.

Rác – với tư duy mới hiện nay – đang là vấn đề bức xúc đe doạ sự tồn tại của con người, rộng ra là sự tồn tại của nhân loại, của mỗi quốc gia. Con người sinh ra rác và rác lại là thủ phạm làm hại con người. Cái vòng sinh tồn cứ quay, quay mãi từ khi con người có mặt trên trái đất này. Có điều ngày nay, cái vòng đó đang siết chặt cuộc sống của con người với mức độ nguy hiểm hơn…

Khi được hỏi: “Tại sao trong khi nhiều người đầu tư vào những ngành sang trọng và có nhiều lợi nhuận, thì ông lại lao vào… rác?”. Ngô Xuân Tiệc trầm ngâm: “Tôi đã nghiên cứu kỹ. Việc xử lý chất thải rắn đô thị ở nước mình chủ yếu thực hiện bằng 2 giải pháp là chôn lấp (khoảng 85% số đô thị áp dụng) và xây dựng các nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt rắn (khoảng 9% số đô thị áp dụng).

Việc chôn lấp chất thải rắn hiện nay tại các bãi chôn lấp rác rất ít hợp vệ sinh, bởi công nghệ xử lý nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp vẫn chưa hoàn thiện nên gây ô nhiễm thứ cấp đối với không khí, nguồn nước ngầm. Muốn xử lý rác thật tốt phải xây dựng những nhà máy xử lý rác thải, mà muốn có nhà máy xử lý rác hiện đại phải cần rất nhiều tiền đầu tư, thông thường thông qua việc sử dụng nguồn vốn ODA, lắp đặt theo công nghệ nước ngoài. Nhưng như thế thì tiến độ chậm, không những công nghệ không hoàn toàn phù hợp với tình trạng rác thải chưa qua phân loại đầu nguồn tại Việt Nam, mà lại khó thay thế, sửa chữa vận hành thiết bị. Ta đã khó sẽ càng thêm khó. Còn về đầu tư kinh doanh, nói thật, những gì người ta chưa làm thì tôi làm, vậy thôi”.

Tiệc có vẻ có “duyên” với rác, vì vừa luôn phải bận tâm đến nó vừa muốn nó… sợ mình. Tiệc thường cười hiền lành. Nhưng đứng giữa những bãi rác tít tắp bốc mùi nào đó thì cái vẻ hiền lành của Tiệc biến mất, thay vào đó là vẻ mặt đăm chiêu như thể là mình đang sắp phải chiến đấu với ai đó, có lúc lại loé lên những ánh mắt vui sướng như vừa tìm ra cái gì đó để “khống chế” rác. Rác – với nhà đầu tư – không chỉ là đối tượng, mà còn là nguồn nguyên liệu vô tận đẻ ra tiền.

Sản phẩm của trí tuệ người Việt

Nói không ngoa rằng Ngô Xuân Tiệc là một trong những “khắc tinh” của rác. Công việc của Công ty anh là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý rác thải rắn theo mô hình “an sinh” với hệ số an toàn, hiệu quả cao và rất… Việt Nam. Không phải ban đầu ai cũng tin anh. Nhưng thời gian qua đi, cái gì được cuộc sống chấp nhận sẽ tồn tại, nó như cách anh chấp nhận công việc của mình là nhìn, sờ mó rác, nghĩ cách biến rác thành cái có ích cho cuộc đời. Cách mày mò của Tâm Sinh Nghĩa không phải là cách mày mò húc đầu vào đá.

 
Lãnh đạo Công ty và Hội đồng cố vấn khoa học tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương – Huế.

Một số nhà khoa học hàng đầu trong nước đã tận tình đứng chung chiếc thuyền với Tâm Sinh Nghĩa, nghiên cứu tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các nguồn rác thải. Bắt đầu là dây chuyền xử lý nước thải trong ngay trụ sở Công ty tại 402-404 Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình, TP.HCM. Cuộc mày mò có lúc tưởng bế tắc. Tiền đổ vào như nước đổ vào thùng không đáy. Thế rồi cũng đến ngày thành công. Không có gì sung sướng bằng sự thành công của chính mình sau nhiều ngày mong đợi, hy vọng rồi thất vọng, rồi lại hy vọng.

Công nghệ xử lý chất thải rắn, tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu chôn lấp, bảo đảm vệ sinh môi trường của Tâm Sinh Nghĩa đã được áp dụng là công nghệ Ansinh-ASC tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương-Huế (Thừa Thiên-Huế). Công nghệ này đặc biệt phù hợp với điều kiện xử lý rác tươi chưa được phân loại từ nguồn như hiện nay.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật đánh giá các công nghệ xử lý rác thải Ansinh-ASC của Tâm Sinh Nghĩa. Thành phần hội đồng gồm đại diện các bộ liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chất thải rắn. Hội đồng đã tiến hành khảo sát tại thực địa và tổ chức hội thảo đánh giá công nghệ.

Hầu hết các thành viên đều đánh giá cao về hiệu quả công nghệ xử lý rác của Tâm Sinh Nghĩa được đầu tư phù hợp với điều kiện trong nước, giá thành thấp hơn công nghệ nước ngoài được đầu tư từ nguồn vốn ODA đang áp dụng tại Việt Nam.

Với công nghệ Tâm Sinh Nghĩa, rác thải sinh hoạt từ chỗ đang là thảm hoạ đối với con người, đã trở nên thân thiện, được chuyển hoá thành nguồn nguyên liệu và hàng hoá hữu ích cho cộng đồng. Xây dựng các nhà máy theo công nghệ Ansinh-ASC cho ra các sản phẩm từ rác là phân hữu cơ, nguyên liệu hạt nhựa, lò đốt chất hữu cơ khó phân huỷ và gạch, đá, xà bần…

Riêng chất thải rắn nguy hại, sẽ được thu gom đưa đến nơi xử lý tập trung để bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Ưu thế về sản phẩm phân hữu cơ trước hết được tiêu thụ ngay tại địa bàn có nhà máy, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn góp phần cải thiện độ tơi xốp, màu mỡ của đất. Sản phẩm hạt nhựa nguyên liệu phục vụ làm nhựa tái chế, phục vụ cho ngành xây dựng (ống cống, xô chậu xây dựng, ván ép, tấm pallet, cốppha…) hoặc ngành nông nghiệp (cọc thanh long, cọc tiêu…).

Tiêu chí 3T mà công nghệ Ansinh-ASC theo đuổi phù hợp với quy luật tự nhiên của hệ cân bằng sinh thái đã hiện hữu trong tầm tay của ngành công nghiệp xử lý môi trường Việt Nam: Tái sinh mùn hữu cơ vi sinh để hoàn nguyên độ tơi xốp và khoáng chất dinh dưỡng hữu cơ cho đất canh tác mà phân bón hoá học và thuốc trừ sâu đang huỷ hoại; tái chế phế thải trơ, biến chúng thành nguồn nguyên liệu và sản phẩm hữu dụng cho đời sống và công nghiệp; tránh chôn lấp, tiến tới triệt để xoá bỏ các bãi chôn lấp – nguồn ô nhiễm đất.

Từ công nghệ được công nhận độc quyền của Tâm Sinh Nghĩa, gần đây Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác áp dụng các công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận cho các địa phương trong cả nước”.

Khát vọng từ… rác

Cho đến nay, Tâm Sinh Nghĩa được đánh giá là một doanh nghiệp hàng đầu sáng chế công nghệ và thiết bị phù hợp với điều kiện Việt Nam, để xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa qua phân loại tại nguồn.

Ngày 29/01/2008, Bộ Xây dựng đã cấp giấy chứng nhận số 158/ QĐ-BXD, chứng nhận công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp cho công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Như vậy, công nghệ xử lý rác thải rắn của Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ trong nước đầu tiên và duy nhất hiện nay đã được nghiên cứu hoàn thiện, đồng bộ, khép kín, tương đối tiên tiến và hiện đại, đứng hàng đầu phù hợp với điều kiện rác thải Việt Nam, đã được cấp giấy chứng nhận và được phép chuyển giao công nghệ để áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Công nghệ Tâm Sinh Nghĩa đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Hiện tại, Tâm Sinh Nghĩa đang triển khai các dự án: Nhà máy xử lý và tái chế rác thải công suất 1.000 tấn/ngày tại TP.HCM; nhà máy xử lý chất thải rắn tại TP.Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang công suất 200 tấn/ngày; nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 200 tấn/ngày tại tỉnh Cao Bằng…

Cũng với các nhà máy xử lý rác trước đó, tưởng rằng Ngô Xuân Tiệc sẽ hài lòng. Nhưng không. Vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải càng trở nên cấp bách hơn khi chúng ta đã bước vào sân chơi WTO. Mục tiêu của Tâm Sinh Nghĩa từ nay đến năm 2012 là xây dựng khoảng vài chục nhà máy xử lý rác thải trên cả nước theo đúng đề án quy hoạch của Chính phủ, đảm bảo tổng công suất xử lý hàng năm trên 8 triệu tấn rác thải, chiếm 70% tổng lượng rác thải phát sinh trên cả nước…

“Tôi hơi “tham” việc. Mà “đất” còn mênh mông lắm. Tôi muốn Tâm Sinh Nghĩa sẽ phát triển các công nghệ tái tạo hữu cơ cho đất bạc màu, công nghệ phủ xanh đất trống đồi trọc, công nghệ xử lý các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường và công nghệ xây dựng phát triển “Cơ chế phát triển sạch” (Clean Development Mechanism – CDM). Hơi to tát nhưng tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động giải quyết các vấn đề môi trường” – Ngô Xuân Tiệc nói, trong khi ánh mắt nhìn như xác nhận đó là sứ mạng mình phải làm.

Ai cũng có khát vọng. Ngô Xuân Tiệc cũng vậy, nhưng khát vọng của anh hơi khác mọi người khi anh đến với rác, ghét nó nhưng cũng phải gần với nó. Rác ban đầu làm anh sợ, nhưng rác làm anh có khát vọng khống chế nó. Lợi nhuận đối với nhà đầu tư bắt buộc phải có, nhưng với Ngô Xuân Tiệc thì không phải là tất cả. Ẩn chứa đằng sau những “cuộc chiến” với rác là một ý chí lấp lánh: Làm cái gì đó cho đời!