Lễ hội Nào Sồng của người Mông

Người Mông có một lễ hội đầu năm hết sức đặc biệt, đó là cả bản cùng nhau ăn thề bảo vệ rừng.

Phong tục này có từ rất xa xưa. Trải qua bao thời gian, nét đẹp của ý thức đoàn kết gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, sinh thái môi trường vẫn luôn được người Mông lưu giữ. Ngày nay, lễ ăn thề – tiếng Mông gọi là “nào sồng” hoặc “nào lồng” vẫn được đồng bào tổ chức vào ngày Thìn đầu tháng Giêng hoặc ngày 02/02 âm lịch.

Lễ ăn thề được tổ chức trên một đỉnh núi cao, nơi mà già bản chọn làm đất thiêng của vùng. Theo kinh nghiệm dân gian, ngày này mà có mưa phùn tức là cả năm mùa màng sẽ thuận lợi, cây cối sẽ tốt tươi, lúa, ngô sẽ cho thu hoạch tốt.

Một phần việc hết sức quan trọng của buổi lễ là sửa sang bàn thờ, quét dọn, rãy cỏ xung quanh miếu thờ nơi đỉnh núi. Già làng và những người có uy tín làm công việc trang trí lại bàn thờ. Và tiền vàng mã để thiết kế nên khung cảnh thiên địa, mà tầng trên tượng trưng cho trời, tầng dưới tượng trưng cho đất. Ở giữa tầng trời có hoa văn biểu hiện mặt trời, hai bên có hoa văn biểu hiện cho các vì sao.

Người Mông dùng một thứ vỏ cây, giã dập ra để làm keo dán giấy lên tường và gỗ. Thứ keo đặc biệt này được gọi là “bla”, tức là cây dính. Trong khi việc trang trí được tiến hành, thì ở mảnh đất thấp hơn bên cạnh, các trai làng đã nhóm lửa bếp lò, đặt chảo nước để tiến hành mổ lợn.

Trong lễ này, người Mông dùng một con gà béo và một con lợn khoảng 60 kg để cúng cho các thần. Theo quan niệm dân gian, lễ này gọi về bốn vị thần cai quản việc đất đai, núi rừng, thời tiết, đồng ruộng mùa màng, bảo vệ sức khỏe cho con người và gia súc, gia cầm. Mỗi gia đình trong bản có một người đàn ông làm đại biểu. Không chỉ là lễ cúng đơn thuần, ở đây còn diễn ra việc ký kết quy ước về văn hóa, về sản xuất, bảo vệ rừng, thống nhất việc làm ăn trong cả năm.