Du lịch đất ngập nước và xóa đói giảm nghèo (Kì 2)

ThienNhien.Net – Hiện nay trên thế giới có hàng triệu người phải dựa vào các vùng đất ngập nước (ĐNN) để đảm bảo sinh kế và lương thực cho bản thân. Thực tế cho thấy ở những nơi ĐNN đang suy thoái thì ở đó sẽ xảy ra vòng luẩn quẩn đói nghèo. Phát triển du lịch (DL) được coi như một giải pháp khả thi để phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn việc nảy sinh những vấn đề môi trường xã hội mới tại những vùng đất mà nó cần bảo vệ.

Đất ngập nước, đói nghèo và du lịch (Kỳ 1)

Sự tồn tại cũng như thu nhập của rất nhiều người nghèo phụ thuộc vào nguồn hàng hoá và dịch vụ từ các vùng ĐNN. Do đó, hiện tượng suy thoái ĐNN đe doạ tới sinh kế của họ và khiến họ không còn chỗ nương tựa. Điều này dẫn tới nạn khai thác quá mức các vùng đất ngập nước và do đó nghèo đói lại trở thành một nguyên nhân của hiện tượng suy thoái đất ngập nước. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là DL giúp bảo tồn thiên nhiên như thế nào mà quan trọng hơn DL có thể đồng thời giúp ích cho việc bảo tồn thiên nhiên và giảm nghèo ra sao. Vấn đề đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong vài năm trở lại đây.

 Đất ngập nước
Du lịch vì người nghèo là du lịch tạo ra lợi ích thực cho người nghèo. (Ảnh: Wetland International)

Du lịch vì người nghèo là ngành DL tạo ra lợi ích thực cho người nghèo, đó có thể là lợi ích về kinh tế và môi trường hay lợi ích về xã hội và văn hoá. Chúng ta không nên xem DL vì người nghèo là một sản phẩm hay một lĩnh vực cụ thể của ngành DL mà cần phải tiếp cận một cách toàn diện. Các chiến lược du lịch vì người nghèo tập trung cụ thể vào việc mở ra các cơ hội cho người nghèo. Mức độ tập trung và quy mô của các sáng kiến DL vì người nghèo rất đa dạng: từ việc đưa DL vào các chiến lược giảm nghèo quốc gia tới việc tổ chức các dự án DL quy mô nhỏ với sự giúp đỡ của cộng đồng; từ việc tạo mối liên hệ giữa các công ty DL Quốc tế và người nghèo đến việc xây dựng năng lực, cung cấp sự hỗ trợ về kỹ thuật và tập huấn.

Người nghèo có thể được hưởng lợi ích gì từ DL:

Theo tổ chức DL Thế giới, có ít nhất 7 cách để người nghèo có thể thu được lợi ích kinh tế từ DL. 
– Việc làm: họ có thể làm việc cho các công ty kinh doanh DL, dịch vụ ( khách sạn, các khu nghỉ mát cao cấp, các công ty lữ hành, điểm thu hút khách DL và các dịch vụ DL) 
– Cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho các công ty DL: trong quá trình tiến hành các biện pháp nhằm tối đa hoá tỷ lệ chi tiêu của khách DL (số tiền này sẽ được giữ lại cho cộng đồng địa phương) và thuê người nghèo làm việc trong “chuỗi cung ứng” để tăng thêm những lợi ích kinh tế cho chính bản thân họ. 
– Bán trực tiếp hàng hoá và dịch vụ cho khách DL: tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo rằng người nghèo có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách bán trực tiếp các sản phẩm và hàng hoá cho khách du lịch, ví dụ: mở các quầy hàng bán đồ ăn hay hoa quả, làm đồ thủ công hay hướng dẫn du lịch , vận chuyển khách du lịch bằng taxi và thuyền, cho thuê chỗ ở. 
– Thành lập và điều hành một công ty DL: tiến hành các biện pháp nhằm khuyến khích người dân địa phương kinh doanh du lịch ở mức độ cá nhân hay tập thể. 
– Thuế hay tiền thu từ việc đánh thuế du lịch có thể làm lợi cho người nghèo: ngân sách của nhà nước hay chính quyền địa phương (bao gồm tổng thu nhập, thuế kinh doanh và phát triển cũng như các loại phí liên quan tới du lịch như thuế đi lại, thuế ăn ở, lệ phí làm visa) có thể được dùng để giảm nghèo. 
– Nguồn hỗ trợ và trao tặng tự nguyện: tiến hành các biện pháp nhằm tăng lượng hỗ trợ tự nguyện từ khách du lịch hay các công ty DL cho các cộng đồng có người nghèo. 
– Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: để phát triển DL cần có sự đầu tư vào các cơ sở hạ tầng mới như đường xá, nguồn cung cấp nước, năng lượng, vệ sinh và liên lạc. Cùng với việc lập kế hoạch một cách cẩn thận thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể mang lại những lợi ích ròng cho người nghèo trong vùng.


Du lịch nội địa hay du lịch quốc tế

Ở một số nước như Trung Quốc, Bra-xin hay Ấn Độ, DL nội địa có vị trí quan trọng hơn DL quốc tế. Mặc dù DL quốc tế vẫn đang tăng trưởng cao ở mức 4,5% nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện ngoài tầm kiểm soát. Những cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới, thiên tai hay bệnh dịch có thể tác động nghiêm trọng đến quy mô và định hướng của ngành DL quốc tế. Hơn nữa, các chặng DL dài phải dùng máy bay cũng tác động nhiều đến môi trường và góp phần đáng kể vào thảm họa nóng lên toàn cầu và suy giảm tầng ô-zon. Mặc dù vậy, nhiều nước vẫn ban hành những chính sách chỉ nhằm vào phát triển du lịch quốc tế.

Tuy nhiên DL vì người nghèo đạt được hiệu quả cao nhất khi nó không phụ thuộc vào du lịch quốc tế mà hòa nhịp được với sự phát triển của du lịch địa phương, đồng thời tạo được sự kết nối giữa người nghèo với các nhân tố chủ chốt của ngành DL địa phương.

Phát triển kinh tế tư nhân hay dựa vào cộng đồng?

Phát triển DL vì người nghèo đã vượt khỏi khuôn khổ du lịch dựa vào cộng đồng. DL vì người nghèo yêu cầu phải có những cơ chế mở ra cơ hội cho người nghèo ở mọi cấp độ và phạm vi họat động, trong khi những sáng kiến dựa vào cộng đồng chỉ là một thành phần của phát triển du lịch bền vững vì người nghèo. Việc điều hòa mối quan hệ giữa DL với bảo tồn ĐNN và xóa nghèo không chỉ bó gọn trong phạm vi một cộng đồng.

Đất ngập nước
Nhiều dự án du lịch dựa vào cộng đồng bên cạnh những thành tựu còn có những thất bại. (Ảnh: Wetland International)

Trong hai thập kỷ qua, nhiều dự án du lịch dựa vào cộng đồng đã đạt được những thành tựu đáng kể, mặc dù bên cạnh đó cũng có những dự án thất bại. Những chiến lược du lịch dựa vào cộng đồng nhằm tạo ra những lợi ích thực cho người nghèo phải đối mặt với những trở ngại khi gia nhập nền kinh tế như thiếu kỹ năng và tổ chức, hiểu biết về du lịch còn ít, chất lượng sản phẩm kém và xâm nhập thị trường còn hạn chế. Những chiến lược như vậy thường xuất phát từ cung chứ không phải cầu của thị trường. Chẳng hạn như việc quá chú trọng xây dựng nhà nghỉ, một công việc đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dịch vụ duy trì tốt.

Điều đó đã tạo ra những sản phẩm du lịch không thể đứng vững được và không quảng bá được những sản phẩm tiềm năng ra thị trường. Nếu những dự án DL bền vững vì người nghèo muốn thành công trên phương diện thương mại, chúng cần phải thành công trong thị trường DL mang tính cạnh tranh. Cách tốt nhất là thiết lập mối quan hệ hiệu quả với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các đại lý du lịch, các chủ tour và chủ khách sạn. Có thể hỗ trợ họ thêm bằng cách cung cấp các khoản tín dụng nhỏ hay hỗ trợ việc phát triển, phân phối sản phẩm .

Tạo mối liên kết

Mục đích của việc hình thành nên các mối liên kết là nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu trong ngành DL, thay thế sản phẩm nhập từ nơi khác bằng các sản phẩm, dịch vụ của chính địa phương. Khi các mối liên kết tốt sẽ thúc đẩy du lịch vì người nghèo.

Có hai kiểu liên kết. Kiểu thứ nhất là liên kết trong ngành, tập trung vào các dịch vụ có gắn với DL, như dịch vụ vận chuyển, giới thiệu bổ sung các tuyến/điểm du lịch địa phương vào hành trình du lịch có sẵn của khách, bán đồ lưu niệm, hay dịch vụ trông trẻ, cho thuê xe đạp… Kiểu thứ hai là liên kết đa ngành, tức liên kết phát triển nhiều ngành kinh tế khác nhau trong cùng một khu vực. Hình thức liên kết này mới thực sự là yếu tố quan trọng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển và tránh tình trạng đẩy địa phương rơi vào tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một ngành độc quyền. Thực tế đã cho thấy việc liên kết phát triển song song du lịch – nông nghiệp có thể đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương, mặc dù cũng có những thách thức và khó khăn nhất định.

Từ du lịch đến du lịch bền vững

Nghèo đói được coi là động cơ dẫn tới suy thoái các vùng đất ngập nước. Do đó, DL có thể là một công cụ quan trọng cho xóa đói giảm nghèo và bảo tồn ĐNN. Tuy nhiên tập trung vào xóa đói giảm nghèo cũng cần đảm bảo rằng DL không ảnh hưởng tới môi trường, văn hóa. Bên cạnh đó, du lịch bền vững cũng phải dựa trên các mục tiêu, chiến lược cụ thể và cần có sự đánh giá về các tác động, chi phí, lợi ích khác nhau trên diện rộng tập trung vào các vấn đề then chốt như các loại hình du lịch đã phát triển, các nguyên tắc lập kế hoạch, tình hình thị trường, đất đai, vốn và các khóa tập huấn.

Đất ngập nước
Phát triển du lịch cần có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau. (Ảnh: Wetland International)

Phát triển DL bền vững cần có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau. Chính phủ, các công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và bản thân những người nghèo đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững vì người nghèo ở các vùng đất ngập nước. Do đó, điều hóa vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo tồn thiên nhiên và lợi ích của các thành phần tham gia với sở thích của du khách là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà chìa khóa duy nhất là tìm cách hợp nhất các vấn đề kĩ thuật vào quá trình lập kế hoạch với sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan. Đây sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của du lịch bền vững vì người nghèo.

Ở cấp quốc gia, các chính phủ có thể tích nhất du lịch bền vững vì người nghèo vào trong các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo hay ngược lại, đồng thời đưa ra các chính sách du lịch và các chiến lược kinh doanh nhỏ…Các công ty tư nhân có thể trực tiếp tham gia vào các dự án của các tổ chức phi chính phủ và nên có trách nhiệm mở rộng mối liên kết trong và ngoài khu vực. Bản thân những người nghèo – yếu tố quyết định sự phát triển du lịch bền vững vì người nghèo cần thành lập các tổ chức của riêng mình để tham gia vào quá trình này một cách hiệu quả. Các tổ chức phi chính phủ là một chất xúc tác quan trọng và có thể tập hợp các đối tượng liên quan. Cuối cùng, để tạo lập nên ngành du lịch bền vững vì người nghèo, các thành phần đối tượng cần làm việc với nhau để tìm ra các giải pháp thích hợp và thống nhất các ý kiến. 
                                                                                            
                                                                                       ***

Như vậy, mối liên hệ phức tạp giữa ĐNN, xóa đói giảm nghèo và phát triển DL bền vững là hiển nhiên. Tuy nhiên các cơ hội phát triển DL nên được cân nhắc một cách thận trọng. Các trung tâm và các chuyên gia muốn thúc đẩy du lịch đất ngập nước như một phần trong kế hoạch quản lý của họ cần đánh giá về khả năng gia tăng các nguồn vốn cho DL. Nhiều nhà quản lý có xu hướng đánh giá cao các lợi ích và đánh giá thấp các chi phí của mô hình này. Phát triển du lịch bền vững vì người nghèo vẫn chưa được kiểm chứng và hiện vẫn chưa có một kế hoạch chi tiết nào. Tuy nhiên, các dự án và công trình nghiên cứu mô hình du lịch bền vững vì người nghèo trên khắp thế giới luôn là những bài học lớn mà chúng ta cần phải học một cách có chọn lọc.

Tóm lại:
– Phát triển du lịch vì người nghèo nên bao gồm một chuỗi các hoạt động từ lớn đế nhỏ bao gồm phát triển sản phẩm, kế hoạch, tiếp thị, đầu tư, phân chia khu vực, quản lý môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo.
– Các vấn đề địa phương: du lịch bền vững vì người nghèo có thể phát triển tốt nhất ở những nơi đang phát triển DL tốt và những nơi có thể phát triển mối liên kết hiệu quả giữa người nghèo với các hoạt động DL chủ yếu.
– Bảo đảm khả năng phát triển thương mại là một ưu tiên.
– Các lợi ích phi thương mại cũng rất quan trọng: sức khỏe, bảo tồn, giáo dục…
– Sự thống nhất giữa các cổ đông là một điều cần thiết nhưng tốn thời gian và đòi hỏi khắt khe
– Phát triển du lịch bền vững vì ng nghèo là một quá trình đầu tư lâu dài cần được quản lý phát triển các lợi ích ngắn hạn
– Nguồn vốn đầu tư bên ngoài là cần thiết để phát triển.
– Đánh giá tính khả thi và xác thực của phát triển DL bền vững vì người nghèo trên tất cả các phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường trước khi tiến hành dự án. Nó sẽ chỉ ra rằng phát triển du lịch đất ngập nuớc nên được tiến hành như thế nào và trong những điều kiện gì. Điều này cũng các nhà lập kế hoạch nhận thức được tiềm năng và các rủi ro của loại hình DL này.

Các dự án thử nghiệm, các nghiên cứu chuyên sâu, các chính sách hợp lý, các mối liên kết và tất cả sự đầu tư lâu dài đã nói ở trên đều cần thiết. Với nhiều hơn nữa các kinh nghiệm và kết quả thu được từ các hoạt động này, nó có thể góp phần vào các việc đạt được các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ bằng cách hợp nhất quản lý đất ngập nước bền vững vào các chiến dịch xóa đói giảm nghèo và nắm bắt các cơ hội mà phát triển DL bền vững mang lại.