Khi mưa không thuận

ThienNhien.Net – Những cơn mưa trái mùa ngày 19/3 tại một số nơi ở khu vực Tây Nguyên không làm dịu tình hình thiếu điện đang nóng dần khi mùa khô năm nay đang tiến tới giai đoạn đỉnh điểm. Vấn đề thiếu điện được làm nóng hơn bởi các thông tin liên tục được phát đi trực tiếp từ chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thông qua các cuộc họp liên quan thời gian gần đây.

Thông tin mới nhất về căng thẳng cung điện mùa khô đến từ cuộc họp ngày 18/3 của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải với các bộ, ngành, các doanh nghiệp trong ngành điện. Theo đó, sản xuất điện đang căng kéo và một trong những nguyên chính là do sự sụt giảm mạnh nguồn cung từ các nhà máy thủy điện.

Các bản tin thời sự được phát trên các đài truyền hình cũng cho thấy tình hình khó khăn trong cung ứng điện mùa khô 2013 khi mực nước tại các hồ thủy điện, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hiện đều thấp hơn dự báo đầu năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều dòng sông cũng đang cạn dần và trơ đáy.

Số liệu từ báo cáo của Bộ Công Thương, EVN cho thấy lưu lượng nước tại các hồ thủy điện thuộc khu vực đang bị hạn nặng Tây Nguyên như Yaly, Pleikrông, Buôn Kuôp thấp hơn từ 11- 84%. Còn mực nước tại các hồ thủy điện ở khu vực phía Bắc, phía Nam cũng thấp hơn ngoài dự báo. Tính đến ngày 15/3, tổng sản lượng thủy điện còn lại trong các hồ khoảng 5,8 tỉ kWh, theo Chinhphu.vn.

Ảnh minh họa: Tạp chí Công nghiệp
Ảnh minh họa: Tạp chí Công nghiệp

EVN cho rằng, tình hình hạn hán tại miền Trung và Tây Nguyên đến sớm đã khiến thủy điện thiếu khoảng 15 tỉ m3 nước, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 1,4 tỉ kWh. Để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, nói tại buổi họp báo về tình hình sản xuất của ngành công thương 2 tháng đầu năm 2013, rằng ngành điện sẽ phải tăng sản xuất điện bằng dầu FO và DO, có thể lên đến hơn 1,1 tỉ kWh cho mùa khô năm nay, với giá thành khoảng 5.000 đồng/kWh.

Việc thiếu nguồn cung từ các nhà máy thủy điện không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu của EVN (do phát điện bằng dầu với giá thành cao) mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt cạnh tranh của nền kinh tế, các hoạt động của người dân, của doanh nghiệp. Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên việc thiếu nguồn cung điện diễn ra mà tình trạng này luôn xảy ra trong các năm khi mưa không thuận, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung từ các nhà máy thủy điện, hiện đang chiếm phần lớn nhất (gần 40%) trong cơ cấu sản xuất điện.

Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh nguồn cung từ thủy điện thường không ổn định vào mua khô do công suất của các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Tuy nhiên, đầu tư vào nguồn điện này vẫn thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc cả nhà nước và tư nhân vì giá thành rẻ nhờ các nguồn nước sẵn có tự nhiên. Còn nhớ, mới vài tháng trước đây ngành điện tổng kết năm 2012 trong hoan hỷ, khi cơ bản đã đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là giai đoạn mùa khô trong cùng năm được cho là tương đối có “mưa thuận gió hòa” và EVN công bố lãi hàng ngàn tỉ đồng.

Khi EVN công bố lãi lớn cho năm 2012 thì cũng trong năm này, việc rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, ngừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng đã góp phần không làm căng thẳng thêm nguồn cung điện. Song, năm nay đã khác khi hạn hán lại đến, EVN liên tục phát ra thông tin là sẽ thiếu điện, dù khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa qua. Hiển nhiên, các hoạt động, nguồn thu của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu cúp điện xảy ra.

Cho đến thời điểm này, EVN chưa công bố lịch cúp điện trên diện rộng nhưng những thông tin được tập đoàn này phát đi liên tục trong thời gian gần đây cho thấy viễn cảnh “cúp điện mùa khô” đang đến rất gần. Minh chứng cho điều này là mới đây, chính Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã thông báo đến 6.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực này cần có phương án giảm bớt sản xuất để giảm 10-15% lượng điện tiêu thụ trong trường hợp nguồn cung điện thiếu hụt.

Dù không đồng tình, các doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện đúng như tinh thần trên vì khi EVN đã cắt giảm điện thì họ cũng chẳng thể mua điện từ nhà cung cấp nào khác tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ phải tự chịu thiệt hại do thiếu nguồn cung điện từ EVN gây ra, và chắc chắn thiệt hại của doanh nghiệp sẽ rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đang tăng việc thực hiện các đơn hàng mà họ đã nỗ lực ký được ngay trong lúc thị trường đang rất khó khăn.

Những cơn mưa trái mùa ngày 19/3 tại một số nơi ở Tây Nguyên củng cố thêm ý kiến của các chuyên gia cho rằng diễn biến thời tiết ngày một trở nên khó dự báo. Ngoài ra, việc có thêm các đập thủy điện được xây dựng ở các nước có phần thượng nguồn của các con sông chảy vào Việt Nam ngày càng ảnh hưởng đến nguồn nước cho các công trình thủy điện tại Việt Nam, nhất là vào giai đoạn mùa khô.

Hơn lúc nào hết, EVN buộc phải tăng tốc kế hoạch đa dạng nguồn sản xuất điện để phần nào hạn chế tình trạng “mùa khô thiếu điện”, giảm thiệt hại cho nền kinh tế, đồng thời Chính phủ cũng cần có thêm chính sách để hỗ trợ cho một thị trường phát điện cạnh tranh thật sự nhằm thu hút thêm đầu tư vào các các dự án điện, đặc biệt là sản xuất điện và dành ưu tiên cho các nguồn điện sạch, ổn định.

Riêng EVN đã có chiến lược phát triển công nghệ điện lực thì tập đoàn này cũng nên đẩy nhanh kế hoạch thực hiện, sử dụng hiệu quả khoản lãi của năm 2012 cũng như các nguồn vốn khác nhằm nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào thủy điện như hiện nay. Có như vậy, EVN mới có thể giải quyết được bài toán “mùa khô thiếu điện”, thể hiện được vai trò của một trong những “cơ sở thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam góp phần tạo cơ sở hạ tầng và động lực phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác, nâng cao đời sống xã hội…”.

Theo Bình Nguyên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 20/03/2013

Lo thiếu điện, EVN mua trên 3,6 tỷ kWh từ Trung Quốc

ThienNhien.Net – Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa có cuộc họp với Văn phòng Chính phủ về cung ứng điện mùa khô 2013. Theo EVN, điện mùa khô năm nay khá căng thẳng.

Dự kiến tổng sản lượng điện năm nay là 113 tỷ kWh, trong đó, sản lượng điện mùa khô là 64 tỷ kWh điện; công suất lớn nhất dự kiến 20.580MW. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là nguồn thủy điện không thuận lợi. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m3, tương đương 1,43 tỷ kWh.

Với tình trạng này, riêng các các tỉnh miền Nam sẽ thiếu 9,178 tỷ kWh (mùa khô thiếu 2,305 tỷ kWh). Với mục tiêu không để xảy ra tình trạng tiết giảm phụ tải năm 2013, EVN đã có kế hoạch tiếp tục mua điện từ Trung Quốc trên 3,6 tỷ kWh. EVN cũng dự kiến sẽ phải huy động 1,57 tỷ kWh chạy dầu FO và DO, trong đó mùa khô là 1,113 tỷ kWh.

Theo tính toán, để sản xuất ra 1kWh điện bằng dầu sẽ phải chi phí từ 4.500 – 4.800 đồng/kWh, trong khi giá bán điện trung bình hiện nay là 1.400 đồng/kWh. Nếu phải huy động sản lượng điện chạy dầu với giá dầu như hiện nay là 17.650 đồng/kg, chi phí phát sinh của EVN sẽ tăng lên trên 1.964 tỷ đồng.

Theo Mai Nguyễn/Dân Việt, 20/03/2013