Rau rừng: Mô hình rau an toàn mới

Khi vấn đề an toàn thực phẩm có liên quan đến rau xanh được đặt ở mức báo động thì vừa qua, sáng 10/05, giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn (RAT) đầu tiên của tỉnh Hà Tây được cấp cho Nhà máy thực phẩm Sannam Ba Vì.

Tỉnh Hà Tây với tổng diện tích gieo trồng rau hàng năm khoảng 20.000 ha, nhưng diện tích rau được kiểm soát, RAT lại rất thấp, chiếm khoảng 4%, tức 800 ha, còn lại hơn 96% nằm ngoài vùng kiểm soát.

Mặc dù từ năm 2006 đến nay, nhiều diện tích, đề án vùng trồng RAT đã được phê duyệt, quy hoạch, Sở NN&PTNT Hà Tây cũng đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất RAT, xây dựng nhiều kế hoạch nhưng kết quả cũng không mang lại là bao.

Diện tích đất trồng rau manh mún, nhỏ lẻ, bình quân đất trồng rau khoảng 360m2/hộ. Chính điều này đã dẫn đến những hạn chế hiện nay. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây – ông Nguyễn Duy Hồng cho biết: “Diện tích đất trồng RAT của Hà Tây hiện nay là quá ít. Việc sản xuất RAT dường như mới chỉ có các hộ.

Vì vậy, điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều người dẫn đến chất lượng không đồng đều, đặc biệt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau khó kiểm soát”. “Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất gặp không ít khó khăn, hợp tác xã (HTX) thì chờ đầu tư từ tỉnh, nhưng một số nơi được hỗ trợ cơ sở hạ tầng xong rồi lại nằm im gây lãng phí.

“Điều này xuất phát từ tình trạng đầu tư không đồng bộ, một số cơ sở thành lập HTX RAT song vẫn lúng túng, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ nhưng vẫn không tự tổ chức hoạt động được. Còn một số các HTX RAT hoạt động được thì kiểm tra thực chất việc hoạt động còn nhiều vấn đề”, ông Nguyễn Duy Hồng cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hồng, hiện có khoảng 10 HTX đang tiến hành gửi đơn xin cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất, sơ chế RAT, tỉnh cũng đã phê duyệt đầu tư theo dự án một số vùng, nhưng cái khó bây giờ, kinh phí để xin cấp giấy chứng nhận cũng là một khoản với người nông dân.

Hơn nữa, một số vùng sản xuất RAT nhưng lại chưa có nhà sơ chế, mà theo quyết định 106 của Bộ NN&PTNT, muốn được cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, sơ chế RAT bắt buộc cơ sở đó phải đảm bảo có đủ cả hai điều kiện. Do vậy, hiện nay một số nơi đang thiếu cơ sở sơ chế, phải hoãn việc cấp giấy chứng nhận.

Cho đến sáng 10/05, giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, sơ chế RAT đầu tiên của Hà Tây mới được cấp. Giấy chứng nhận được cấp cho Nhà máy thực phẩm Sannam Ba Vì thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Sannam.

Tuy nhiên, mô hình trồng RAT tại đây lại là một mô hình trồng rau rừng. Với khoảng 20 ha diện tích đất trồng rau, chủ yếu là các loại rau rừng: rau báng, tai voi, lưỡi hổ, càng cua… sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 5 này.

Song, do rau rừng còn khá mới lạ với người tiêu dùng, nên trong tháng 5, công ty mới chỉ cung cấp rau cho khoảng 100 khách hàng, phân phối theo thẻ khách hàng, và rau sẽ được mang đến tận nơi.

Lý giải về điều này, bà Dương Thúy Quyên – Giám đốc Maketting Công ty cổ phần thực phẩm Sannam cho biết: “Hiện diện tích đất trồng rau của công ty cũng chưa lớn, lượng sản xuất trong 1-2 tháng tới chỉ đáp ứng được khoảng 100 khách hàng. Bên cạnh đó, rau rừng tuy đã được đưa vào một số nhà hàng khá lâu, tín hiệu từ người tiêu dùng rất tốt, song đây lại là lần đầu tiên đưa ra thị trường”.

Ông Vũ Quang Huy – Giám đốc Nhà máy thực phẩm Sannam Ba Vì cho biết: “Ban đầu, chúng tôi thấy những người miền núi thường lấy những loại rau này về ăn, mà đặc điểm rau rừng rất dễ trồng, ít sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên đã mang đi phân tích. Kết quả, hàm lượng dinh dưỡng không kém những loại rau khác. Và, chúng tôi quyết định xây dựng mô hình rau rừng, rau tự nhiên. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng mô hình RAT, mà chủ yếu rau rừng ở Hòa Bình với 300 ha”.

Tại mô hình RAT của Sannam, mọi công đoạn đều được thực hiện bằng máy móc, với quy mô tập trung, sản xuất và tiêu thụ khép kín, từ cơ sở sản xuất sẽ được sơ chế, đóng gói và đến người tiêu dùng. Cùng với hình thức phân phối khá hiện đại, phát hành thẻ khách hàng kết hợp với thương mại điện tử.

Được biết, Công ty Sannamfood chỉ có một công ty Senmart độc quyền phân phối các loại rau rừng. Điều này khắc phục được những hạn chế trong các mô hình RAT trên cả nước hiện nay. Song, có thể nói các loại rau rừng từ mô hình RAT của Sannam hiện nay thuộc rau “cao cấp”, bởi giá của chúng cũng không hề rẻ chút nào, dao động từ 30.000-70.000đ/kg.