Tiêu dùng bền vững: Một thách thức cho thế giới

ThienNhien.Net – Chủ nghĩa tiêu dùng đang đánh dấu thời đại của chúng ta. Nhưng từ khi biến đổi khí hậu diễn ra, con người không thể tiếp tục khai thác những nguồn tài nguyên trên trái đất mà không nghĩ về tương lai. Câu hỏi lớn đặt ra là Làm thế nào để đạt được nhiều hơn mà tổn thất ít hơn hay một nói cách khác là làm thế nào để tiêu dùng bền vững?

Năm 1994, các nhà khoa học lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tiêu dùng bền vững. Theo đó, tiêu dùng bền vững là “việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang lại chất lượng sống tốt hơn mà không làm ảnh hưởng đến đến nhu cầu của thế hệ tương lai, tức là giảm tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại cũng như việc phát sinh chất thải và chất ô nhiễm”.

Nói một cách đơn giản, con người không thể tiếp tục khai thác tài nguyên trên hành tinh, xả thải, gây độc và ô nhiễm mà không suy nghĩ gì về tương lai và thế hệ sau này. Theo lời của Thị trưởng thành phố Seattle Hoa Kỳ hơn 250 năm trước: “Trái đất không thuộc về con người mà con người thuộc về trái đất. Mọi thứ gắn bó như máu thịt và kết nối tất cả chúng ta lại với nhau. Con người không dệt nên mạng lưới sự sống mà chỉ đơn thuần là một sợi tơ trong mạng lưới ấy. Do đó, bất kỳ điều gì ta làm với mạng lưới này tức là ta làm cho chính bản thân ta”. Cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng thường trích một câu ngạn ngữ châu Phi: “Trái đất không phải của chúng ta. Nó là kho báu mà chúng ta đang giữ trong niềm tin cho thế hệ tương lai”.

Triết lý như thế đã từng bị coi là ngờ nghệch hay duy tâm. Tuy nhiên, ngày nay khi sự biến đổi khí hậu đang gia tăng, những quan điểm đó đang ngày càng gần với yêu cầu của thế giới. Trong cuốn sách “Một thế kỷ tiêu dùng” (An All-Consuming Century) giáo sư sử học Mỹ Gary Cross đã đề cập đến hệ tư tưởng chiếm ưu thế cuối thế kỷ thứ 20 – cái được ông gọi là chủ nghĩa tiêu dùng. Cross định nghĩa chủ nghĩa tiêu dùng là “một tín ngưỡng mà hàng hóa đem lại ý nghĩa cho các cá nhân và vai trò của họ trong xã hội”. Chủ nghĩa tiêu dùng chỉ ra thời đại của chúng ta, và được phản ánh ở con số khổng lồ những chiếc ô tô, thiết bị điện tử, những bữa ăn nhanh, những chuyến đi nghỉ và vô số các loại hàng hóa và dịch vụ khác đang được một bộ phận ngày càng lớn dân số thế giới ước muốn, đòi hỏi và tiêu dùng.

Theo báo cáo của Viện Quan sát Thế giới “Hiện trạng thế giới năm 2004: Xã hội người tiêu dùng”, 1,7 tỷ người (27% dân số thế giới) đã “bước vào xã hội tiêu dùng”. Gần 1 nửa trong nhóm người tiêu dùng này hiện sống ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc. “Tiêu dùng” hay “chủ nghĩa tiêu dùng” đã đem lại cho hàng triệu người một cái nhìn mới về sự độc lập và đang trở thành thước đo thành tích cá nhân”. Tuy nhiên, tiêu dùng cũng liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên và những lựa chọn của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng nặng nề lên những người khác và toàn thể hành tinh. Trong báo cáo này, Chủ tịch Viện Quan sát Thế Giới Christopher Flavin viết:“Tiêu dùng tất nhiên là cần thiết cho sự sống con người và sinh vật, và nếu lựa chọn giữa việc là một phần của “xã hội tiêu dùng” hay nằm trong số 2,8 tỷ người ít ỏi đang sống chỉ nhờ vào không đến 2 đô la mỗi ngày thì câu trả lời thật dễ dàng. Sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu calo, chất lượng nhà ở, thiết bị gia đình và rất nhiều các tiện nghi khác trong nửa thế kỷ trước đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói. Song tiêu dùng trong nhóm người giàu có bậc nhất thế giới, và ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu những thập niên gần đây, đang vượt quá xa việc đáp ứng nhu cầu hay thậm chí là hoàn thiện giấc mơ thỏa mãn đến tận cùng quyền cá nhân”.

Việc “theo đuổi không giới hạn” của tiêu dùng đã “trả một cái giá đắt” mà rất có thể chính nó là sự tiêu dùng nhiều hơn nữa. “Tiêu dùng ngày nay làm tiêu tốn khối lượng không lồ các tài nguyên, rất nhiều trong số đó giờ đang bị sử dụng dưới mức bền vững”. Chỉ trong 50 năm qua, lượng nước ngọt được sử dụng trên toàn cầu đã tăng gấp ba, và nhiên liệu hóa thạch tiêu hao hết gấp 5 lần. Tài nguyên có thể tái tạo đang bị đe dọa đáng kể, từ mực nước ngầm giảm xuống ở Trung Quốc đến các hệ thủy sinh suy thoái ở Bắc Đại Tây Dương… Thiệt hại được tính toán không chỉ trong các hệ sinh thái bị phá hủy mà còn là dịch bệnh và cảnh khổ cực của loài người – đặc biệt đối với số nghèo nhất của nhân loại”.

Khả năng để những người nghèo nhất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu nhất của họ rõ ràng sẽ bị giảm sút, nên những người khá giả hơn cũng sẽ bị kéo xuống. Vì vậy, một bộ phận thuộc thế giới phát triển cần giảm lượng tiêu dùng của mình. Con người đang ăn mòn hành tinh, hưởng thụ quá khả năng, làm tăng nhanh dấu chân sinh thái.

Theo nghiên cứu công bố năm 2006 “Báo cáo sự phụ thuộc của nước Anh: làm sao để duy trì phong cách sống của quốc gia và cái giá phải trả”, ở các mức tiêu thụ tính tại thời điểm tháng 4/2006, nước Anh đã bắt đầu sống vượt quá tiềm lực của môi trường. Hệ quả là chỉ sau một phần ba năm, nước Anh đã phải ngừng dựa vào tài nguyên thiên nhiên của chính mình để phục vụ cho lối sống của họ.

Tỷ lệ sản xuất và tiêu dùng hiện nay trong nhóm gọi là “thế giới thứ nhất” không thể làm tăng gấp đôi toàn cầu. Chúng ta chỉ có một hành tinh để sống. Có nghĩa các nước cùng có quyền lợi giống nhau về phát triển kinh tế để cung cấp thêm những hàng hóa và dịch vụ nhằm cải thiện cuộc sống của người dân nước họ. Thách thức lớn là làm sao để đạt được những mục tiêu đó mà không đẩy trái đất vào thảm họa môi trường.

Trong khi chính sách môi trường trước đây tập trung chủ yếu vào ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất trong nước thì biến đổi khí hậu đã biến Trái Đất thành một thực thể nhỏ bé. Chính sách và việc thực thi chúng ngày nay cần được xem xét ở quy mô rộng hơn, xét đến cả vòng đời của các loại hàng hóa, dịch vụ và vật chất. Tại những nơi con người đặt chân tới, tác động của tiêu dùng đang ngày càng vượt ra ngoài phạm vi đất nước và phạm vi khu vực.

Loài người cần thay đổi, đổi mới công nghệ và thay đổi hành vi tiêu dùng. Các tổ chức như Ủy ban Môi trường Quốc tế của LHQ về Sử dụng Bền vững Tài nguyên Thiên nhiên – hay được biết là Ủy ban Tài nguyên – đang bắt đầu hướng đến các vấn đề lớn hơn ở quy mô quốc tế. Nhiều chính phủ và ngành công nghiệp cũng đang tập trung vào tương lai. Một chỉ thị của Liên minh Châu Âu yêu cầu các nhà sản xuất hàng hóa điện và điện tử thu hồi sản phẩm cũ vì sự an toàn, đồng thời tái chế tối đa và hiệu quả các sản phẩm này. Nói ngắn gọn, với tư cách cá nhân và thành viên của cộng đồng, chúng ta cần suy nghĩ để tìm ra cách thức đạt được sự phát triển tốt hơn mà tổn thất ít hơn ở bất cứ nơi nào.

Tại các nước đang phát triển nơi dân số ngày càng tăng, những vấn đề thách thức này cũng tác động đến cuộc sống con người. Bono, nhạc công Rock người Ai-len và cũng là một người khởi xướng chiến dịch đòi hỏi công lý toàn cầu, trong buổi lễ ra mắt xê-ri thời trang thân thiện môi trường hổi tháng 03/2005, phát biểu “Mua sắm cũng mang màu sắc của chính trị bởi mỗi khi bỏ ra một khoản chi tiêu bạn đều phải cân nhắc nên “bỏ phiếu” cho mặt hàng nào”. Tiêu dùng có trách nhiệm là tích cực, tuy nhiên, ngay cả hình thức tiêu dùng này cũng ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên cần được chia sẻ trên toàn cầu.Có rất nhiều mâu thuẫn và sự thỏa hiệp trong hành vi tiêu dùng. Nhà văn Anh Natasha Walter trong một bài bình luận trên tờ Guardian tháng 03/2006 nhận xét lối sống có trách nhiệm với xã hội hầu như chưa thể làm nên một cuộc cách mạng. Chúng ta cần nhìn nhận những giới hạn trong việc ra quyết định mua sắm một cách trung thực.

Theo logic, việc mua những sản phẩm bền vững dĩ nhiên là tốt hơn các mặt hàng không bền vững. Việc tác động làm thay đổi xã hội luôn khó khăn hơn là thay đổi thương hiệu một dòng sản phẩm. Tuy nhiên, như Jess Worth nhận xét trong Tạp chí Tân Quốc tế gia số tháng 11/2006 “Những mối quan tâm mang tính trách nhiệm đối với xã hội ngày càng tăng là một cơ hội khổng lồ, cho thấy rằng ngày càng nhiều người sẵn sàng hành động vì những vấn đề hệ trọng nhất mà hành tinh đang phải đối mặt. Giờ đây thách thức chính là việc làm sao để tìm ra cách để khai thác và đưa những mối quan tâm đó đến những kết quả lớn lao, tham vọng hơn là việc chỉ đưa những sản phẩm lên giá siêu thị”.

 “Nếu bạn không đối hướng đi, bạn có thể kết thúc ở ngay nơi bạn bắt đầu”.
– Lão Tử –

Trên website cá nhân , nhà văn và nhà môi trường người Anh George Monbiot đã viết hồi tháng 9/2006: “Tất cả chúng ta đều lừa gạt bản thân và lừa gạt nhau về sự thay đổi cần phải diễn ra. Những tầng lớp trung lưu nghĩ họ trở nên thân thiện với môi trường hơn vì họ đã mua bộ pyjama cotton hữu cơ và xà bông tự làm còn vương vài chiếc lá trên đó, mặc dù họ vẫn đốt nóng nhà kính và đi nghỉ ở Croatia”

Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác có xu hướng sa đà vào thế giới tiêu dùng thiếu kiểm soát. Chủ nghĩa tiêu dùng ồ ạt (affluenza, xuất phát từ hai từ “affluence” (sự giàu có) và “influenza” (bệnh cúm), tạm dịch là căn bệnh giàu có có vẻ sẽ tiếp tục lan xa hơn. Khi trái đất nóng lên, khi những nguồn tài nguyên hao mòn dần, và khi hàng triệu người không được báo trước ở nam bán cầu phải đối mặt với sự tàn phá và cái chết, nhiều triệu người khác nữa có nguy cơ bị “lây nhiễm” những lo lắng, bất mãn và chán nản mà từ đó tin rằng việc thu được các sản phẩm nhiều hơn, mới hơn phải đáp ứng hầu hết các nhu cầu con người.