Bí mật cuộc đời một ông Tây vì sinh thái Việt

Tôi quyết định tiến phong cho mình cái danh hiệu: nhà báo có nhiều gắn bó với ông Tilo Nadler bậc nhất ở Việt Nam. Tôi từng viết báo, làm sách, làm phim về Tilo, từng cùng ông đi thả voọc vào rừng, đi thu giữ voọc từ kẻ phạm pháp, đi chiến đấu “một mất một còn” với nhiều tổ chức cá nhân nhẫn tâm trước sự sinh tồn thế giới hoang dã Việt Nam. Ông Tilo năm nay gần 70 tuổi, đơn giản là một ông Tây mải mê làm bảo tồn động vật, chả phải là bậc quyền cao chức trọng gì, nên tôi cứ nhận mình là người quá gắn bó với vợ chồng ông, mà chả lo mang tiếng thấy kẻ sang bắt quàng làm họ. Trái lại, ông luôn làm tôi thay mặt tôi và nhiều người Việt Nam cảm thấy tủi thân vì mình chưa đủ cái nhựa sống thẳng băng, nhân ái, hiến thân như ông.

Đôi lúc, tôi thấy nhiều người quanh tôi, họ mỉm cười thương hại (đôi khi mai mỉa) cái bầu nhiệt huyết không giống “thói thường”, và lòng tự trọng của tôi bị tổn thương khẽ khàng rồi tê tái. Tôi bảo Tilo, “họ không được lịch sự lắm, Tilo à”; rồi tôi cười bả lả như chính tôi gây ra cái sự vô lối ấy. Bởi tôi biết, “ông Thiên Lôi”, “gã Tây khùng” Tilo mặt đỏ, rậm râu, cánh tay cơ bắp và lông lá, dáng cao to lừng lững ấy đã đúng, càng đúng hơn khi ông làm tất cả là vì con người và thiên nhiên ở cái xứ sở xa quê ông những nửa vòng Trái Đất. Ông xả thân mà không cầu cái gì cho riêng mình.

Theo đàn voọc định vị toàn cầu trong ngày hái quả rừng Phong Nha

Cái lẽ sống của ông Tilo cũng không phải là cái gì xa lạ với chúng ta, với ông: mọi loài trên thế giới, cả hổ dữ và rắn độc, đều có quyền được không bị tuyệt diệt, như con người. Con voi cũng như con kiến, chúng bình đẳng trước sự đối xử của bà mẹ thiên nhiên và loài người tiến bộ.

Trong các loài, ông Tilo chọn con đường hiến thân bảo vệ loài linh trưởng (thật ra chữ trưởng này là “chờ nhẹ”, chờ xê-hát (“ch”) mới đúng; nhưng chúng ta cứ viết mãi thành quen là “chờ nặng” – “tr”), cái loài có mức độ tiến hóa gần con người nhất theo thuyết Darwin. Nó gồm 4 phân loài: culi, khỉ, voọc, vượn.

 
Thiên nhiên hoang dã Việt Nam qua ống kính của Tilo, ảnh in trên bìa cuốn sách viết về linh trưởng do chính Thu Hiền, bà vợ người Việt của Tilo viết.

Tóm lại là, ta cứ hình dung, trên con đường dằng dặc nghìn triệu năm khỉ biến thành người (nếu đúng như vậy) mà chúng ta vẫn thường được dạy dỗ, thời gian tới đây, nếu có một ngày nào đẹp giời mây trắng nắng vàng nào đó, Ngọc Hoàng cho phép một con vật mặc comple cà vạt (hoặc áo dài thướt tha) cất giọng trịnh trọng tuyên bố tôi đã hoàn tất chu trình chuyển từ khỉ… biến thành người, thì nhất định, đó sẽ là một chú linh trưởng. Một con voọc, một chú (cô) vượn nghịch ngợm mà tình nghĩa. Vì tình nghĩa nên lũ linh trưởng rất hay bị thợ săn lừa bắt, lừa giết. Thậm chí, bắt được con vượn con, nghĩa là bà mẹ ông bố của vượn bị sa lưới. Ông Tilo đã thống kê, một con vượn cái đã bị bắn hạ, thì cũng có nghĩa là ít nhất một con vượn con nữa chết theo mẹ (và ngược lại). Tình mẫu tử – tình phụ tử ấy, cái chết không làm chúng nao núng – cũng giống như con người.

Lẽ sống đó, như trên đã nói, không có gì xa lạ với người văn minh. Ai cũng biết, nhưng, xung quanh ta, thử hỏi có mấy ai đi đến tận cùng lẽ nhân ái với loài vật như Tilo? Là một kỹ sư điện lạnh nổi tiếng khắp châu Âu, Tilo đột ngột bỏ nghề vì bị hớp hồn bởi tiếng gọi nơi hoang dã, khi tình cờ ông thiết kế điện lạnh cho một bảo tàng tự nhiên ở Đức. Ông thích thiên nhiên, rồi quày quả đi làm bảo tồn và cổ suý người ta cùng bảo tồn động vật khắp các châu lục.

Quỹ Động vật Frankfurt, nơi ông làm việc từ mấy thập niên qua, là tổ chức bảo tồn động vật lớn và lâu đời nhất thế giới, hoạt động hơn một thế kỷ qua, với 80 dự án trên hơn 30 quốc gia. Quỹ mang tên cái nhà tỷ phú có nhiệt tâm với động vật, linh hồn của thiên nhiên hoang dã, tấm lá chắn bảo vệ địa cầu – tương tự như giải Nobel mang tên ông Nobel vậy.

Tilo và các đồng nghiệp có thể cứ mãi ăn lương và làm việc ở bất cứ quốc gia nào, dự án nào, nếu họ muốn, cốt là họ hết lòng, làm việc hiệu quả với công việc bảo tồn ở đó. Bảo tồn ở đâu, kể cả trên Mặt trăng, sao Hoả, thì cũng là gìn giữ thế giới tự nhiên cho con người. Cái lý lẽ đơn giản ấy, đơn giản thế, chí lý chí tình thế, mà hình như rất ít cơ quan, tổ chức thực thi được. Không đủ tầm cỡ, bao dung và luận lý để thực thi.

Đến một ngày, Tilo nghe các nhà khoa học thông báo: ở Việt Nam có một loài bị tuyệt chủng rất tội nghiệp, đó là con voọc mông trắng. Mông cũng là chỗ để… mặc quần đùi, nên nghiễm nhiên và thú vị, loài vật này còn được gọi bằng một cái tên khác: “voọc quần đùi trắng”. Trước sự tàn sát của những người phá rừng đói khổ, họ nấu giả cầy con “khỉ” đó cho đến con… cuối cùng. Nó được ghi nhận là: chỉ còn hiện diện trên con tem ố vàng của một bộ sưu tập chơi bời ở bên trời Tây.

Từ đó, một GS Tây đã viết thư cho Tiến sĩ Nguyễn Bá Thụ (bấy giờ ông Thụ đang là Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, sau làm Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam; hiện ông đang là Chủ tịch Hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam) dò hỏi về loài voọc mông trắng. Nghe những tín hiệu xanh bật lên từ Cúc Phương, khu vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, ngay lập tức ông Tilo xách ba lô lên máy bay sang vùng núi đá vôi Nho Quan.

Ông sống trong rừng, làm lán, nghe tiếng hót của muôn loài với hy vọng sẽ “lọc” thấy tiếng vượn hót, sẽ tìm thấy một con voọc mông trắng. Khi Tilo chụp ảnh được một con voọc mông trắng giữa rừng, cả thế giới lập tức xôn xao. Một dự án bảo tồn linh trưởng lớn nhất Đông Nam Á ra đời vì con “khỉ nhỏ” đó: Trung tâm bảo tồn linh trưởng quý hiếm Cúc Phương (nay là nơi lưu giữ, bảo tồn, sinh sản linh trưởng quy mô và hiệu quả bậc nhất thế giới).

Bấy giờ là năm 1993, có quá nhiều người, kể cả quan chức ở Việt Nam bật cười: một con khỉ, ai dè mà nó gây chấn động đến thế kia ư? Người ta muốn nhìn con voọc mông trắng vì tò mò hơn là vì yêu quý nó. Rồi Tilo tình cờ phát hiện ra thêm: ở Nho Quan (bấy giờ), người ta bán voọc mông trắng ở ngoài chợ, nhốt trong rọ như bán chó bán mèo về thịt ấy. Đau quá! Vì nỗi đau ấy mà dự án kéo dài hơn dự kiến, bản thân ông Tilo cũng tự nguyện “sa lầy” ở Việt Nam gần hai chục năm qua. Ông sẽ chưa dời Việt Nam, chừng nào đàn động vật mà ông tự thấy mình có trách nhiệm phải bảo tồn còn tiếp tục bị đe doạ tuyệt chủng.

Ông và các cộng sự, suốt 15 năm qua, đã thu gom, chữa bệnh, nuôi dưỡng, cho sinh sản, rồi thả về rừng rất nhiều cá thể linh trưởng. Toàn những con vật lần đầu tiên được ghi nhận trên thực địa, lần đầu tiên được sinh sản bởi bàn tay con người. Và lần đầu tiên được “tái hoà nhập” với đại ngàn huyền bí. Ai đó đã gọi ông Tilo, là con người của những kỷ lục, cũng không có gì là quá lời!

Thế là từ dự kiến đi tìm loài thú quý đã không còn được ghi nhận trên toàn thế giới, Tilo đã dầm mình vào một dự án của lòng nhân ái: chiến đấu vì sự an toàn và hoang dã của 25 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam (trên quy mô cả thế giới, chỉ một mình Việt Nam mới có). Tilo sửng sốt trước sự giàu có của thiên nhiên Việt Nam.

Sẵn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông chụp cả những bức ảnh tuyệt sắc về sự sặc sỡ và đáng yêu của linh trưởng Việt Nam (và đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh); ông chụp cả những bức ảnh đau đớn về sự tàn sát thú linh trưởng ở Việt Nam. Có bức ảnh thê thảm về con voọc ngũ sắc bị bắn chết trên cỏ xanh đẫm máu, Tilo đã xúc cảm viết: “Đây không thể là thức ăn, là dược liệu, nó là di sản vô giá của núi rừng Việt Nam!”.

Lúc đầu định ở Việt Nam độ 1-2 năm như các dự án khác ở khắp các châu lục mà ông từng đi (như châu Phi chẳng hạn) thôi, càng ở Tilo và đồng nghiệp mới càng nhận ra quá nhiều lỗ hổng, quá nhiều sự nhẫn tâm trong đối xử với động vật ở Việt Nam. Tôi vụng nghĩ, cứ tình trạng bừa phứa tàn sát thế giới tự nhiên như hiện nay, thì có lẽ phải đến cái ngày Tilo 120 tuổi, động vật ở Việt Nam vẫn chưa an toàn như ông và các chuyên gia bảo tồn mong muốn. Ông cười ngậm ngùi, râu tóc đã bạc cả…

Thoắt thế đã 15 năm Tilo ở với núi rừng Việt Nam. Ông không lấy gì cho riêng mình, vẫn ở rừng, đi rừng, nóng nảy bảo vệ thú linh trưởng của Việt Nam, cho Việt Nam. Lần đầu gặp Tilo, cách đây khoảng 10 năm, ông vẫn râu ria, to lớn, bụi bặm giang hồ như thế. Lấy cô vợ kém mình 32 tuổi, người Hà Nội.

Sinh nhật tuổi 66 ở Vườn quốc gia Cúc Phương rồi, mà tương lai của linh trưởng Việt Nam vẫn mịt mù tăm cá bóng chim. Êcồ, Usluy, những chuyên gia động vật cùng làm việc với Tilo, từng đi chiến đấu bắt giữ, bảo vệ động vật, tố cáo người dân và cán bộ các địa phương là kẻ “thủ ác” với động vật – giờ họ đã đi với các dự án khác khắp địa cầu rồi, Tilo vẫn ở Cúc Phương, vẫn sốt sắng “vác tù và cho nhà khỉ”. Có lẽ, cả đời Tilo lo cho linh trưởng Việt Nam cũng chưa hàn gắn hết những lỗ hổng nhẫn tâm của lĩnh vực bảo tồn ở ta.

Nhưng, cái quan trọng là Tilo đã làm thay đổi nhận thức của quá nhiều người Việt Nam, thông qua tấm gương nghĩa hiệp vì thế giới hoang dã của mình. Ông đã làm tôi và nhiều người cảm thấy ngượng, thấy lòng tự trọng của mình dường như bị xôn xao trước tâm huyết của một người Tây chiến đấu cho môi trường, cho các loài hoang thú của quê hương mình.

Hình như, đó cũng là điều lớn lao nhất mà gần như cả đời “ông già Tilo” muốn nói với chúng ta. Nhận thức bảo tồn – có lần ông đã thốt ra cái câu tiếng Việt ấy với tôi. Có nhận thức bảo tồn là có tất cả. 14 năm trời, hàng mấy chục người, đến nay, mới cứu hộ được hơn 100 cá thể linh trưởng. Mới thả được 8 con voọc Hà Tĩnh được sinh sản dưới bàn tay con người trở về với bà mẹ rừng hoang dã của chúng. Con số quá ít so với sức lực, tiền bạc, tâm huyết, sự tử tế mà rất rất nhiều người đã bỏ ra. Nhưng, khi có nhận thức bảo tồn cho chúng ta, cho con cháu chúng ta rồi, thì sự an lành vĩnh viễn sẽ đến với hoang thú Việt Nam nói chung và các loài linh trưởng nói riêng.

 
Hai trong số 8 cá thể voọc đầu tiên của Việt Nam được gắn chíp điện tử định vị toàn cầu, vừa được thả về thiên nhiên hoang dã Phong Nha – Kẻ Bàng. Một thành công vang dội của Tilo. (Ảnh: Đỗ Lãng Quân).

Tilo vẫn bụi bặm, vẫn lái cái ôtô tiếng nó nổ như công nông đầu ngang, vẫn khoác máy ảnh ống têlê dài ngoằng như cái điếu cày lớn, vẫn xả thân với rừng già đất Việt. Khó khăn phía trước còn nhiều. Nhưng, ông đã được hái quả thành công từ việc “trả tự do” cho 8 cá thể voọc Hà Tĩnh vào tháng 9 năm 2007 vừa rồi tại Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).

Tôi có mặt hôm đó, đứng bên Tilô, mà thấy ông rưng rưng. Có thể đàn voọc vừa được phóng thích ấy, chúng vẫn quẩn quanh ở khu bán hoang dã rộng 20ha được đầu tư số tiền khổng lồ để bảo vệ bằng dây thép B40 và hệ thống điện chống trộm đặc biệt ấy, có thể chúng chưa biết bứt lá vin quả của rừng già, nhưng trái ngọt đã đến khi mà lần đầu tiên trong lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã có 8 cá thể “khỉ” (voọc) được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt, được trả về tự nhiên theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Chúng được đeo vòng sắt, có hệ thống chíp điện tử theo dõi trên toàn cầu qua hệ thống định vị GPS.

Nếu hiện diện trong buổi lễ thả voọc có một không hai ở nước ta ấy, có thể bạn sẽ bật cười khẩy thì có 8 con “khỉ đen” mà ầm ĩ ghê chưa; hoặc có thể bạn sẽ rưng rưng xúc động như chúng tôi. Như Tilo và lãnh đạo ngành kiểm lâm, ngành động vật học, như những người bạn bay nửa vòng trái đất từ nước Đức xa xôi, nước Mỹ xa xôi sang “chứng kiến” hôm đó. Ông Pagel, Giám đốc vườn thú “Colofue Zoo” bay từ Đức sang, 5 vị giáo sư và nhiều cán bộ chủ chốt của ngành kiểm lâm Việt Nam cũng có mặt, lãnh đạo địa phương cũng có mặt, họ dựng khán đài giữa vách núi đá vôi vòi vọi và làm lễ thả voọc. Họ họ cùng tôn vinh các cha đẻ của dự án bảo tồn linh trưởng Việt Nam, rồi cửa chuồng bật mở, lũ voọc Hà Tĩnh đen nhoáy vọt ra với rừng xanh Phong Nha Kẻ Bàng, di sản Thế giới kỳ bí…

Tôi đảo mắt tìm, trong khi mọi người đang tán loạn với tiết mục thả khỉ về rừng, thì Tilo nghiêng đầu phóng tầm mắt ra lô xô núi bên bờ sông Son huyền thoại. Râu ria xồm xoàm, mặt đỏ như con tôm luộc, ông chợt trở nên trầm lặng lạ thường. Lơ ngơ đứng ở bìa rừng, không ai biết, ông già ấy đang nghĩ gì, sau đúng 15 năm lăn lộn với dự án ở Việt Nam.