Hành tinh Đỏ còn nhiều bí ẩn

ThienNhien.Net – Sao Hỏa từ lâu đã được quan sát bởi các vệ tinh ngoài không gian và các vệ tinh do thám trên bề mặt. Tuy nhiên, đến nay sao Hỏa vẫn ẩn chứa nhiều bí mật khơi gợi trí tò mò của các nhà khoa học. Hai phát hiện gần đây về hành tinh này cũng đang là tâm điểm chú ý của thế giới bởi nó có thể hé lộ những khám phá mới về lịch sử của Trái Đất.

Theo một công bố gần đây của cơ quan không gian Châu Âu – ESA, có khả năng tồn tại một dòng sông băng vẫn còn hoạt động ở xa các cực của Sao Hỏa. Một máy quay công nghệ cao được gắn trên tàu vũ trụ Mars Express đã phát hiện ra nét đặc biệt này ở một khu vực gọi là Deuteronilus Mensae, nằm ở miền trung Bắc sao Hỏa. Nhóm các nhà khoa học của Mars Express đưa ra kết luận sơ bộ rằng vật chất nằm dưới dạng băng này đã trải qua quá trình tích tụ trong khoảng 10.000 năm trở lại đây, có khả năng đến từ một nguồn ngầm nào đó. Một bộ phận băng khác nữa, cũng được xác định là nằm ở các cực của hành tinh, nhưng có lẽ phần này sẽ có diện tích lớn hơn và đã phải hàng triệu năm tuổi. Phát hiện này khá bất ngờ vì theo quan sát từ trước đến nay, nước từ dưới lòng đất khi lên đến bề mặt sao Hỏa đều nhanh chóng bị bốc hơi và bị cuốn vào không gian. Theo Ronald Greeley, nhà địa chất học và là thành viên của trường Đại học bang Arizona, những đặc điểm vật lý của dạng vật chất này hoàn toàn phù hợp với tính chất của một sông băng.

Cùng lúc đó, trong một ấn phẩm Khoa Học ra ngày 21/12/07, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard và Học Viện Kỹ Thuật Massachusetts đưa ra một giải thích hợp lí cho sự vắng mặt kì lạ của Carbon trên sao Hỏa. Giả sử, lượng CO2 trong khí quyển sao Hỏa cổ xưa đủ để gây ra hiệu ứng nhà kính cho phép nước chảy trên bề mặt trong một thời gian. Vấn đề là với một chu trình như vậy thì phải có một lượng lớn Carbon lắng lại trong lớp khoáng trên bề mặt sao Hỏa – điều chưa bao giờ tìm thấy trên bề mặt sao hoả. Do đó, các nhà nghiên cứu đã nêu ra một giải thích mới: Một lượng lớn SO2 trong khí quyển, là kết quả của những hoạt động núi lửa sơ khai, cấp đủ nhiệt cho nước có thể chảy. Điều này có thể giải thích cho một lượng lớn S phân bố trong các khoáng chất của sao Hỏa, như là lớp SO2 bao quanh khí quyển và phân tán trên bề mặt ẩm ướt.

Nhà địa hóa học hành tinh của trường đại học Harvard, Itay Halevy cho rằng : “Có khả năng có đủ lượng SO2 trong khí quyển để làm ấm sao Hỏa từ thủa sơ khai” và cũng ngụ ý rằng: “Có thể SO2 đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trái Đất hơn là chúng ta từng nghĩ.”

Sông băng đang gợi sự tò mò của NASA về Deuteronilus Mensae, tuy nhiên họ cũng rất thận trọng trong vấn đề này vì cho rằng có những đám bụi mù bị làm đặc lại dưới hình ảnh của vệ tinh trông giống như băng.

Hai khám phá này có thể là động lực thúc đẩy chúng ta nhìn nhận lại về động học và quá trình phát triển của sao Hỏa và thậm chí có thể cung cấp cho chúng ta những kiến thức sâu hơn về lịch sử của Trái Đất.