Cách ứng xử của người Thái với tài nguyên đất

ThienNhien.Net – Tri thức bản địa của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã phát huy tác dụng tốt trong việc quản lý và bảo vệ các nguồn lợi tài nguyên, môi trường. Tri thức bản địa của người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo vệ tài nguyên đất là một ví dụ.

Tập quán canh tác của người Thái nói chung là trồng lúa nước vùng thung lũng. Có nghiên cứu cho biết người Thái ở Thanh Hoá có những kinh nghiệm và tri thức riêng trong việc phân loại, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất.

Họ phân loại ruộng lúa theo hạng tốt, xấu và trung bình: Hạng lúa tốt bao gồm các thửa nằm trong ruộng mùn; Hạng xấu là ruộng nằm kề  bãi cát, nằm cuối mương, lạch; Hạng trung bình thì nằm giữa hai hạng trên. Việc phân loại thế này giúp đồng bào đặt giống lua gieo cho thích hợp.

Khi gặt lúa họ không gặt cả rơm, rạ, chỉ cắt phần bông còn phần thân để nguyên trên cánh đồng. Trước khi làm đất canh tác, người Thái tháo nước vào ruộng ngâm một thời gian, đồng thời lấy cá cây thầu dầu và cây tân thời thả vào ruộng nhằm làm tăng chất màu cho đất. Bên cạnh đó, một số bản người Thái còn bắc những máng gỗ lớn từ bản ra ruộng khi trời mưa cho nước cuốn phân, mùn chảy ra bón cho ruộng lúa – đây được coi là phân bón ruộng.

Bên cạnh việc định canh định cư nhờ ruộng thì người Thái còn tăng thu nhập từ nương. Nương của người Thái có nhiều loại như nương dốc, nương bằng, nương bông…nhưng phổ biến hơn cả là nương dùng cuốc và gậy chọc lỗ. Trên đất nương có nhiều loại cây trồng như vừng, lạc, ngô, sắn, bồng…các loại cây có thể trồng xen lẫn. Tuy nhiên, tất cả những nương này đều phải trải qua các công đoạn kỹ thuật: Chọn đất, phát rừng, đốt, dọn, xới đất, trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch. Và người Thái cũng chỉ phải sử dụng những dụng cụ lao động đơn giản (dao, rìu, gậy chọc lỗ, liềm, dao nhíp) cho các công đoạn đó.

Đồng bào Thái làm nương theo trình tự luân canh bỏ hóa và xen canh gối vụ. Theo kinh nghiệm của người Thái một mảnh nương chỉ nên làm tối đa là 3 vụ, sau đó nương được bỏ hóa  khoảng 8 -10 năm nhằm cho rừng mọc trở lại.

Trong quá trình canh tác nương, đồng bào người Thái làm bờ cản chống xói mòn bằng cách khi dọn nương chuẩn bị gieo hạt họ sẽ gom thân, rễ cây thành những bờ cản chảy ngang với độ dốc của nương để cản dòng chảy của nước, hạn chế rửa trôi lớp đất màu. Khi thu hoạch xong, bờ cản này sẽ mục ra tan vào mặt nương nhằm làm tăng độ mùn cho đất. Bên cạnh đó, đồng bào còn đào rãnh chống xói mòn ở trên đỉnh và dọc hai bên sườn của nương nhằm tránh nước chảy tràn gây xói mòn và rửa trôi…

Sử dụng công cụ lao động khôn khéo cũng là một biện pháp canh tác nhằm bảo vệ đất. Người Thái dùng cày, bừa cho nương bằng còn đối với nương dốc thì dùng gậy chọc lỗ tra hạt khi trồng nhằm tránh xới tung lớp đất mặt và đất dễ bị bào mòn.