Bỏ giày đi…chân đất

Câu chuyện cởi giày đi chân đất này là của Nguyễn Hữu Long, sinh năm 1983 ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Long là một trong 118 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu với mô hình trồng và kinh doanh các loại hoa lan của tỉnh Đồng Nai năm 2007.

Tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học của Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN) TP.HCM, chàng thanh niên 8X ấy đã bỏ hẳn công việc ở một công ty với mức lương hấp dẫn và nhiều ưu đãi để trở về nhà… làm vườn.

Long xuất thân trong một gia đình nông dân. Ngay từ nhỏ, cậu bé Long đã làm quen với đất, với cây cỏ. Long trở thành “tín đồ” của hoa lan kể từ ngày nhận được nhánh lan rừng do cậu bạn cùng lớp tặng. Lúc ấy, Long chỉ mới học lớp 8. Ngày ấy, chẳng hiểu sao loài hoa mang vẻ đẹp vừa kiêu sa vừa dân dã ấy lại có sức hút mãnh liệt đối với cậu bé Long đến thế!

Mỗi lần đi học về Long chỉ kịp bỏ chiếc cặp xách xuống rồi ù chạy ra chỗ những giò hoa phong lan. Đến nỗi khi bụng sôi cồn cào, Long mới chợt nhớ mình chưa ăn cơm… Cha mẹ cho tiền đi học Long đều dành dụm chỉ để mua một giò lan mới.
Có thể nói trên thực tế, việc trồng hoa – cây cảnh là thú vui tao nhã của người cao niên. Ở độ tuổi đáng lẽ miệt mài theo trái bóng, những cuộc vui bè bạn thì Long lại dành hết cho việc học, thỉnh thoảng la cà ở những cửa hàng bán hoa phong lan hay tìm thêm tài liệu chăm sóc cho loài hoa này. Cả quãng thời gian thơ mộng của Long khép kín lại như thế, chẳng khác nào một “ông cụ non”.

Từ năm lớp 8 đến lớp 12, Long sở hữu được 500 giò lan. Thế nhưng, lúc ấy Long không có ý định kinh doanh, chủ yếu thỏa mãn niềm đam mê tao nhã và thi thoảng đem tặng bạn bè. Năm 2005, Long tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học của Trường ĐH KHTN và được nhận vào làm việc ở một công ty với mức lương hấp dẫn và nhiều ưu đãi. Tuy nhiên chưa đầy năm sau, Long quyết định nghỉ việc, huy động lẫn vay mượn tiền bạc để đầu tư kinh doanh trồng phong lan trong nhà lưới. Khi ấy, nhiều người đã cho rằng Long liều, sướng không chịu lại chuốc khổ cực vào thân.

Để làm được nhà lưới trồng khoảng 30.000 cây lan (dendrobium, hồ điệp…) với đủ màu sắc rộng 1.300m2, Long phải vay muợn bạn bè và người thân. Tổng số vốn đầu tư ban đầu lên đến 100 triệu đồng. Phong lan lại là loại cây khá khó tính và đòi hỏi người trồng phải khổ công chăm sóc.

Bằng kinh nghiệm tự tích lũy và vốn kiến thức từ ngành công nghệ sinh học, Long chú trọng đến việc thiết kế vườn bằng khung giàn làm bằng sắt để chống gió. Bên cạnh đó, Long dùng lưới xám đen để che bớt ánh sáng và dựng hàng rào chắn bằng lưới sắt ngăn cảnh sinh vật có thể gây hại cho phong lan. Mặt khác, dưới các giàn phong lan được đào nhiều rãnh nước để tạo cho không khí mát mẻ.

Cả năm đầu, Long hầu như chỉ bỏ công gây dựng và chăm sóc phong lan. Sang năm thứ hai, Long mới bắt đầu có đồng ra đồng vào. Phong lan thu hoạch quanh năm, rộ nhất vào dịp tết. Trừ các khoảng chi phí, chưa đầy một năm Long thu lãi “sơ sơ” 100 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, Long còn mở thêm cửa hàng để làm nơi giao dịch, buôn bán với khách hàng. Đến thăm cửa hàng của Long, bạn sẽ nhận ra cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc hoa phong lan do Long biên soạn.

Tuy bước đầu gặt hái được kết quả khả quan như thế nhưng Long một mực khiêm tốn bảo: “Mình chưa làm được gì nhiều cả, chỉ bước đầu giải quyết phần nào cho kinh tế gia đình thôi”.