Bình Thuận: Nguồn sa khoáng ngày càng cạn kiệt

Titan là nguồn tài nguyên thiên nhiên trời ban cho Bình Thuận, nhưng hiện nay do quản lý chưa tốt nên việc khai thác không có kế hoạch đã khiến loại cát đen quý như vàng này bị thất thoát nhiều và ngày càng cạn kiệt.

Nguồn tài nguyên quý hiếm

Theo số liệu của Hiệp hội Titan Thế giới, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên này chiếm tỷ lệ 1/5 trữ lượng thế giới. Loại khoáng sản này tập trung dọc bờ biển duyên hải miền Trung, còn được gọi là “cát đen”. Theo Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, riêng tại Bình Thuận, khoáng sản này chiếm 20% trữ lượng cả nước. Đây là nguồn tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban cho Bình Thuận.

Với 3 loại thành phần hóa học chính là ilmenit, zircon, rutil, titan là kim loại quý hiếm, được dùng trong trên 30 ngành công nghiệp khác nhau. Kim loại titan không độc, khó bị ăn mòn, hợp kim titan có độ bền vững gấp 3 lần so với hợp kim nhôm, khả năng chống rỉ sét cao không thua bạch kim nhưng lại nhẹ bằng một nửa thép.

Vì vậy kim loại này được dùng nhiều trong lĩnh vực chế tạo máy bay, hàng không vũ trụ, công nghiệp quốc phòng, đóng tàu, chế biến thực phẩm, vận tải đường sắt, kỹ thuật điện, sản xuất sơn, que hàn, sơn, men, y tế… Riêng trong thân vỏ ở một số loại máy bay, titan chiếm từ 25% đến 27%.

Nhận thấy giá trị quý hiếm của kim loại này như vậy nên những năm sau này, các quốc gia có nền công nghiệp mạnh không những không khai thác titan mà còn tích cực mua để dự trữ. Gần đây nhất là Trung Quốc tăng cường mua dự trữ lớn kim loại này, và nguồn bán ra chính là Việt Nam.

Bát nháo khai thác, mua bán trái phép

Chính vì đặc điểm quý giá này nên nhiều năm qua nạn đào đãi, mua bán trái phép loại sa khoáng này diễn ra ồ ạt. Trên nhiều khu vực ở các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận, người dân tự sắm dụng cụ đào đãi và bán với giá cực rẻ. Tại bãi biển xã Tân Hải huyện Hàm Tân, ông Tân, một người dân đào đãi, cho biết một ngày một người đào đãi có thể được một tấn cát thô, bán với giá 700 – 800 ngàn đồng.

Chính vì việc kiếm tiền quá dễ nên suốt gần 200km bờ biển Bình Thuận, có thời kỳ hàng ngàn người đã bỏ cả nghề nông, đổ dọc ra bờ biển khai thác titan, gây nên tình trạng đào xới bát nháo. Sôi động nhất có thể kể đến các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận, thị trấn Lagi, huyện Hàm Thuận Nam, là những vùng có trữ lượng sa khoáng lớn.

Chỉ tính riêng quý 1/2007, ở huyện Hàm Tân, lực lượng chức năng đã thu 88,5 tấn cát đen vận chuyển trái phép. Trước đó ở Hàm Thuận Nam, trong 14 đợt kiểm tra cơ quan chức năng đã thu giữ 60 tấn cát đen. Có xã như Tân Thanh chỉ trong 1 tháng, chính quyền đã thu giữ 60 tấn.

Tình trạng đào đãi trái phép diễn ra ồ ạt khiến chính quyền địa phương không kiểm soát nổi. Đã có nhiều lần chính quyền địa phương bắt, lập biên bản, thu dụng cụ và xử phạt, nhưng không ăn thua. “Vì kiếm tiền dễ nên mất dụng cụ, người dân tiếp tục sắm dụng cụ mới để khai thác, vì vậy chính quyền địa phương không thể xử lý nổi nên tình trạng khai thác trái phép vô cùng khó dẹp bỏ” – một cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam thừa nhận.

Giá rẻ như cát

Mặc dù được xem là nguồn tài nguyên quý giá, nhưng loại sa khoáng này đang được bán với một giá rẻ như cát. Người dân đào đãi và bán một tấn cát đen thô với giá chỉ 700 – 800 ngàn đồng một tấn. Theo một chuyên gia về sa khoáng thì giá nếu đem tinh chế ra titan, giá bán lên đến 2.500 USD đến 3.000 USD một tấn. Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Long, một Doanh nghiệp có dự án khai thác chế biến titan ở Bình Thuận, nếu phân loại ra đến công đoạn phân ra 3 loại ilmenit, rutil và zircon, giá bán gấp khoảng 2 lần cát thô, còn nếu tinh chế ra đến 90% titan thì giá bán gấp 4 lần.

Với giá bán thô như trên, thời gian qua Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đã bán rẻ, lãng phí một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Theo một số liệu từ cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, hàng năm Việt Nam xuất khẩu thô nửa triệu tấn cát đen. Nếu so giá thô với giá tinh chế, mất hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, hàng năm Việt Nam phải nhập lại các sản phẩm được tinh chế từ sa khoáng này để sử dụng với một lượng lớn. Trong số này nhu cầu về bột màu Dioxit titan (TiO2) và bột zircon siêu mịn là rất lớn, phải nhập với giá trị lên đến 40 triệu USD/năm, và mỗi năm tiếp tục tăng bình quân 15%. Sự thất thoát này là quá lớn.