Dioxin – Nỗi đau đâu chỉ con người

ThienNhien.Net – Sự thoái hoá của các hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất là một quá trình tiếp nối và ngày càng bị tác động nhiều hơn do các hoạt động của con người, mà chiến tranh là hoạt động có tính tàn phá khốc liệt nhất. Ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thể hiện ở mọi cấp độ của các loài sinh vật – từ các tổ chức tế bào đơn giản đến các loài thực vật bậc cao, thậm chí ở cả con người.

 Chatdocdacam
Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng khoảng 14 triệu tấn bom đạn có sức nổ lớn với sức công phá bằng hai lần số bom đạn đã sử dụng trong Thế chiến II, rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam, lên gần 1/4 diện tích tự nhiên của miền Nam Việt Nam. Khoảng 86% lượng chất độc hóa học đã được rải lên các vùng rừng rậm, 14% còn lại phá huỷ ruộng vườn và hoa màu, chủ yếu là đồng lúa, nương rẫy.
 dioxin
 Vùng rừng ngập mặn Cà Mau bị rải chất độc da cam.
 dioxin
 Cần Giờ thành…rừng chết
 
A Lưới (Thừa Thiên Huế) – cây rừng xơ xác vì chất độc hóa học
 dioxin
 Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, sự sống vẫn không thể hồi sinh.
 Chatdocdacam
Những vết thương còn hằn rõ.
 dioxin
Vùng Sa Thầy (Kon Tum) 25 năm sau chiến tranh, cây rừng vẫn không mọc lại được, chỉ có cỏ dại và tre nứa xâm lấn.
 nghe 2 dau
Trong vùng bị rải chất độc hóa học ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, người ta đã tìm thấy chú nghé 2 đầu này.
 dioxin
Các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng đến nay vẫn còn ghi dấu những điểm đất chết do bị nhiễm quá nhiều dioxin.
 nguoi ngheo
 Dân nghèo luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
 dioxin
Hiện nay ở Việt Nam có hàng nghìn trẻ em là nạn nhân chất độc da cam từ thời kỳ chiến tranh để lại.
 dioxin
Và rất nhiều người khác, cùng những người thân của họ, đang phải chịu đựng nỗi đau này. Bom đạn đã ngừng rơi, nhưng sự tàn phá của chiến tranh vẫn tiếp tục, trên đất, trên cơ thể và tâm hồn con người.
 dioxin
Đã hơn ba thập kỷ trôi qua, từ khi chiến tranh kết thúc, ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, nhiều vùng thiên nhiên rộng lớn bị rải chất độc hoá học vẫn tiếp tục bị suy thoái, nhiều người dân lành, những nạn nhân của chiến tranh, nhất là nạn nhân của chất độc Dioxin vẫn phải chịu nhiều đau khổ, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
 trồng cây
Vượt lên những nỗi đau, người dân quyết tâm giành lại sự sống từ trong cái chết. Rừng phải được trồng lại. Trồng một, hai cây thì rất dễ nhưng chưa đủ, phải trồng lại hàng trăm nghìn héc-ta rừng.
 trồng lại rừng
Lâm trường Mã Đà (Đồng Nai) là một trong những đơn vị tiên phong trồng thành công rừng trên đất rừng bị phá hủy bởi chất độc màu da cam. Đầu tiên, các nhà khoa học tạo lớp che phủ bằng các loại cây mọc nhanh dễ trồng. Sau 3-4 năm, khi tán rừng đã khép, họ trồng xen cây rừng bản địa dưới tán đó.
 đốt cỏ dại A Lưới
Học tập những kinh nghiệm của Lâm trường Mã Đà, nhân dân vùng A Lưới (2002) đốt cỏ dại vùng nhiễm độc để trồng lại rừng.
 rừng nguyên sinh
 Chúng ta đã đạt được một sô thành tích bước đầu trong việc trồng rừng tại những vùng bị rải chất độc hóa học, tuy nhiên diện tích bị các chất độc này phá huỷ ở miền Nam VN còn rất nhiều, cần được phục hồi và sử dụng, đầu tiên là để cho những người nghèo có điều kiện để nâng cao cuộc sống khó khăn của họ. Công việc cần làm là tìm cách phục hồi các vùng đất bị suy thoái, các hệ sinh thái vốn có, các loài động thực vật hoang dã, sử dụng có hiệu quả vùng đất có thể phát triển nông nghiệp, ngăn chặn sự suy thoái đất, giữ nguồn nước…Công việc hết sức khó khăn, tuy nhiên kinh nghiệm những năm qua cho thấy nếu có sự hỗ trợ của nhân dân địa phương, sự tham gia của cộng đồng thì các dự án sẽ thành công.

Việc hồi phục môi trường bị tàn phá do chiến tranh có tầm quan trọng bậc nhất nếu coi sự vận hành hài hoà của các hệ sinh thái chính là cốt lõi cho sức khỏe con người, là điều kiện để xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị suy thoái, cạn kiệt.

Ngoài ra cũng cần quan tâm đến các chương trình bảo tồn và cải thiện môi trường thiên nhiên một cách hữu hiệu. Đó là nhiệm vụ hết sức lớn lao, đòi hỏi các nguồn lực dồi dào, quyết tâm lâu dài và các giải pháp đột phá phù hợp. Hy vọng rằng trong tương lai, rừng nhiệt đới tốt tươi sẽ thay thế những vùng đất khô cằn bị tác động của chất độc hoá học và nhân dân Việt Nam sẽ hàn gắn được vết thương của một cuộc chiến tranh tàn phá môi trường.