Thực vật trên dãy Hoàng Liên Sơn phải “sơ tán”

Cùng với sự ấm lên của Trái đất, nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang phải “sơ tán” lên cao hơn để tồn tại. James Fahn, Giám đốc Mạng lưới báo chí Trái đất và là một chuyên gia viết về môi trường, đã thốt lên rằng: “Với xu thế này, chẳng bao lâu nữa, những loài cây bản địa ở Hoàng Liên Sơn sẽ chinh phục đỉnh Phan Xi Pan (nóc nhà của Đông Dương) và nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, chúng sẽ hết đất để sinh tồn”.

Theo kết quả điều tra sơ bộ của Ban quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên (tiến hành từ năm 2003 – 2007), hiện đang có sự dịch chuyển lên cao của một số loài cây đặc trưng thuộc các vành đai thực vật (phân bổ theo độ cao) khác nhau. Đặc trưng trong số đó có thông Vân Sam Hoàng Liên, một loài thông chỉ tìm thấy duy nhất tại Hoàng Liên Sơn và được ghi trong Sách Đỏ thế giới, trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200m – 2.400m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400m – 2.700m. Cùng với nó, một số loài cây đặc hữu khác (chỉ có ở Hoàng Liên Sơn) như Thích Xi Pan, Thích Sa Pa (trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao dưới 1.700m) và nhiều loài thực vật khác cũng đang “leo” dần lên cao.

Phân tích nguyên nhân hiện tượng các loài cây dịch chuyển lên cao ở Hoàng Liên Sơn, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc Gia Hoàng Liên phụ trách lĩnh vực Khoa học và Hợp tác, cho rằng: “Cho dù chưa biết chắc chắn nguyên nhân, nhưng hiện tượng này rõ ràng có liên quan tới vấn đề thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu… Rất tiếc là Vườn Quốc gia Hoàng Liên không đủ kinh phí và nhân lực để nghiên cứu sâu về vấn đề này”.

Biến đổi khí hậu là các hiện tượng thời tiết bất thường do tình trạng Trái đất ấm dần lên gây ra. Nhiệt độ tăng buộc một số loài cây vốn chỉ sinh sống được ở điều kiện nhiệt độ tương đối thấp, sẽ phải dịch chuyển lên cao hơn (càng lên cao, nhiệt độ càng giảm) để tồn tại, tái sinh. Theo các chuyên gia môi trường, nếu nhiệt độ thời tiết biến đổi quá nhanh thì nhiều loài động thực vật sẽ bị huỷ diệt vì không kịp thích nghi.

Theo nghiên cứu của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Lào Cai, cùng với nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất tăng khoảng gần 1 độ C trong thế kỷ qua, trên các vùng núi cao phía Bắc Việt Nam, các đợt nắng nóng xuất hiện theo xu thế ngày càng nhiều hơn. Cấu trúc các mùa nóng lạnh hàng năm cũng có dấu hiệu thay đổi theo hướng mùa nóng kéo dài hơn. Tại khu vực núi Hoàng Liên Sơn, 2 thập kỷ trước, nhiệt độ trung bình vào mùa Đông 5-10 độ C, thì nay đã tăng lên 10-15 độ C.

Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực miền núi phía Bắc (mà dãy Hoàng Liên Sơn là đại diện), do Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn mới tiến hành, cũng cho thấy do sự thay đổi môi trường sinh thái, đặc biệt là sự dịch chuyển lên cao dần các vành đai nhiệt đới, dẫn đến sự thay đổi bước đầu về hệ sinh thái núi cao Hoàng Liên Sơn, cũng như các vùng núi cao khác. Tính đa dạng sinh học, đặc biệt là một số loài cây quý hiếm, nhất là cây dược liệu bản địa tại khu vực Hoàng Liên Sơn, đang có dấu hiệu suy giảm, đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng.

Nguy cơ suy giảm sinh thái thực sự là một thách thức lớn đối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, một kho dự trữ sinh quyển giá trị và là nơi đang lưu trữ nguồn gen hệ động thực vật bậc nhất Việt Nam với gần 2.850 loài, trong đó có 149 loài thuộc quý hiếm, nguy cấp, đang bị đe doạ tuyệt chủng và được ghi vào trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới.

Điều này đồng nghĩa với việc khiến ngành du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia mới được hình thành có nguy cơ chết non, đẩy cuộc sống của hơn 10.000 cư dân địa phương, vốn chỉ sống nhờ vào khai thác rừng và du lịch, đến chỗ kiệt quệ và để sinh nhai, họ sẽ tiếp tục phải triệt phá thiên nhiên… Và nếu mất tính đa dạng sinh học, thì Vườn Quốc Hoàng Liên, nơi đang bảo tồn các kiểu rừng á ôn đới và rừng nhiệt đới núi cao, sẽ không còn được công nhận là di sản ASEAN nữa.

Với 7 năm làm hướng dẫn viên du lịch và 20 lần chinh phục đỉnh Phan Xi Pan, Anh Nguyễn Ngọc Minh, cư trú tổ 19 thị trấn Sa pa, Lào Cai có lẽ là người nhận biết rất rõ về sự suy giảm sinh thái trên dãy Hoàng Liên Sơn. Anh Minh cho biết, những năm trước, anh còn nhìn thấy nhiều loài chim và hoa lạ mắt, vậy nhưng trong chuyến đi gần đây nhất, vào ngày tết dương lịch năm 2008, anh không còn thấy bóng dáng chúng nữa.

Anh Minh kể rằng trong năm 2007, anh cùng với một nhà khoa học người Anh đi nhiều ngày trong khu rừng Hoàng Liên để tìm hiểu về các loài chim. Chuyến đi kết thúc với lời nhận xét đầy thất vọng của nhà khoa học vì ông ta “chỉ tìm được hơn 20 loài, trong khi trong tất cả các cuốn sách ông ta đọc ghi chép có tới 253 loài”.

Ông Lý Láo Tả, Chủ tịch xã Bản Hồ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), không khỏi xót xa khi cho biết ngày nay dân trong xã khó có thể tìm thấy cây Bách Xanh, một loài cây có rễ dùng bào chế thuốc đông y rất quý. Theo ông Tả, loại cây đặc hữu (chỉ có ở địa phương) này trước đây ở Bản Hồ khá nhiều và chỉ sống trên vách đá ở độ cao 300m – 700m.

Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện ở Hoàng Liên Sơn chỉ còn chưa đến 20 cây Bách Xanh và khả năng tái sinh rất thấp do điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt cùng sự nóng lên của thời tiết. Hiện Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang ươm hom thử nghiệm 10 cây Bách Xanh với hy vọng có thể duy trì được nguồn gen của loại cây này.

Cùng với Bách Xanh, một số loài động vật đặc hữu khác như Sóc Trâu, Dơi Tai Sọ… cũng đang bên bờ tuyệt chủng, trong khi Vượn Đen tuyền Tây Bắc chỉ còn khoảng 4 – 6 con. 

Vấn đề duy trì các nguồn gen quý hiến và bảo vệ tính đa dạng hệ sinh thái Hoàng Liên Sơn đang là mối trăn trở của Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Hạnh cho rằng cần phải có sự khảo sát tỉ mỉ và nghiên cứu sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, đây là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm đầy đủ của các cấp chính quyền, sự tham gia của các nhà khoa học cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Theo dự báo, nhiệt độ trái đất thế kỷ 21 sẽ tiếp tục tăng ở mức gấp 2-3 lần so với mức độ tăng trong thế kỷ 20. Và trong khi các ngành hữu quan chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tính đa dạng sinh học thì các loài cây ở Hoàng Liên Sơn sẽ vẫn tiếp tục di cư lên cao, có lẽ với tốc độ nhanh hơn, để tìm sự sinh tồn.

Một cuộc nghiên cứu mới về khí hậu mới đây cho thấy trong 25 năm qua, vành đai nhiệt đới của Trái đất đã mở rộng thêm từ 225 đến 530 km về phía hai cực của Trái đất (nhanh hơn dự báo), khiến cho các khu vực cận nhiệt đới càng trở nên khô hạn.

Theo các nhà nghiên cứu, sự mở rộng này kéo theo sự di chuyển của những đặc điểm khí hậu nhiệt đới về phía hai cực, có thể dẫn đến sự thay đổi trong đặc tính về lượng mưa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, nông nghiệp và nguồn nước.

Ngoài ra, vành đai nhiệt đới mở rộng sẽ góp phần làm trầm trọng hơn sự ấm dần lên của trái đất, vì làm tăng tốc độ bơm hơi nước vào tầng khí quyển cao.