Thanh Hoá: Tiêu huỷ 2 hổ chết

Ngày 28/01, tại tỉnh Thanh Hoá đã diễn ra sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bảo tồn động vật hoang dã trong nước và Quốc tế. Lần đầu tiên, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu huỷ 2 con hổ chết trong vụ vi phạm nuôi nhốt trái phép 7 con hổ của gia đình ông Nguyễn Văn Tư, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Hành động này thể hiện sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán, nuôi nhốt hổ trái phép đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều địa phương.

2 con hổ chết, 1 con nặng 63 kg và 1 con nặng 48 kg, được bảo quản trong tủ bảo ôn của gia đình ông Nguyễn Văn Tư – chủ trại nuôi nhốt hổ. Các cơ quan chức năng ở Thọ Xuân đã mổ pháp y và xác định 2 con hổ này bị viêm phổi. Nội tạng được chôn, còn xác hổ niêm phong. Mặc dù 2 con hổ không mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng đây là tang vật của vụ vi phạm nuôi nhốt hổ trái phép. Mặt khác, hổ là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B cấm săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, nên bắt buộc phải tiêu huỷ.

Hổ chết được đưa vào lò than đốt thành tro, đảm bảo, không thể tận dụng lại xương để nấu cao. Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản Sông Chu, Thọ Xuân, Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi giám sát chặt chẽ mọi quá trình, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định…”.

Ông Nguyễn Văn Tư, chủ nuôi nhốt hổ cho biết: “Việc tiêu huỷ 2 con hổ chết là thiệt hại lớn đối với gia đình. Bởi nếu lén lút bán xương, hoặc nấu cao 2 con hổ này sẽ mang lại nguồn thu vài trăm triệu đồng cho gia đình… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiêu huỷ để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Chỉ mong sao Nhà nước sớm có hướng xử lý đối với những con hổ còn lại”.

Sau hơn 5h tiêu huỷ, xương cốt hổ đã thành tro. Hiện tại, 2 trong số 5 con hổ còn lại ở gia đình ông Tư đang có dấu hiệu nhiễm bệnh như 2 con hổ đã chết, khả năng chữa khỏi là không cao. UBND huyện Thọ Xuân đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm vụ vi phạm này.

Ông Lê Văn Biền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi đã gửi các kiến nghị lên cơ quan chức năng đề xuất phương án xử lý, tốt nhất là đưa hổ vào Trung tâm cứu hộ, nhưng chưa thấy cơ quan nào trả lời”.

Theo ý kiến của nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên, việc tiêu huỷ hổ là hành động kiên quyết của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá. Bởi từ trước đến nay, người ta thường tận dụng hổ chết để nấu cao. Ngay cả Vườn thú Hà Nội, Cục Cảnh sát Môi trường cũng đã phát hiện vườn thú này đã từng bán 2 con hổ chết cho 1 đối tượng chuyên nấu cao, với giá mỗi con từ 120 đến 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, nếu các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm bằng cách thu hồi số hổ là tang vật vi phạm để giao cho các Trung tâm cứu hộ ngay từ đầu, sẽ không gây thiệt hại cho các hộ nuôi nhốt hổ trái phép trong việc duy trì sự sống đàn hổ. Mặt khác, cơ quan Kiểm lâm cũng không phải lãng phí thời gian và công sức trong việc giám sát đàn hổ bất hợp pháp. Hiện các vụ nuôi nhốt hổ trái phép ở Thanh Hoá, Thái Nguyên và một số địa phương vẫn chưa được xử lý dứt điểm.