Tranh luận nảy lửa với bộ trưởng về thủy điện, thiên tai

Thủy điện, quản lý rừng và thiên tai tiếp tục là chủ đề “nóng” được các đại biểu (ĐB) quan tâm trong phiên thảo luận kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước ngày 5/11 tại Quốc hội (QH).

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (ảnh trái) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại phiên họp. Ảnh: CTV

Sạt lở do “tổ hợp các dạng thiên tai”

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà dẫn thông tin từ báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc. Theo ông, cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua, trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.

Việt Nam nằm trong khu vực chịu bão của vùng Tây Nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong khu vực về rủi ro thiên tai và đứng thứ 16 trong số các nước chịu tác động của khí hậu cực đoan.

Với thiên tai ở miền Trung, theo Bộ trưởng, cần phải có nghiên cứu độc lập, đánh giá của các cơ quan khoa học, nhưng nhìn chung các điểm xảy ra sạt lở là “tổ hợp các dạng thiên tai”. Bốn cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm, vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua các chỉ số do lịch sử…

“Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa lên đến hơn 500 mm/ngày, có những nơi lượng mưa lên đến 2.000, thậm chí 4.000 mm. Lượng mưa như thế là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa”, Tư lệnh ngành TN&MT nói.

Theo Bộ trưởng, các khu vực sạt lở có độ cao duy trì ở 300-900 m, nằm trong đới đứt gãy địa chất, đất đá có tình trạng phong hóa, độ gắn kết rất thấp… Ông Hà cũng nhấn mạnh, nếu kết luận sạt lở do thuỷ điện thì chưa có.

“Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và dẫn chứng như khu vực Trà Leng thì thuỷ điện Trà Leng 3 hiện chưa xây dựng.

Cũng giải đáp ý kiến ĐB về thủy điện nhỏ, đặc biệt là ảnh hưởng môi trường, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói “đã có những quy trình pháp luật rất bài bản để quản lý”.

Theo ông Tuấn Anh, dự án thuỷ điện xâm phạm đất rừng tự nhiên đều phải bổ sung quy hoạch. Nếu vượt qua 10ha đất/1MW dự án sẽ không được xem xét. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua.

Ở đâu có nhiều thủy điện, ở đấy gắn liền với sạt lở, ngập lụt

Với các thủy điện nhỏ hết khấu hao, Bộ trưởng nhấn mạnh, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, “nếu chúng ta không nhìn nhận trước vấn đề, sẽ để lại di họa cho con cháu phải giải quyết”.

“Cách Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là lúc nào thủy điện hết khấu hao thì chủ đầu tư xử lý. Tôi xin nói ngay, hiện nhiều dự án lấy đất của dân, di dời dân mà còn chưa đền bù cho họ. Để 30-40 năm sau thì ai là người giải quyết bỏ tiền ra?”, ông Quốc nêu.

ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai). Ảnh: CTV

Theo ĐB Quốc, doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) thẳng thắn cho rằng, phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì “mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá”. Theo ông, Bộ trưởng Công thương nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện thì… chưa ổn.

“Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đấy gắn liền với việc lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt”, ông Hồng nhận xét và bày tỏ, “tôi không phải nhà khoa học, câu trả lời về nguyên nhân lũ lụt và sạt lở thì Chính phủ và các nhà khoa học sẽ có ý kiến chính thức cuối cùng, nhưng nhiều ĐBQH quanh tôi đều có chung một nhận xét như tôi”.

“Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”

Cũng tham gia tranh luận về lợi ích và tác hại của thủy điện nhỏ, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần nhìn vấn đề trên quan điểm lịch sử.

Ông dẫn chứng, khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy. Bởi đây là con sông hùng vĩ, hung dữ trải qua bao đời. Sau đó, Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng, lúc đầu nhằm mục đích trị thủy rồi mới đến phát điện.

Theo ông Vân, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của một số nhà đầu tư trục lợi thông qua phá rừng để lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên.

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): Ảnh: CTV

“Tôi nghĩ rằng, phải xem xét khách quan nhiều chiều và thấy rằng con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra. Chúng ta xử là xử động cơ, mục đích của họ”, ĐB đoàn Ca Mau nói và nhấn mạnh, “không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng có quan điểm “không đổ thừa” cho thuỷ điện. Nhưng theo ĐB, phải tính toán lại việc cấp phép thủy điện.

Ông Nghĩa nêu vấn đề, một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện? Chẳng hạn dòng sông chỉ chịu được 3 dự án, nhưng cấp đến 8 dự án thì sẽ khác? Cho nên, cần có quy trình cụ thể. “Nếu đơn giản hóa thì không thấy trách nhiệm của Nhà nước ở đâu”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB, doanh nghiệp tư nhân rất sáng tạo, nhạy bén, thông minh, tối đa hóa nguồn lực tốt nhưng có thể gây xung đột lợi ích với các tầng lớp khác.

“Nhiều khi họ chỉ nghĩ đến lợi ích 5 năm, 10 năm, không nghĩ đến lợi ích 20 năm, 30 năm. Họ nghĩ đến lợi ích kinh tế, không nghĩ đến lợi ích chính trị hay văn hóa, xã hội. Vì vậy, cần có Nhà nước với vai trò phải làm trọng tài để xử lý các xung đột lợi ích”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là “trước đây có 9 triệu ha rừng, bây giờ trên 14 triệu ha rừng”, ĐB Nghĩa hỏi, vậy giờ có bao nhiêu rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng?

Theo ĐB, 2 loại rừng này khác nhau. “Năng lực bảo vệ đất đai, tích lũy nước ngầm của rừng tự nhiên rất khác với rừng trồng”, ông Nghĩa lưu ý và đề nghị, không thể nói chung chung để so sánh đơn giản.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương”

Với điện mặt trời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn.

“Tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Thực tế chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường”, lãnh đạo ngành Công thương nhấn mạnh.

Tranh luận lại, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) nói, “tôi thấy Bộ trưởng trả lời như vậy là chưa làm đúng trách nhiệm của mình. Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói có quy định của luật về việc chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý tấm pin điện mặt trời đó. Cái chúng tôi đang cần là người đứng đầu ngành có phương án gì với việc đó”.

Theo nữ ĐB, hiện cán bộ, nhân dân ở địa phương có pin năng lượng mặt trời rất hoang mang. “Ngay kể cả bản thân tôi”, bà Ksor H’Bơ Khăp nhấn mạnh và thông tin, thị xã Ayun Pa nơi bà đang sống là “lòng chảo”, rất nắng, đến 10h đêm vẫn 37 độ. Giờ lại thêm pin năng lượng mặt trời tràn lan.

“Sau này những tấm pin đó sẽ xử lý thế nào? Đưa lên mặt trăng hay dùng để nướng bò một nắng hay sao vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản này?”, ĐB Ksor H’Bơ Khăp gay gắt.