Nguy cơ bùng phát cao dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán

Ông Hoàng Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, ngày 15/01, tại Hà Nội. Ông Hoàng Văn Năm cũng cho biết kết quả kiểm tra tại Sơn La (nơi có một cháu bé 4 tuổi tử vong do nhiễm virut A H5N1 hồi tháng 12/2007) cho thấy gia cầm tại đây âm tính với virut cúm.

Ông Năm giải thích, tại thời điểm Bộ đi kiểm tra thì ở Sơn La không còn hiện tượng gia cầm chết, mặc dù trước đó 2 tháng gia cầm đã chết rải rác rất nhiều, do vậy có thể khi được kiểm tra tại đây đã hết trường hợp gia cầm dương tính với virut cúm, và cũng có thể gia cầm chết do nhiều bệnh khác nữa nên tỉnh này không công bố có dịch.

Ông Năm cũng chỉ rõ, nguyên nhân là do sơ suất của cơ quan thú y địa phương không kiểm soát và chỉ đạo kịp nên đã xảy ra một trường hợp tử vong do nhiễm virut cúm gia cầm.

Ông Năm nhấn mạnh để tránh sai phạm như ở Sơn La, lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tới tận thôn ấp bản; phát hiện và xử lý dịch kịp thời, tuyệt đối không dấu dịch, không bán chạy gia cầm bị bệnh.

Về tình hình dịch cúm gia cầm, trong tuần qua cả nước có 2 tỉnh là Thái Nguyên và Trà Vinh chưa qua thời hạn 21 ngày.

Trong tuần, dịch lở mồm long móng tại Hà Tĩnh và Nghệ An đã làm chết 28 con bò, 3 con bê và 2 con lợn, số gia súc này chưa được tiêm vắc xin lở mồm long móng; chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiêu huỷ toàn bộ số gia súc mắc bệnh.

Còn dịch tai xanh ở lợn tại Bạc Liêu đã lan rộng ra 4 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Đông Hải và Giá Rai làm tổng số 69 con mắc bệnh trong tổng đàn 100 con; toàn bộ số lợn này đã được tiêu huỷ, số còn lại chưa mắc bệnh đã được khoanh vùng để theo dõi; tỉnh Bạc Liêu đã có chỉ thị chỉ đạo khoanh vùng và xử lý ổ dịch nhưng chưa có quyết định công bố dịch.