Ô nhiễm công nghiệp: Thật đáng sợ !

Để sản xuất ra một tấn xi măng, một nhà máy phải thải ra khoảng 1/10 giá trị đó là khí, bụi và các chất độc hại. Vì thế các TP công nghiệp thông thường là những TP ô nhiễm cao nhất”. Đó là ví von của GS Trần Mạnh Trí, một chuyên gia về môi trường, khi nói về độ tàn phá của ô nhiễm công nghiệp.

70% bụi dưới 10 mm là sản phẩm… công nghiệp

Khẳng định của GS Trần Mạnh Trí được sự xác nhận của rất nhiều hộ dân sống xung quanh các KCN tại TPHCM. Bà Nguyễn Thị Hòe, đường Tây Thạnh (KCN Tân Bình-TPHCM), cho biết: “Các cây hoa kiểng đều bị héo vàng, chết dần hoặc lá quắt queo lại”. Ban đầu bà Hòe nghĩ rằng do chăm sóc không đúng cách, nhưng sau đó bà mới biết do tại khu vực xung quanh KCN có quá nhiều chất độc hại.

Một khảo sát của Quân đoàn 4 đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực lân cận Quân đoàn 4 như KCN Sóng Thần 1, KCN Bình Chiểu, KCN Sóng Thần 2, KCN Đồng An, KCN Bình Đường, KCN Việt Hương, KCN Tân Đông Hiệp A (Bình Dương), KCN Tân Bình (TPHCM)… cho thấy mức độ ô nhiễm ở khu vực này cao hơn rất nhiều lần so với những khu vực cách xa KCN.

Nồng độ bụi có kích thước nhỏ dưới 10 mm ở các KCN này chiếm tỉ lệ khoảng 70%; trong khi đó ở những giao lộ, bụi kích thước nhỏ thấp hơn rất nhiều lần. Chưa hết, hàm lượng các loại khí như NO2, CO, SO2… và ô nhiễm tiếng ồn đều gia tăng theo từng năm. Không chỉ là con số, nhiều hoạt động của dân cư trong khu vực đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm từ các KCN xả ra như thiếu nguồn nước, hứng chịu mùi hôi, hóa chất, mắc bệnh về hô hấp.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, ô nhiễm công nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất so với các loại ô nhiễm khác. Và các loại bụi kích thước nhỏ, hầu hết đều là… sản phẩm công nghiệp.

Lan rất xa

TS Vũ Văn Tiễu, nguyên giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, cho biết tác hại của ô nhiễm công nghiệp không chỉ dừng ở khu vực xung quanh. “Ở các KCN có sản xuất vật liệu, đất có khả năng bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen; nước có khả năng bị ngấm hóa chất hoặc những nguồn thải nguy hại; không khí bị nhuốm bởi các loại khí độc như CO, SO2, benzen… và xả ra hàng loạt khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên”. Nhưng, điều mà TS Tiễu lo hơn là ô nhiễm công nghiệp có khả năng lan rất xa: “Sản xuất công nghiệp ở tận châu Âu mà còn tác động mạnh mẽ đến chúng ta nên thật khó để chắc chắn ở xa KCN sẽ được an toàn”.

Không chỉ lan xa, ô nhiễm công nghiệp còn gây ra hàng loạt bệnh tật. Theo thống kê của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, hiện có khoảng 25 bệnh tật được cho là có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm công nghiệp như: nhiễm độc benzen, nhiễm độc nicotin, viêm da, viêm gan do virus, bệnh rung chuyển tần số cao, bệnh điếc nghề nghiệp, nhiễm độc các-bon…

Bỏ ngỏ vấn đề kiểm soát

Mặc dầu ô nhiễm công nghiệp gây nhiều tác hại nghiêm trọng nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được chú trọng. TPHCM có 15 KCN, KCX nhưng có đến 8 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Đặt vấn đề bao giờ các KCN có hệ thống xử lý khí thải, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng lắc đầu: “Chưa thể làm được”. Lý do được xác nhận là chưa đủ trang thiết bị, con người và tiền bạc để kiểm soát. Như vậy, từng ngày người dân và môi trường vẫn phải hít thở với hàng tấn khí thải, chất thải, cam chịu sống chung với… ô nhiễm.