Đồng bằng sông Cửu Long: Không có tiền để chống sạt lở (Kỳ cuối): Báo động, nhưng vẫn bị động!

ThienNhien.Net – Trong khi tình trạng sạt lở vẫn gia tăng với mức độ khốc liệt, thì những giải pháp phòng, chống lại tỏ ra bị động và bộc lộ nhiều hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo: Ngay từ bây giờ phải có những giải pháp căn cơ, thích hợp và bền vững lâu dài, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng để ứng phó với mối đe dọa của thủy thần.

Công trình kè bảo vệ bờ biển tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. (Ảnh: Báo Lao động)
Công trình kè bảo vệ bờ biển tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. (Ảnh: Báo Lao động)

Bất cập từ trong ra ngoài

An Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL có sạt lở nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, theo một đại diện Sở TNMT tỉnh này thì thời gian qua, công tác quan trắc, cảnh báo sạt lở và triển khai các giải pháp phòng, chống chỉ mang tính cục bộ, chưa đảm bảo cơ sở khoa học nên kết quả không cao.

Theo đó, Sở TNMT tỉnh An Giang đã tiến hành quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ nhằm đo đạc địa hình đáy sông tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm, đo mặt cắt ngang các đoạn sông sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, phân tích, xử lý số liệu, đưa vào tính toán hệ số ổn định mái dốc để đưa ra cảnh báo sạt lở trên toàn tỉnh… Tuy nhiên, công việc này chỉ diễn ra vào tháng 6 và tháng 12 – tức mỗi năm được 2 lần. Trong khi lúc cao điểm, sạt lở diễn ra nhiều như “cơm bữa”. Đó là chưa kể, tại không ít địa phương, việc đo đạc, đánh giá hiện trạng lòng sông chỉ thực hiện khi có xảy ra sạt lở, nghĩa là chỉ “chữa cháy” chứ không có “phòng cháy”.

Ông Hà Tấn Việt – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Sóc Trăng – nêu thực trạng: “Mọi năm, chúng tôi đều đi kiểm tra các điểm sạt lở trước mùa mưa bão, nhưng lúc vào mùa, sạt lở lại diễn ra ở những chỗ khác, không lường trước được, nên công tác cảnh báo gần như là không thể!”.

Đáng lo nhất là vấn nạn khai thác cát lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ gây cạn kiệt tài nguyên cát, mà còn tác động trực tiếp đến thay đổi dòng dẫn, gây ra sạt lở đường bờ nghiêm trọng…

Loay hoay vì “đói” vốn

Đầu tư nguồn lực cho phòng, chống sạt lở là vấn đề cấp bách, nhưng không ít địa phương đang lâm vào cảnh “khóc cười” vì thiếu vốn. Ông Nguyễn Quý Ninh – Phó Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (Chi cục Thủy lợi TP.Cần Thơ) – cho biết: Đồ án quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP.Cần Thơ đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2010, Sở NNPTNT cũng đã lập dự án đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ sông có nhu cầu bức xúc như: Kè rạch Cam, kè Cái Sơn, kè Mỹ Khánh… nhưng đến nay chưa triển khai được do gặp khó khăn về nguồn vốn.

Theo thống kê sơ bộ, tại tỉnh An Giang có khoảng 2.200 hộ dân có nhà trong khu vực hành lang cảnh báo sạt lở. Trong số này, nhiều hộ có hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí đã mất nhà do sạt lở từ những năm trước. Tuy nhiên hiện tại, tỉnh không có đủ điều kiện để xây dựng các khu tái định cư, nên đã kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí giúp người dân ổn định cuộc sống…

Cần chung tay đẩy lùi sạt lở

Tại Hội thảo “Kiểm soát sạt lở vùng ĐBSCL – thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, các chuyên gia kiến nghị các bộ, ngành trung ương cần bổ sung công tác điều tra, đánh giá tác động của dòng chảy và các yếu tố khác để cảnh báo sạt lở bờ sông, thành lập cơ sở dữ liệu và bản đồ cảnh báo thiên tai đối với các tuyến sông, kênh thuộc Trung ương quản lý. Quan trọng nhất là đánh giá tiềm năng và ảnh hưởng hoạt động khai thác cát đến thay đổi lòng dẫn, ảnh hưởng đến quá trình xói lở và bồi tụ trên hệ thống sông Cửu Long và đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch khai thác hợp ly, nhằm phục vụ phát triển bền vững trong khu vực. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục cộng đồng trong công tác phòng chống sạt lở, trong đó cần quan tâm tới việc động viên nhân dân bảo vệ rừng ngập mặn, cây cối ven sông, không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông…

Ông Hà Tấn Việt – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Sóc Trăng – nêu ý kiến: “Hiện nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để chống sạt lở như: Làm kè rọ đá, đóng cừ tràm, trồng cây ngập mặn… Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, được khoảng 2-3 năm, sạt lở lại tiếp diễn. Thời gian tới, các bộ, ngành trung ương cần sớm đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ lâu dài để phòng, chống sạt lở.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết thêm: Bộ NNPTNT đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị có liên quan nhằm đưa ra các giải pháp phòng, chống. Cụ thể là quản lý phát triển KTXH các vùng ven bờ. Mỗi khi xây dựng một công trình để phát triển KTXH, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về những tác động có liên quan đến sạt lở; Phục hồi lại các vùng bị sạt lở thông qua việc phát triển rừng ngập mặn; Rà soát lại quy hoạch đê biển, phát triển vùng biển; Xây dựng các kế hoạch đưa vào chiến lược tổng thể phòng, chống thiên tai; Trên cơ sở xây dựng các mô hình tìm ra giải pháp tốt nhất… Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác truyền thông và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để việc phòng, chống sạt lở mang lại hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm soát sạt lở vùng ĐBSCL – thực trạng và giải pháp”, ông Christian Henckes – Giám đốc GIZ (Chương trình quản lý tổng hợp ven biển) – nhấn mạnh: “Thời gian tới, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng các công trình như: Hàng rào chắn sóng, phục vụ bãi bồi, rừng ngập mặn, tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế… để qua đó, giúp Việt Nam ứng phó với sạt lở nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung”.