Rừng hàn đới làm khí hậu nóng lên

Hãy trồng một cái cây để giúp hành tinh chúng ta tốt đẹp hơn – Khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường quen thuộc bấy lâu nay bỗng chốc trở thành "phản khoa học" khi một nhóm các nhà khoa học Mỹ tuyên bố rằng trồng nhiều cây xanh sẽ làm khí hậu trái đất nóng lên.

Qua nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Livermore Lawrence (Mỹ) khẳng định rằng trồng nhiều cây ở các khu vực thuộc vị trí vĩ độ trung đến cao như Canada, Scadinavia và Siberia sẽ có thể tạo ra hiện tượng khí hậu nóng dần lên.

Theo lý thuyết, phương thức để “hóa giải” sự nguy hại đến môi trường từ những ánh đèn huỳnh quang và ethanol là trồng cây bởi cây sẽ làm mát không khí bằng cách hút khí carbon dioxide (CO2) trong không khí. Tuy nhiên, trên thực tế, một số tác động khí hậu khác của rừng lại có thể ngăn cản khả năng hút khí CO2 tại một số khu vực trên thế giới.

Sử dụng mô hình khí hậu 3 chiều, các nhà khoa học đã mô phỏng lại đầy đủ diễn biến quá trình tàn phá rừng trên trái đất và so sánh cặn kẽ hiệu ứng lọc không khí của rừng tại nhiều khu vực khác nhau. Kết quả, rừng chỉ phát huy được khả năng hút khí CO2 hiệu quả tại các khu vực nhiệt đới còn tại các khu vực khác, rừng không những mất đi khả năng đó mà còn góp phần làm nóng trái Đất lên. Theo dự đoán của các nhà khoa học, đến năm 2100, nếu tất cả rừng trên trái đất bị đốn trụi, nhiệt độ sẽ giảm xuống khoảng hơn – 15oC.

Nhà khoa học Govindasamy Bala, tham gia dự án trên cho hay: “Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng có mỗi kiểu rừng mưa nhiệt đới có khả năng giúp giảm thiểu hiện tượng nóng dần lên của Trái đất”. Tại 3 khu vực nhiệt đới, ôn đới và hàn đới, rừng đều thực hiện tốt chức năng hút khí CO2 từ không khí nhưng “thất thường” trong việc hấp thu ánh sáng và tạo mây.

Tại khu vực nhiệt đới, rừng thực sự là một “trợ thủ” đắc lực giúp làm mát không khí. Đất rất ẩm ướt vì vậy thông qua quá trình làm bay hơi nước từ đất vào không khí, cây cối tạo ra được những tầng mây thấp, ngăn cản những tia nóng bức bối từ Mặt trời.

Tại các khu vực không phải nhiệt đới, nhất là vào mùa đông khi tuyết phủ trắng rừng, rất ít những tầng mây thấp hình thành bởi cây cối gặp khó khăn trong việc hút nước từ đất cứng và lạnh “Sự hình thành mây ít ỏi cộng với việc cây cối hấp thụ ánh sáng mặt trời trong một thời gian dài đã làm lấn át khả năng thu nạp khí CO2 của cây, biến rừng thành một trong những thủ phạm làm trái đất nóng dần lên”, nhà sinh thái học Ken Caldeira, một trong số các nhà nghiên cứu trên giải thích. Chính vì thế, theo ông Caldeira, ở những nơi thường xuyên tuyết phủ, việc không có cây cối đôi khi lại giúp cho khí hậu mát hơn một chút ít.

Nhà khoa học Claderia thừa nhận bảo vệ rừng là một trong những nỗ lực bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên của trái đất. Tuy nhiên, ông Claderia khẳng định không phải cứ “nhắm mắt nhắm mũi” trồng rừng là tốt mà cần phải biết làm thế nào có lợi.

“Nghiên cứu của chúng tôi không cổ súy cho thói xấu chặt phá rừng hay hủy hoại môi trường thiên nhiên mà là tài liệu tham khảo cần thiết để tìm ra phương thức ngăn chặn hiện tượng đang nóng dần lên của hành tinh chúng ta. Chúng ta nên xem xét lại “hệ thống năng lượng” của chúng ta, vẫn đang ngày ngày làm ô nhiễm môi trường”, ông Claderia nhận xét.