Phát triển du lịch biển bền vững cần “sạch môi trường”

Thời gian qua, du lịch biển nước ta phát triển khá mạnh với lượng khách và doanh thu tăng hàng năm. Tuy nhiên, phát triển du lịch biển bền vững phải với phương châm “sạch môi trường, đẹp văn hoá, hiện đại, dân tộc và độc đáo”.

Việt Nam có diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, trong đó nhiều đảo có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển – đảo và dịch vụ cho các hoạt động biển xa. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái của biển là nền tảng cho việc phát triển lâu dài một số ngành kinh tế, trong đó có du lịch với khoảng 20 bãi cát biển đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nằm trong khu vực biển có tính khắc nghiệt về mặt thời tiết, khí hậu nên nước ta thường xuyên chịu nhiều rủi ro thiên tai. Các hiện tượng như chất thải sinh hoạt, lượng thức ăn dư thừa trong nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, thuỷ triều đỏ, nước biển dâng cao và ấm lên… sẽ làm ngập và phá huỷ các hệ sinh thái ven biển, các ốc đảo san hô ngoài khơi, gây ra “thảm hoạ” sinh thái cũng như triệt hại nguồn vốn tự nhiên đối với phát triển du lịch bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản – Bộ NN&PTNT), Việt Nam cần rà soát lại chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch biển phù hợp với tinh thần của Chiến lược biển đến năm 2020, thông qua việc lồng ghép các kịch bản rủi ro tự nhiên và nhân sinh để căn cứ vào đó xây dựng chiến lược lâu dài, phương án ứng phó, thích nghi với các khả năng tác động của các rủi ro trên. Để bảo toàn chức năng sinh thái của vùng biển và vốn sinh thái cho phát triển du lịch biển bền vững, Việt Nam cần tăng cường tính liên ngành trong phát triển, quản lý du lịch biển, thông qua các công cụ chính sách, quy hoạch lồng ghép; phối hợp thành lập và quản lý các khu bảo tồn ven biển và biển – đảo.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải đa dạng hoá các loại hình du lịch biển trên cơ sở khai thác các giá trị chức năng của hệ sinh thái biển – ven biển, tận dụng các yếu tố văn hoá – xã hội biển để tạo ra sản phẩm du lịch mới, có chất lượng, bền vững như: làng văn hoá nghề cá mang bản sắc Việt, câu cá, đánh cá giải trí, du lịch lặn, du lịch ngắm – thưởng ngoạn trong các khu bảo tồn ven biển, biển, đảo.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương ven biển, tạo cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động du lịch biển bền vững hoặc phát triển du lịch cộng đồng, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, cải thiện sinh kế, góp phần xoá đói giảm nghèo. Nhà nước cần xúc tiến việc quản lý du lịch biển, theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giảm thiểu tác động từ các hoạt động của các ngành kinh tế khác đến chất lượng sản phẩm du lịch, các hoạt động du lịch biển đến môi trường, tài nguyên biển.

Chúng ta cũng cần ban hành các cơ chế chính sách bảo toàn, gia tăng “nguồn vốn sinh thái biển” cho đất nước; phục hồi, phát triển các hệ sinh thái và giá trị tài nguyên biển liên quan tới phát triển du lịch biển – đảo thông qua việc triển khai các dự án như: phục hồi hệ sinh thái, xây dựng thí điểm rừng san hô nhân tạo…