Sống bên lưỡi triều

Đi dọc vùng biển hai huyện Phú Vang, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi đang diễn ra nạn xâm thực nặng nề, gây mất tài sản, mất mùa biển để biết bà con ngư dân đang sống như thế nào, nghĩ gì, ao ước gì khi chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết.

“Cửa Vỡ”

Chiều ngày cuối năm, đi dọc ven biển Thuận An, trong lòng dấy lên nỗi buồn bất an. Những phụ nữ lớn tuổi dẫn theo cả trẻ con từ khu định cư xóm Rồng đi dọc ven biển thắp hương. Khói hương lam hoà trong bụi nước trắng bốc lên mỗi khi con sóng vỗ ầm vào ngôi nhà cũ, nay chỉ còn là đống vật liệu đổ nát rong rêu. Không chỉ phụ nữ mới ngậm ngùi trước cảnh đất cũ, nhà cũ.

 gienglang

Giếng làng.

Tình cờ gặp hai anh em Nguyễn Xuân Thức ngồi buồn thiu trong ngôi nhà cũ của họ – bỏ hoang bên lưỡi triều đe dọa. Thức đi ra đến gần mép sóng biển, chỉ vào miệng giếng nước ngọt còn nhô lên chừng mấy tấc: “Chỗ ni năm 1999 còn ở giữa làng. Tụi tui chơi đá banh, khát là chạy tới đây múc nước ngọt uống. Anh chụp ảnh đi, vài mùa đông nữa là chỗ này bị sóng ăn hết!”.

Nạn khai thác titan bừa bãi ven biển để lại bao hậu quả nặng nề như huỷ diệt rừng dương chống cát chuyển, làm đảo lộn bề mặt bờ biển, tạo “cửa mở” cho sóng ăn sâu vào đất liền… Tuy nhiên, nói vui một chút, tháng 04/2001, những người khai thác titan trong khi “xới tung” bờ biển cũng đã “có công” làm lộ tháp Chăm bị vùi sâu hơn 5 mét trong lòng đất cát ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang.

Tháp Mỹ Khánh được công nhận là di tích văn hoá quốc gia và qua quá trình bảo tồn tháp, người ta phát hiện thêm một công trình kiến trúc Chăm gần đấy: Đê chắn sóng. Thì ra người Chăm nghìn năm trước ở khu vực Phú Vang này đã phải đối mặt với nạn sóng triều xâm thực và họ đã kỳ công xây dựng đê chắn sóng dọc bờ biển. Nạn xâm thực diễn ra liên tục trong lịch sử còn ghi dấu ấn dữ dội qua cái tên dân gian gọi cửa Hoà Duân ở Thuận An: “Cửa Vỡ”!

“Cửa sống”

Lần đầu tiên được đi trên chiếc cầu bắc qua phá Tam Giang, gạch nối ngoạn mục giữa khu Hai và khu Ba huyện Phú Lộc, là hai vùng vốn cách trở đò giang từ thuở khai thiên lập địa. Chiếc cầu dài nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa mới khánh thành, trên mặt cầu đã vắng công nhân, nhưng còn ngổn ngang xe đặc dụng và thiết bị.

Dừng lại giữa cầu, chụp liền mấy ảnh cửa Tư Hiền. Chưa bao giờ có vị trí cao thoáng, thuận lợi thế này để chụp cửa biển đầy ấn tượng này, thế mà trời lại mưa dầm. Bằng mắt thường, có thể nhìn thấy hai “bức tường” cát màu vàng, phần nhô lên khỏi mặt biển, phần chạy ngầm dưới sóng và chúng chỉ còn cách nhau không xa để có thể thực hiện cái “bắt tay ma quỷ” lịch sử.

Nếu dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên – Huế, gặp người dân xót xa tình cảnh lưỡi triều ngày đêm liếm dần vào nền móng ngôi nhà của họ, ăn mất đất làng, thì dân xã Vinh Hiền còn thêm nỗi lo chung: Cát đang bồi lấp cửa Tư Hiền. Hàng trăm năm trước, cửa Tư Hiền vẫn biến động theo chu kỳ “đóng-mở”. Có điều mấy chục năm gần đây, chu kỳ ấy tăng tốc khiến ngư dân các xã thuộc khu Ba, huyện Phú Lộc, và cả mấy xã Phú Vang nữa, gặp cảnh khốn đốn.

Theo chân lão ngư Trương Lung dong thuyền chở vượt cửa Tư Hiền, từ đầm ra biển, để “lấy cảm giác”. Ông nói: “Cửa Tư Hiền mà đóng, ghe tàu phải ngược cửa Thuận An để ra biển, đến ngư trường, hết “con trăng” (thời gian đánh bắt) lại phải vào cửa Thuận An, quay về đầm Tam Giang, đoạn đường di chuyển tăng cả trăm cây số, mất không một lượng xăng dầu lớn, nhất là vào thời buổi “xăng châu, dầu quế” này! Với ngư dân bề tui, cửa Tư Hiền còn là “Cửa sống”.

Mỗi khi có bão, ghe tàu chạy được vào cửa Tư Hiền là coi như có chỗ nấp an toàn, nhưng nếu cửa đóng rồi thì xảy ra tình trạng oái oăm: “Gần nhà xa ngõ” – bão đuổi tới sau lưng, đầm phá che chở nằm ngay trước mặt, thế nhưng ngư dân vẫn phải “mồ côi” trên biển, các bãi ngang không giúp gì nhiều cho tàu thuyền trong bão”.

Nguy cơ đóng cửa Tư Hiền không chỉ là nỗi lo của chính quyền và người dân chịu ảnh hưởng trong vùng, mà đó là thiệt hại cho cả một hệ sinh thái rộng lớn. Cửa Tư Hiền cũng là “Cửa sống” của 171 nguồn “gene” sinh học.

Các khảo sát khoa học cho biết: Đầm phá Cầu Hai-Tam Giang có diện tích cũng như hệ sinh thái phong phú nhất trong số đầm phá của cả khu vực Đông Nam Á, phân bố trên chiều dài gần 70km, có tổng diện tích 248,7km2, chiếm khoảng một nửa tổng diện tích đầm phá ven bờ Việt Nam (480,5km2), có tính đa dạng sinh học rất cao.

Nguồn “gene” của đầm phá Cầu Hai – Tam Giang có đến 714 loài. Trong đó, 171 loài thực vật phù du, 37 loài động vật phù du, 54 loài thực vật nhỏ bám đáy, 43 loài rong tảo, 15 loài cỏ nước, 31 loài thực vật cạn, 63 loài động vật đáy… Ngoài 36 loài chim định cư, hàng năm, có đến 34 loài chim di cư trú ngụ, trong đó có 21 loài được ghi vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu, 1 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

Đặc biệt, đầm phá Cầu Hai-Tam Giang có đến 230 loài cá nước lợ. Cá dầy Tam Giang được xếp vào loài đặc hữu, có giá trị thương phẩm cao. Không chỉ cá dầy, mà các loại cá tôm vùng đầm phá này đều nổi tiếng thơm ngon nhất nước. Tuy nhiên, những giá trị có được từ vùng sinh thái nước lợ ấy sẽ mất đi, nếu cửa Tư Hiền đóng lại, khiến nước trong đầm phá trở nên ngọt.

“Tết năm ni e gay!”

Ông Nguyễn Văn An – Bí thư huyện Phú Lộc – nói như thế khi được hỏi thăm về tình hình đời sống ngư dân ven biển khi ngày Tết gần kề. Nỗi lo cũng bắt nguồn từ vấn đề môi sinh, có thể gọi là “nỗi lo ngọt hoá”.

Ông An cho biết: “5 xã khu Ba và 2 xã khu Hai của huyện có thể gọi là vựa nuôi tôm, nuôi cá lồng khổng lồ với hơn 11 nghìn hécta. Hàng trăm hộ ngư dân từ nghèo khó trở nên sung túc, giàu có nhờ con tôm con cá. Nhưng tất cả đang thay đổi một cách đáng sợ bởi môi trường tự nhiên thay đổi”.

Ông Bạch Văn Khai – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc – xác nhận: “Chưa bao giờ nghề nuôi trồng thuỷ sản huyện tôi lao đao như năm nay. Tất nhiên năm nào cũng có lụt, cũng có nước ngọt từ nguồn đổ vào đầm phá Tam Giang, làm nước lợ trong đầm tăng ngọt. Nhưng lần này thì lũ lớn, lũ liên tục, lượng nước ngọt quá lớn, thời gian ngâm rất lâu, bùn lại theo nước nguồn tuôn vào đầm, khiến tôm cá nước lợ sống không nổi, nổ trắng cả mắt, chết hàng loạt, có nhiều hộ phá sản ngay trước thời điểm thu hoạch. Tình hình này báo trước một cái tết nghèo trong vùng đầm phá này”.

Còn anh Hoàng Văn Cần – vừa là Chủ tịch xã Vinh Hiền, vừa là chủ hộ nuôi cá lồng có tiếng – nói: “Riêng nhà tôi mất hết 40 triệu đồng cá lồng. Đau quá mà không biết kêu ai! Đấy là do lũ lụt trực tiếp tác hại trong một giai đoạn; chứ rồi đây, khi chu kỳ đóng của cửa Tư Hiền xảy ra, mới thực là thảm họa lâu dài. Khi ấy nước trong đầm không còn cửa để giao thông, trao đổi với nước biển sẽ mất đặc tính vùng nước lợ, mà chuyển sang ngọt dần. Ngư dân chúng tôi chắc phải chuyển sang nuôi cá nước ngọt thôi. Nhưng nguồn lợi sẽ giảm rất nhiều so với bây giờ. Nói thực, Tết năm ni dân vùng biển chúng tôi không được “vui vẻ” là thấy rõ rồi”.

Ngoài nguyên nhân thiên nhiên chuyển đổi bất lợi, biển cả và đầm phá còn bị chính con người tàn hại. Đầm phá Tam Giang đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng thuỷ sản – một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là rác. Rác từ hàng ngàn hộ dân trên bờ, từ trên ghe thuyền của hơn 500 hộ dân sống trên mặt nước đổ xuống hàng ngày. Những hộ dân này gần như 100% không lên bờ đi học, không ai biết chữ, có việc gì liên quan đến giấy tờ đều phải “lăn tay”, không ký được cái tên của mình, do đó nhận thức môi trường là điều xa xỉ với họ.

Chủ tịch xã Vinh Hiền chịu thua: “Biết rằng tuyên truyền giáo dục là “đầu tư phi công trình”, nhưng hàng trăm hộ này sống tản mạn khắp hàng trăm hécta mặt nước đầm phá, làm sao tiếp xúc được để tuyên truyền?”.

”Rừng vàng biển bạc”. Bây giờ, nhiều ngư dân trong mất mát nhưng vẫn giữ được giọng tiếu lâm, “diễn dịch” bạc (so với vàng, kim loại quý) là… “bạc màu”, nghĩa là trở nên ít cá, ít tôm! Lão ngư Trương Lung có gần nửa thế kỷ “ra biển vào đầm” – vừa khéo léo cho thuyền cập bến chợ Vinh Hiền – vừa tâm sự: “Cả biển, cả đầm đều cạn kiệt cả rồi. So với cách đây 30 năm, sản lượng khai thác thuỷ sản chỉ còn một nửa. Nói không ai tin, hồi tôi còn trai tráng, một đêm đi sáo thu được cả trăm cân cá tôm, tệ lắm cũng phải 20 cân, còn bây giờ mỗi đêm cao tay cũng chỉ 3 cân”. Và, ông cụ cười buồn: “Tết năm ni ngư dân bề tui gay hung rồi!”.

Cái điệp khúc buồn “Tết năm ni…” cứ văng vẳng mãi, khi biển cả và đầm phá đều đã xa xôi.