Vốn xanh cho năng lượng sạch

Việt Nam tranh thủ nguồn tài chính khí hậu cũng như dòng vốn đầu tư vào năng lượng sạch đang sôi động trên thế giới.

Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. (Ảnh: TL)

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc ngày 13/11 tại Glasgow, Scotland, với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Đây là một bài toán không đơn giản. Vấn đề này từng được tóm tắt trong một công trình của nhà kinh tế Nhật Yoichi Kaya, liên hệ giữa quy mô nền kinh tế, quy mô phát thải và lượng carbon trong hệ thống năng lượng:

Theo đó, khí thải là sản phẩm của dân số, GDP trên đầu người, năng lượng sử dụng trên một đơn vị GDP và lượng khí thải carbon từ năng lượng đó. Để giảm phát thải, phải giảm một hoặc nhiều trong 4 yếu tố này. Quá trình khử carbon nhanh chóng đòi hỏi đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo ở khắp mọi nơi, nhưng trên hết là ở các nền kinh tế mới nổi. Nếu không có số tiền đầu tư đủ lớn, quá trình khử carbon sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tại COP26, Việt Nam đã ký vào Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch. Theo đó, Việt Nam và một số quốc gia cam kết nhanh chóng mở rộng quy mô công nghệ và chính sách trong thập niên này để đạt được quá trình chuyển đổi từ sản xuất điện than vào những năm 2030 (hoặc càng sớm càng tốt) cho các nền kinh tế lớn và trong những năm 2040 (hoặc càng sớm càng tốt sau đó) trên toàn cầu.

“Quyết định từng bước bỏ điện than của Việt Nam đặc biệt đáng chú ý, vì Việt Nam là một trong những nước có nhiều nhà máy điện than trên thế giới”, Lauri Myllyvirta, Trưởng nhóm phân tích Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, đánh giá.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới đến năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.

Quyết định từng bước bỏ điện than của Việt Nam đặc biệt đáng chú ý, vì Việt Nam là một trong những nước có nhiều nhà máy điện than trên thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), trong số 12 dự án nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đã hoàn thành ký kết thỏa thuận vay vốn trong giai đoạn 2015-2021, có tới 10 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong thời gian tới, ngành điện Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại về nguồn vốn khi nguồn trong nước tiếp tục bị hạn chế, cùng với xu hướng dòng vốn cho nhiệt điện than toàn cầu suy giảm.

Chuyên viên phân tích tài chính năng lượng Thu Vũ của IEEFA đánh giá: “Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi rất sát sao việc chính phủ các nước và các định chế tài chính sẽ thực thi cam kết rút lui khỏi ngành than như thế nào”.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành GreenID, bà Ngụy Thị Khanh, cho rằng nếu Việt Nam đưa ra cam kết cao về giảm phát thải carbon, chúng ta sẽ bày tỏ được thiện chí, nguyện vọng và quyết tâm của mình. Khi đó, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận được các nguồn tài chính khí hậu công lẫn tư, trong đó có nguồn tài chính 100 tỉ USD/năm mà COP26 hướng đến, để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước đang phát triển.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỉ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó.

Tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế là một cuộc đua mà Việt Nam phải đua cùng các nước khác. Nếu Việt Nam đưa ra các cam kết tham vọng sẽ có lợi hơn. Tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Khối Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo tại khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.

Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables, cho biết năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Chỉ trong vài năm gần đây, từ gần như là con số 0, Việt Nam hiện đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời, với tổng công suất tích lũy vào cuối năm 2020 đạt 9,3 GW. Vì vậy, những cam kết từng bước bỏ điện than của Việt Nam thực chất là mở ra những cánh cửa khác rộng hơn của năng lượng sạch.