Người khiến đất cằn phải “nở hoa”

Xác định cây quế là chủ lực phù hợp với chất đất, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao. Hải đã bán đi những vật dụng có giá trị trong nhà kể cả trâu bò, lợn gà để gom tiền đầu tư vào trồng và chăm sóc cây quế. Mồ hôi đổ xuống và đất cằn đã dần “nở hoa”.

Một phen hú vía khi vào thăm trang trại của anh bằng con đường đất ngoằn ngoèo, toàn là dốc cao và dựng đứng. Ấy vậy mà chỉ với “con ngựa sắt”, chàng thanh niên có dáng người dong dỏng, nước da ngăm đen ấy vẫn ngày đêm lên chăm sóc đồi quế.

Anh nói: “Thường ngày mình còn chở một tạ quế tươi lên dốc, có sao đâu!”. Người thanh niên ấy là Hoàng Văn Hải, sinh ngày 12/08/1972, người dân tộc Tày, hiện là Bí thư Đoàn xã Đại Phác (Văn Yên, Yên Bái).

Quyết làm giàu tại quê hương

Sinh ra và lớn lên ở xã thuần nông, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nên Hoàng Văn Hải đã sớm ý thức được những khó khăn khi quyết định chọn con đường làm kinh tế nông nghiệp trên mảnh đất đồi núi của quê hương.
Chuyện được bắt đầu năm 1991, khi Hải được đi tập huấn công tác Đoàn ở Tỉnh Đoàn, được thăm quan một số mô hình trồng rừng có hiệu quả kinh tế cao ở huyện Yên Bình.

Từ ý tưởng ban đầu đó, về quê anh đã huy động nguồn vốn tự có để trồng cây Bồ Đề trên 1,5 ha. Do tập tục của người dân trong xã là nuôi trâu thả rông nên cây Bồ Đề của anh đã bị trâu phá tàn, nên sau 5 năm cây Bồ Đề không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Trong thời điểm khó khăn đó, Tỉnh Đoàn phát động phong trào Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước nên anh đã quyết tâm làm lại từ đầu là dựa vào thế mạnh của địa phương, tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lập trang trại trồng rừng tập trung, từng bước phá thế độc canh cây lúa, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường làm giàu chính đáng.

Bước khởi nghiệp của Hải với 19 triệu đồng vay từ chương trình 120 giải quyết việc làm cho thanh niên và thế chấp sổ đỏ của gia đình, anh nhận 6 ha đất trống, đồi núi trọc trồng 5,5 ha quế, 0,3 ha cây ăn quả (chủ yếu là vải thiều), sau đó xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Khi lập trang trại, khó khăn lớn nhất của Hải vẫn là vốn. Thiếu vốn khiến anh chán nản tưởng như không thể vượt qua nổi nhưng anh không chịu bó tay.

Xác định cây quế là chủ lực phù hợp với chất đất, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao. Anh đã bán đi những vật dụng có giá trị trong nhà, kể cả trâu bò, lợn gà để gom tiền đầu tư vào trang trại như: mua cây giống, phân bón, thuê nhân công và chủ yếu tập trung vào trồng, chăm sóc cây quế.

Nhưng khó khăn vẫn nối tiếp khó khăn, khi 6 ha quế của anh đã quen đất bén rễ thì trâu bò thả rông tiếp tục phá hoại. Nhớ lại những ngày gian truân ấy, Hải kể: “Không bao giờ được ngủ ở nhà vào buổi tối mà phải vào lán để canh trâu bò. Thậm chí, đêm giao thừa năm mới, các gia đình quây quần bên nhau còn mình vẫn phải lên gò gác quế”.

Năm 2004, trang trại quế bước đầu cho thu nhập thì giá quế trên thị trường lại phập phù, rẻ mạt (5 ngàn/1kg quế khô), hơn nữa tình trạng sâu tằm quế, sâu bọ xít… xuất hiện và ăn trụi sạch cả một đồi quế.

Trong thôn đã có nhiều thanh niên, gia đình chán nản từ bỏ cây quế, còn riêng Hải vẫn bám trụ với 6 ha quế mà anh đã bỏ bao mồ hôi và công sức chăm sóc.

Khắc phục những khó khăn đó, Hải đã tự tìm hiểu kiến thức về sản xuất, giá cả thị trường, tích cực tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật (KHKT), học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào sản xuất.

Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông huyện để tìm giải pháp trị sâu bệnh cho quế như phun thuốc trừ sâu Phôphatốc… nên sâu hại quế đã giảm dần. Đồi quế cằn cỗi ấy đã trở lại một màu xanh bạt ngàn.

Nhờ vậy mà đến nay, trang trại của Hải cho lãi trên 50 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ có thu nhập ổn định 1 triệu đồng/người/tháng.

Từ kết quả đó mà Hải đã xây được nhà, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, nuôi con ăn học. Mặt khác, anh còn giúp đỡ, ủng hộ người thân các hộ gia đình trong xóm khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Gắn công tác Đoàn với phát triển kinh tế

Không những làm kinh tế giỏi, Hải còn là Bí thư Đoàn xã năng nổ, nhiệt tình, tận tâm với công tác Đoàn. Sau khi đã trải qua các chức vụ như: Văn phòng ủy ban, Phó ban công an, Phó Bí thư Đoàn, phụ trách hộ tịch hộ khẩu của xã, đến năm 2000 Hải được bầu làm Bí thư Đoàn xã.

Trong những năm làm công tác Đoàn, Hải đã vận động được 21 thanh niên thành lập CLB Chủ trang trại trẻ. Những hoạt động của CLB đã thu hút được nhiều ĐVTN tham gia sinh hoạt, đồng thời đây là nơi để các chủ trang trại trẻ giao lưu học hỏi về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, chuyển giao KHKT.

Bên cạnh đó, Hải còn lãnh đạo đội thanh niên tình nguyện tham gia vào công trình mở đường lên Tà Si Láng, lên Nà Hẩu, các công trình nông thôn ở Châu Quế Hạ…

Năm 2005, xã Đại Phác được Tỉnh Đoàn, Sở NN&PTNT tỉnh chọn 3 thôn là Đại Thành, Đại Thắng, Đại Phác để xây dựng mô hình cánh đồng thanh niên có thu nhập 40 triệu đồng/năm.

Với 43,5 ha đất, Hải đã vận động được 51 thanh niên tham gia mô hình, đồng thời thành lập CLB Thanh niên xây dựng cánh đồng có giá trị kinh tế cao, đã đi vào hoạt động với 2 vụ lúa, 1 vụ ngô.

Qua tổng kết mô hình vào cuối năm 2005 đã đạt trên 40 triệu đồng và đến nay cánh đồng đã cho thu nhập trên 56 triệu đồng/năm, đời sống của bà con xã Đại Phác, đặc biệt là thanh niên trở nên ổn định, xóa được đói, giảm được nghèo.