Giữ rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Thời gian qua, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phối hợp với huyện Quế Phong và UBND các xã vùng đệm thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững như khoán bảo vệ rừng, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững. Qua đó nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cùng các lực lượng trên địa bàn huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nằm trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), gồm xã Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn, Châu Thôn. Đây là Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học rất cao ở miền Tây xứ Nghệ với các loại động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý gần 86 nghìn ha. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 34 nghìn ha, rừng phòng hộ trên 51 nghìn ha. Có đến hơn 26 nghìn ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Về thực vật, hiện đã ghi nhận được 1.248 loài, thuộc 603 chi của 174 họ, trong đó có 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Không chỉ đa dạng về thành phần loài, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt còn thể hiện sự đa dạng trong giá trị sử dụng của các loài thực vật, đa số các loài trong nhóm này đều là thực vật quý hiếm, có giá trị về kinh tế, sinh thái, cũng như văn hóa của các đồng bào dân tộc tại địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu về thực vật Một lá mầm (Monocots) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã xác đinh được 432 loài, trong đó, có 283 loài đã xác định được giá trị sử dụng (chiếm 65,51% tổng số loài). Cụ thể: Nhóm cây làm thuốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 197 loài (chiếm 45,60% tổng số loài), tiếp đến là nhóm cây làm cảnh với 94 loài chiếm (21,76% tổng số loài); nhóm cây cho tinh dầu với 38 loài (chiếm 8,08%); nhóm cây ăn được với 48 loài (chiếm 11,11%); nhóm cây làm thức ăn gia súc với 35 loài (chiếm 8,10%).

Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trên diện tích rừng được giao quản lý, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đơn vị đã xác định rõ một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để xây dưng sinh kế bền vững, giúp địa phương và người dân khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình; đảm bảo nâng cao thu nhập, đời sống và giải quyết công ăn việc làm cho người dân qua đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Khu bảo tồn.

Mô hình trồng mú từn ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

Hiện nay, các cộng đồng dân bản trên địa bàn huyện Quế Phong đã tham gia tích cực cùng với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. 100% thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng theo các chính sách, chương trình của Nhà nước, tích cực tuần tra, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực tham gia các chương trình, dự án trồng trừng, quế, cây dược liệu dưới tán rừng để bảo tồn giá trị đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội, giảm áp lực vào rừng. Đơn cử như thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen Quế Quỳ tại huyện Quế Phong” do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt triển khai, người dân các thôn bản trên địa bàn 9 xã đã thực hiện trồng được gần 300 ha rừng quế, bước đầu cho thu nhập từ thu hoạch cành, lá. Hiện nay, giống Quế Quỳ trong tự nhiên rất hiếm gặp, vì vậy việc gieo trồng loài cây này trong cộng đồng vừa có tác dụng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời có tác dụng bảo tồn nguồn gen quý hiếm này.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng đã phối hợp với các dự án hỗ trợ người dân các xã: Nậm Nhoong, Nâm Giải trồng, phát triển mô hình cây bon bo dưới tán rừng.  Ngoài ra còn phải kể đến một số mô hình tiêu biểu khác như trồng cây dược liệu dưới tán rừng như trồng đẳng sâm ở xã Thông Thụ, trồng mú từn ở xã Tiền Phong, trồng ba kích ở xã Đồng Văn với sự tham gia tích cực của người dân.

Cùng với đó, mô hình trồng thử nghiệm cây khoai sọ ở bản Piềng Lâng, xã Nậm Giải bước đầu cho thấy sự thành công và đang được tiếp tục mở rộng. Mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính ở xã Nậm Giải cũng cho thấy triển vọng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhượng của địa phương.

Việc thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng và thực hiện các mô hình sinh kế rừng bền vững trên địa bàn huyện Quế Phong thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng chấm dứt tình trạng phá rừng, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Các đơn vị, cộng đồng, nhóm hộ và hộ cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã có thêm nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.